• Thời sự - Chính trị
    • Xây dựng Đảng
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao - Du lịch
  • Pháp luật & Đời sống
    • An toàn giao thông
  • Đất & Người Kon Tum
  • Tòa soạn & Bạn đọc
    • Nhịp cầu bạn đọc
THƯ TÒA SOẠN    Quảng ngãi công bố tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính tỉnh    [EMAGAZINE] Báo Kon Tum điện tử - Khép lại hành trình để mở ra chặng đường mới    SỨC MẠNH CỦA ĐOÀN KẾT    Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy kiểm tra vận hành thử nghiệm bộ máy chính quyền cấp xã tại thành phố Kon Tum   

Ghi chép - Phóng sự

Lạ, thơm rượu Ngũ vị tử Y Phương

19/10/2020 13:15

Sinh ra trong một gia đình Xơ Đăng có truyền thống ủ rượu ghè, nhưng chị Y Phương (35 tuổi) ở thôn Năng Nhỏ 2, xã Đăk Sao (huyện Tu Mơ Rông) lại tìm hướng đi mới cho nghề làm rượu của gia đình. Với việc sử dụng hạt ngũ vị tử ngâm rượu, chị đã xây dựng được thương hiệu rượu mang chính tên mình.

Hương vị núi rừng

Trong những ngày đầu tháng 10, tôi có dịp được anh Nguyễn Văn Bền – Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Sao dẫn đến “mục sở thị” lò làm rượu ngũ vị tử của chị Y Phương. Tiếp tôi trong căn nhà cấp 4 thơm nồng hương rượu, chị đon đả giới thiệu về sản phẩm rượu Ngũ vị tử Y Phương. Chị cho biết, vừa để giữ gìn truyền thống nấu rượu của gia đình, vừa tận dụng sản vật do núi rừng Tu Mơ Rông ban tặng, chị đã kết hợp cho ra sản phẩm rượu mang đậm hương vị núi rừng.

Theo anh Bền, rượu ngũ vị tử Y Phương được cấp ủy, chính quyền địa phương lựa chọn là sản phẩm đặc trưng và xã đã hỗ trợ cho gia đình chị chế biến và xây dựng thương hiệu theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Ngũ vị tử là loại cây dây leo với cành phân nhiều nhánh, quả mọng hình cầu, khi chín có màu đỏ sẫm, thường mọc phổ biến ở các xã Măng Ri, Ngọc Yêu... huyện Tu Mơ Rông. Loại cây này ra hoa vào tháng 5-7, ra quả vào tháng 8-9… Tên ngũ vị tử có nghĩa là loại hạt có 5 vị, bao gồm: ngọt, đắng, chua, cay, mặn.

Hạt ngũ vị tử được làm sạch trước khi ngâm. Ảnh: T.T

 

Chị Phương kể: Lúc đến mùa, người dân thường rủ nhau vào rừng hái quả ngũ vị tử rồi về bán lại cho tôi. Quả tươi được tôi thu mua với giá trung bình khoảng 25.000 đồng/kg, mỗi mùa tôi mua trung bình 1,5-2 tấn quả tươi, rồi về phơi khô để ngâm rượu dần. Chính vì mang đến 5 vị nên rượu ngâm ngũ vị tử cũng mang hương vị rất đặc trưng.

Và để chứng minh sự thơm ngon đặc trưng ấy của rượu, chị Y Phương rót cho tôi một ly rượu đã được ngâm ngũ vị tử. Chạm nhẹ đầu lưỡi vào rượu, vị chua chua, đắng đắng là ấn tượng đầu tiên khiến tôi càng tò mò hương vị độc đáo của loại rượu này. Và khi nhấp môi, nhâm nhi hương vị rượu nào mặn, chua, cay, đắng, ngọt sẽ thấm dần, lan tỏa... khó quên. Khi rượu chảy qua khỏi cuống họng, vị cay đọng lại tại vùng lưỡi. Rượu chảy đến đâu, nóng và cay cay... đến đấy.

Là người gắn bó với địa phương lâu năm, anh Bền cùng nhiều người dân ở đây rất thích hương vị rượu Y Phương. Anh Bền cho biết, rượu do chị Phương làm uống rất “đằm”, không “nhẹ” cũng không “nặng”; nếu thực khách nào có lỡ uống quá một chút cũng không bị đau đầu như những loại rượu khác. Để đưa thương hiệu hương vị rượu ngũ vị tử đậm chất Tu Mơ Rông đến với khách hàng, ngoài nét đặc trưng có 5 vị khác nhau, chị còn có bí quyết chế biến riêng của gia đình.

Nghe anh Bền kể đến đây, tôi tò mò tìm hiểu bí quyết của chị. Tuy nhiên, khi tôi gặng hỏi, chị Phương càng lắc đầu, cười: “Đã gọi là bí quyết thì không thể chia sẻ được”.

Ngũ vị tử sau khi làm sạch được ngâm vào bồn chứa hoặc chum đất hơn 30 ngày. Ảnh: T.T

 

Không tìm hiểu được bí quyết, tôi xoáy sâu về cách nấu rượu trắng đặc trưng kia, cuối cùng chị cười thẹn: “Có gì đâu, loại gạo tôi dùng để nấu rượu là gạo đỏ, nấu thành cơm, trộn với bột men rồi ủ 10 ngày để cơm lên men. Trong giai đoạn này, cần phải để ý, quan sát để tránh các tác động từ bên ngoài làm ảnh hưởng đến chất lượng và yếu tố vệ sinh của men rượu. Còn cách làm bột men cụ thể, tôi xin phép giấu nhé”. Dứt lời, chị “đánh trống lảng” sang các công đoạn làm rượu khác.

Chị kể tiếp, sau khi nấu xong rượu, chị tiến hành lựa chọn và làm sạch hạt ngũ vị tử để ngâm. Rượu và hạt được cho vào các bồn chứa và chum đất, ngâm hơn 30 ngày, càng lâu càng ngọt.

“Loại hạt này rất đặc biệt, nếu ngâm quả tươi rượu sẽ cho ra màu vàng, còn ngâm quả khô rượu sẽ ra màu hồng, dù tươi hay khô nếu là quả chín thì mùi vị vẫn ngon như nhau. Theo lời ông bà, các loại thuốc được làm từ quả ngũ vị tử có tác dụng an thần, bổ thận; trị ho suyễn, ra mồ hôi trộm… nên rượu làm từ loại hạt này cũng có nhiều công dụng như vậy” – chị Phương cho biết thêm.

Đưa hương rượu “Y Phương” bay xa

Dẫn tôi đến chum rượu đã ngâm “chín”, chị Y Phương nhẹ nhàng mở nắp chum, hương rượu cứ thế tỏa ra, thơm nồng cả mũi. Dưới tiết trời mưa se lạnh ở Tu Mơ Rông, hương rượu thoang thoảng khiến một người mê rượu như tôi không thể nào kìm lòng.

Chị Phương cho biết, rượu sau khi “đến tuổi” sẽ được chị đóng vào các chai thủy tinh có dán thương hiệu và đóng vào thùng giấy. Nhìn các thùng rượu được chị đóng, xếp gọn trong góc nhà, tôi thắc mắc về quy trình sản xuất, chị Phương vui vẻ đưa tôi xem giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hộ cá thể và phiếu kết quả thử nghiệm mẫu rượu do Công ty TNHH DV KHCN Khuê Nam cấp. Sau đó, chị chỉ tay vào góc của hộp đựng rượu cho tôi xem tem truy xuất nguồn gốc.

“Anh cứ yên tâm, cơ sở rượu nhà tôi hoạt động nhiều năm nay rồi nên cần phải có đủ các loại giấy tờ mới có thể hoạt động được. Hơn nữa, rượu nhà tôi đưa đi tiêu thụ nhiều nơi trên địa bàn tỉnh và được người tiêu dùng ưa chuộng. Trước khi lấy được niềm tin của khách hàng, việc đầu tiên trong sản xuất tôi luôn tính đến là đảm bảo các quy trình sản xuất” – chị Phương bộc bạch.  

Khi rượu đã chín tới, chị Phương rót vào chai và đóng thùng để bán. Ảnh: TT

 

Dù chỉ mới hoạt động vào năm 2015, nhưng có lẽ vì chất lượng và hương vị đặc trưng, rượu ngũ vị tử Y Phương đã được rất nhiều người ưa chuộng. Nghề làm rượu ngũ vị tử đang là nguồn thu nhập chính và giúp gia đình chị có thu nhập ổn định. Trung bình mỗi tháng, gia đình chị bán ra từ 1.500-2.000 lít rượu ngũ vị tử, giá mỗi lít rượu 50.000 đồng. 

“Tôi chẳng thể nhớ từ bao giờ các cửa hàng, nhà hàng, ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh đã tìm đến và đặt mua rượu. Trong thời gian tới, tôi sẽ tìm hướng liên kết với các cửa hàng ngoại tỉnh thông qua các trang mạng xã hội để đưa thương hiệu rượu Ngũ vị tử Y Phương được phổ biến rộng rãi hơn” – chị Phương thổ lộ.

Lắng nghe chị Y Phương chia sẻ, anh Bền gật đầu, nói: Hạt cây ngũ vị tử không chỉ giúp gia đình chị Phương phát triển kinh tế mà còn đem lại nguồn thu nhập cho nhiều người dân lúc đến mùa quả chín. Nhiều bà con đi rừng cho biết, quả ngũ vị tử chín vào tầm tháng 8-9 hằng năm. Thời điểm này đang là mùa mưa, bà con thường không có việc làm. Việc đi hái quả ngũ vị tử giúp cho bà con có thêm một khoản thu nhập đáng kể để cải thiện đời sống. Trung bình mỗi mùa, một người hái được 40-70kg, tương đương khoảng 1.000.000 đồng đến 1.750.000 đồng.

Anh Nguyễn Văn Bền thừa nhận: Rượu ngũ vị tử của chị Y Phương là sản phẩm đặc trưng, tạo được uy tín với khách hàng, có khả năng sẽ tiếp tục vươn xa. Đồng thời, sản phẩm rượu này đã được cấp ủy, chính quyền địa phương chọn là sản phẩm đặc trưng. Trong thời gian tới, chính quyền sẽ tiếp tục theo dõi, giám sát và tạo điều kiện để xây dựng thương hiệu rượu Ngũ vị tử Y Phương đáp ứng yêu cầu theo Chương trình OCOP, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Thanh Tùng

   

Các tin khác

  • [EMAGAZINE] Báo Kon Tum điện tử - Khép lại hành trình để mở ra chặng đường mới
  • Kon Tum: Sự hào sảng của đất và nét hiền hòa của người
  • Chùm ảnh: Đồi chè ở vùng Đông Trường Sơn
  • Điểm tựa yêu thương
  • Chùm ảnh: Hàng nghìn thí sinh bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025
  • Chùm ảnh: Làng trong phố - Vẹn nguyên những giá trị văn hóa truyền thống
  • Chùm ảnh: Ruộng bậc thang Kon Tu Rằng vào mùa lúa chín
  • Bên dòng Đăk Bla
  • Chùm ảnh: Nơi dòng thời sự không ngừng chảy
  • [EMAGAZINE] BÁO CHÍ KON TUM - ĐỒNG HÀNH CÙNG SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TỈNH
Gửi bình luận của bạn
   
Đang xử lý

Tin Mới Nhất

  • THƯ TÒA SOẠN
  • Báo Kon Tum điện tử - Khép lại hành trình để mở ra chặng đường mới
  • THƯ CẢM ƠN
  • Thông báo về việc hợp nhất các ấn phẩm báo in, báo điện tử; chương trình phát thanh, truyền hình của Báo Quảng Ngãi và Trung tâm Truyền thông tỉnh Kon Tum
  • Danh sách Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi sau sáp nhập
  • Vững niềm tin, xây khát vọng
  • Quảng ngãi công bố tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính tỉnh
  • Hợp nhất để đi xa hơn, bền vững hơn

Chùm ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Ghi chép - Phóng sự

  • [EMAGAZINE] Báo Kon Tum điện tử - Khép lại hành trình để mở ra chặng đường mới
  • Kon Tum: Sự hào sảng của đất và nét hiền hòa của người
  • Chùm ảnh: Đồi chè ở vùng Đông Trường Sơn
  • Điểm tựa yêu thương

Đất & Người Kon Tum

  • Người truyền lửa cồng chiêng cho thế hệ trẻ ở thôn Kon Hia 1
  • Chiều tối thứ Sáu hằng tuần, sân nhà ông A Bi ở thôn Kon Hia 1 (xã Đăk Rơ Ông, huyện Tu Mơ Rông) lại vang lên tiếng cồng chiêng rộn ràng. Đó là lớp học dành cho các em nhỏ trong thôn do ông A Bi mở và duy trì đều đặn suốt nhiều mùa hè để truyền dạy những nhịp chiêng truyền thống của dân tộc mình. Từ niềm đam mê thuở nhỏ, ông A Bi trở thành người thắp lên tình yêu cồng chiêng cho thế hệ sau, góp phần gìn giữ văn hóa truyền thống dân tộc.
  • Rượu ghè men lá H’nham
  • Gìn giữ kho tàng Sử thi Kon Tum
  • Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam
  • Khuyến nông - Khuyến lâm
Thông tin cần biết
  • Tỉ giá
  • Chứng khoán
  • Giá vàng
  • Kết quả xổ số
  • Thời tiết
  • Lịch cúp điện
  • Lao động việc làm
  • Thời sự - Chính trị
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao - Du lịch
  • Pháp luật & Đời sống
  • Đất & Người Kon Tum
  • Tòa soạn & Bạn đọc
Báo Kon Tum điện tử
• Phó tổng Biên tập: Phạm Minh Bảo, Nguyễn Thị Liễu Hạnh
• Tòa soạn: 258A Phan Đình Phùng, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum
• Điện thoại: 0260 3862531; Email: toasoanbaokontum@gmail.com
• Giấy phép số: 460/GP-BTTTT, do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 06/9/2022
Liên hệ tòa soạn
Thông báo bảng giá quảng cáo mới
Developed by