• Thời sự - Chính trị
    • Xây dựng Đảng
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao - Du lịch
  • Pháp luật & Đời sống
    • An toàn giao thông
  • Đất & Người Kon Tum
  • Tòa soạn & Bạn đọc
    • Nhịp cầu bạn đọc
Triển khai nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội tháng 5    Sơ kết 4 năm thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”    Lãnh đạo tỉnh thăm, chúc mừng Lễ Phật đản 2025    Quốc hội sẽ quyết định nhiều nội dung đặc biệt quan trọng trên tất cả các lĩnh vực    Khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV   

Đất & Người Kon Tum

Cơ hội mới cho nghề dệt thổ cẩm của người Gia Rai

02/01/2024 06:11

Ngày 10/11/2023, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của nhóm A Ráp (dân tộc Gia Rai) tại huyện Sa Thầy và thành phố Kon Tum được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là động lực to lớn cho các cấp, ngành, địa phương cũng như của cộng đồng bà con Gia Rai trên địa bàn tỉnh trong công tác gìn giữ và bảo tồn.

Dân tộc Gia Rai ở Kon Tum là một trong 7 DTTS tại chỗ có dân số khá đông, gồm nhiều nhóm như Gia Rai Chor, Gia Rai MThu, Gia Rai HơDrong, Gia Rai TBoăn, Gia Rai A Ráp, trong đó, chiếm phần lớn là nhóm A Ráp. Cộng đồng các dân tộc Gia Rai sở hữu nhiều nét văn hóa độc đáo, góp phần làm nên bức tranh đa sắc màu văn hóa của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn.

Vải thổ cẩm của người Gia Rai mang nhiều nét đặc trưng so với các dân tộc khác. Ảnh: H.T

 

Trong nghề dệt thổ cẩm của người Gia Rai, nhánh A Ráp sở hữu nhiều kỹ năng độc đáo và có nhiều nghệ nhân tâm huyết với việc gìn giữ và phát huy nghề dệt. Các sản phẩm được tạo ra mang nhiều giá trị văn hóa, tinh thần, có thể trao đổi, mua bán để tăng thêm thu nhập và góp phần phát triển du lịch tại địa phương.

Theo nghiên cứu, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người A Ráp (Gia Rai) đã có từ lâu, được lưu truyền từ đời này đến đời khác và tồn tại cho đến ngày nay. Quá trình chuẩn bị nguyên liệu dệt rất công phu: Quả bông sau khi thu hoạch được phơi khô, sau đó loại bỏ vỏ và các tạp chất để tách bông ra khỏi hạt. Bông tách ra được phơi khô để giữ màu trắng vốn có, rồi sử dụng dụng cụ bật bông (Mơˇnh) để làm cho bông tơi xốp, mịn màng hơn. Tiếp theo sẽ dùng dụng cụ xa kéo sợi (Roi) để tạo thành sợi, rồi cuộn tròn lại như quả bóng đem dàn trên dụng cụ dàn sợi (Tơi vơi) để quấn các sợi chỉ thành hình tròn giúp thuận lợi cho việc nhuộm màu. Trước khi đưa vào khung dệt, người A Ráp giăng sợi trên khung (Hnar) theo số lượng chỉ nhất định, tương đương với khổ vải, sau đó đưa thảm sợi vào khung dệt để bắt đầu dệt.

Nghề dệt thủ công của người A Ráp (Gia Rai) ở Kon Tum đã tạo ra những sản phẩm mang nét văn hoá độc đáo riêng có, không thể pha trộn với các dân tộc bản địa khác ở Kon Tum. Đó là sự sáng tạo trong cách dệt hoa văn, họ vẫn duy trì những hoa văn truyền thống, đồng thời, sáng tạo nên những hoa văn và màu sắc mới. Trong đó, hoa văn được bố cục theo những nét hình họa cơ bản, gần gũi với đời sống như đường thẳng, đường cong, đường gấp khúc, các loại hình đa giác. Màu sắc trên các tấm thổ cẩm có màu nền chủ đạo là đen, đỏ, vàng, trong đó, màu vàng dùng để trang trí, điểm xuyến để tạo nên những nét độc đáo. Chất liệu tạo màu được người Gia Rai lấy từ thực vật có sẵn trong môi trường tự nhiên.

Nghề dệt được các nghệ nhân A Ráp (Gia Rai) ra sức giữ gìn. Ảnh: H.T

 

Những tấm vải thổ cẩm dù lớn hay nhỏ đều in đậm dấu ấn sáng tạo của người thợ dệt. Ngày nay, mặc dù trên thị trường có đủ loại vải sặc sỡ sắc màu, nhưng vẻ đẹp của váy áo thổ cẩm vẫn luôn được đồng bào Gia Rai ưa chuộng, sử dụng thường xuyên trong những ngày lễ hội. Đặc biệt, nghề dệt thủ công truyền thống của nhóm A Ráp (Gia Rai) trên địa bàn tỉnh phổ biến chủ yếu ở huyện Sa Thầy và thành phố Kon Tum; đồng thời phát triển mạnh, tạo thành những tổ hợp dệt vừa phát triển kinh tế gia đình, vừa tạo ra những sản phẩm được định hướng gắn với phát triển du lịch tại địa phương.

Điển hình như Tổ hợp tác dệt thổ cẩm của người Gia Rai ở thôn Plei Lay (xã Ia Chim, thành phố Kon Tum). Bên cạnh tạo ra nhiều sản phẩm dệt độc đáo, mang nhiều giá trị, các nghệ nhân lớn tuổi trong Tổ hợp tác còn mở lớp truyền nghề lại cho các em nhỏ tại thôn.

Nghệ nhân Y Yưn (hơn 60 tuổi, dân tộc Gia Rai, nhóm A Ráp ở thôn Plei Lay) cho biết: “Các sản phẩm dệt được chúng tôi làm ra không chỉ phục vụ cho đời sống văn hóa cộng đồng của bà con, mà còn đem đi trao đổi, buôn bán với nhiều bà con ở các thôn lân cận. Nghề dệt còn thể hiện sự khéo léo của người phụ nữ Gia Rai, là tiêu chí để các chàng trai trong làng lựa chọn làm bạn đời”.

Không chỉ ở thành phố Kon Tum, nhiều nghệ nhân người A Ráp trên địa bàn huyện Sa Thầy cũng ra sức gìn giữ nghề dệt như “báu vật” của tổ tiên để lại.         

Hướng dẫn các em nhỏ Gia Rai dệt thổ cẩm. Ảnh: H.T

 

Nghệ nhân Y Pyir (59 tuổi) ở làng Chốt (thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy) chia sẻ: “Lúc nhỏ được các bà, các mẹ truyền nghề dệt, tôi chỉ mất khoảng một năm để làm quen và ghi nhớ hết các hoa văn, họa tiết phức tạp. Đến những công đoạn khó hơn như dệt trang phục, những hình vẽ khó, những tấm vải lớn, tôi lại cùng đám bạn trong làng tụ tập vừa làm vừa trao đổi vui vẻ, tạo ra một không khí thi đua học tập sôi nổi, giúp đẩy nhanh quá trình học. Đến bây giờ, những người già trong làng hiểu biết về nghề dệt cũng hiếm dần nên bản thân tôi tự cảm thấy mình phải cố gắng lưu giữ được càng nhiều kiến thức càng tốt thì mới bảo tồn, gìn giữ và truyền dạy cho con cháu đời sau được”.

Để giữ gìn và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người A Ráp (Gia Rai), thời gian qua, tỉnh ta có nhiều sự hỗ trợ, khuyến khích phát triển nghề dệt trong đồng bào DTTS, đẩy mạnh quảng bá tìm đầu ra cho các sản phẩm. Qua đó, nghề dệt thổ cẩm đã có nhiều khởi sắc, mang lại nhiều giá trị kinh tế, tinh thần cho bà con.

Bà Đậu Ngọc Hoài Thu - Trưởng Phòng Quản lý văn hóa và gia đình (Sở VH, TT&DL) cho biết: “Để hỗ trợ nghề dệt của người A Ráp phát triển, tỉnh đã triển khai các chương trình, dự án như mở lớp dạy nghề dệt thủ công tại địa phương; dự án bảo tồn làng văn hóa truyền thống, trong đó, có nhà trưng bày sản phẩm văn hóa dân tộc của địa phương, giới thiệu, quảng bá sản phẩm dệt gắn với phát triển du lịch tại địa phương; tổ chức các nghi lễ truyền thống, thành lập các đội văn nghệ trong đó sử dụng trang phục dân tộc khi biểu diễn các tiết mục văn hóa, văn nghệ; xây dựng kế hoạch, tổ chức các cuộc thi về nghề dệt, tôn vinh sản phẩm dệt sáng tạo tại địa phương. Thông qua các hoạt động đã giúp khích lệ, động viên cộng đồng người Gia Rai thêm yêu quý và gìn giữ vốn văn hóa của dân tộc mình. Đồng thời, giáo dục cho thế hệ trẻ yêu quý giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, khuyến khích các em theo học nghề dệt, phát huy năng lực sáng tạo để tạo ra các sản phẩm dệt vừa mang tính truyền thống, vừa mang tính hiện đại phù hợp với thị hiếu của người dùng”.

Hoàng Thanh

   

Các tin khác

  • Người giữ lửa nghề truyền thống ở Đăk Niêng
  • Đâu chỉ là máu xương
  • Những bước chân vì cộng đồng
  • Kon Rẫy: Vùng đất giàu nét đẹp văn hóa, lịch sử
  • Người giữ gìn nghề dệt thổ cẩm ở thôn Đăk Niêng
  • Tâm huyết giữ nghề truyền thống
  • Giữ hồn thiêng nơi đại ngàn
  • A Thu - Người gìn giữ hồn cốt văn hóa Xơ Đăng
  • Người Mường tích cực gìn giữ bản sắc văn hóa
  • Giữ nếp nhà sàn
Gửi bình luận của bạn
   
Đang xử lý

Tin Mới Nhất

  • Lễ tiễn, bàn giao hài cốt liệt sĩ hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh ở Campuchia về nước
  • Hội nghị khoa học phổ biến kiến thức “Đánh giá hiện tượng động đất tại tỉnh Kon Tum – Thực trạng và giải pháp ứng phó”
  • Khánh thành nhà rông thôn Kon K’Lốc, xã Đăk Mar
  • Ban Chỉ đạo 515 tỉnh Kon Tum hội đàm với Ban Chuyên trách tỉnh Rattanakiri (Campuchia)
  • Nỗ lực vượt khó, gặt hái thành công
  • Xây dựng đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người DTTS
  • Già Thao Ú giữ nghề đan lát truyền thống
  • [INFOGRAPHIC] Viên chức giáo dục và y tế không nằm trong phương án giảm 20% biên chế

Chùm ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Ghi chép - Phóng sự

  • Bếp cơm ấm áp tình người
  • Sức hấp dẫn ở thiên đường du lịch Măng Đen
  • Chùm ảnh: Vẻ đẹp mỹ miều của hoạ tiết hoa văn trên cánh đồng mùa gặt
  • Chùm ảnh: Nhộn nhịp công trường ngày nghỉ lễ

Đất & Người Kon Tum

  • Người giữ lửa nghề truyền thống ở Đăk Niêng
  • Đã bước sang tuổi 80, nhưng ông A Khunh (dân tộc Xơ Đăng) ở thôn Đăk Niêng, xã Măng Bút, huyện Kon Plông vẫn miệt mài đan lát, rèn dao, làm nỏ, gìn giữ những nghề truyền thống. Bằng đôi tay khéo léo và tấm lòng son sắt, ông không chỉ lưu giữ giá trị bản sắc văn hóa dân tộc mà còn âm thầm truyền “lửa” cho thế hệ trẻ.
  • Đâu chỉ là máu xương
  • Những bước chân vì cộng đồng
  • Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam
  • Khuyến nông - Khuyến lâm
Thông tin cần biết
  • Tỉ giá
  • Chứng khoán
  • Giá vàng
  • Kết quả xổ số
  • Thời tiết
  • Lịch cúp điện
  • Lao động việc làm
  • Thời sự - Chính trị
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao - Du lịch
  • Pháp luật & Đời sống
  • Đất & Người Kon Tum
  • Tòa soạn & Bạn đọc
Báo Kon Tum điện tử
• Phó tổng Biên tập: Phạm Minh Bảo, Nguyễn Thị Liễu Hạnh
• Tòa soạn: 281 Thi Sách, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum
• Điện thoại: 0260 3862531; Email: toasoanbaokontum@gmail.com
• Giấy phép số: 460/GP-BTTTT, do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 06/9/2022
Liên hệ tòa soạn
Thông báo bảng giá quảng cáo mới
Developed by