Độc đáo Lễ Kra cơ maar của người Hà Lăng
Lễ Kra cơ maar (Cầu an) là nghi lễ lớn nhất trong hệ thống lễ hội truyền thống của người Hà Lăng (một nhánh của dân tộc Xơ Đăng) ở làng Rờ Kơi (xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy).
Người Hà Lăng thường sinh sống tập trung tại một số thôn làng ở các huyện Sa Thầy, Ngọc Hồi và Đăk Glei. Từ xa xưa, người Hà Lăng sinh sống chủ yếu dựa vào làm rẫy và trồng trọt một số loại cây lương thực cùng với chăn nuôi gia súc, gia cầm, đánh bắt, hái lượm.
Trong cuộc sống, họ thường xuyên đối diện với thiên tai, mất mùa và dịch bệnh. Do đó, trong đời sống tinh thần và tâm linh, họ thường có các nghi lễ, tín ngưỡng để cầu mong các vị thần linh phù hộ, che chở giúp cho dân làng vượt qua những khó khăn, những điều xui rủi trong cuộc sống.
Trong số đó, lễ Kra cơ maar là nghi lễ được dân làng tổ chức nhằm cầu thần linh phù hộ cho dân làng có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, khỏe mạnh, mùa màng bội thu và xua đuổi điều xui rủi, không may khỏi cuộc sống của dân làng.
|
Lễ hội Kra cơ maar của người Hà Lăng ở làng Rờ Kơi diễn ra trong 2 ngày. Trước đó, già làng tổ chức họp dân làng thông báo thời gian tổ chức lễ hội để dân làng chuẩn bị và đóng góp. Theo quy định, mỗi gia đình chuẩn bị 1 ghè rượu cần, 1 con gà để chung vui và đóng góp để mua các con vật hiến sinh gồm 1 con trâu, 1 con dê, 1 con heo, 1 con gà trống và một ghè rượu lớn để giữa nhà rông.
Trước 15 ngày khi tổ chức lễ, già làng phân công nhiệm vụ các thành viên trong làng. Theo đó, thanh niên trai tráng được phân công chuẩn bị vật liệu để dựng cây nêu, sửa sang nhà rông và dọn dẹp sạch sẽ không gian trong làng; phụ nữ thì chuẩn bị các loại thức ăn như rau rừng, đọt mây, măng, chuối. Khi việc chuẩn bị hoàn tất, dân làng mới tiến hành lễ hội.
Trong ngày đầu tiên, dân làng tập trung để làm cây nêu và dựng trước sân nhà rông như là một biểu tượng toàn diện của sự kết nối giữa con người, thiên nhiên và thần linh. Họ đã làm hai cây nêu cùng lúc, cây nêu to gọi là Xêm Gâng dùng để cột trâu và một cây nêu nhỏ gọi là Xêm Gâng Bơ Be dùng để cột dê. Khi việc trang trí cây nêu và dây cột trâu đã hoàn tất, những người đàn ông, đại diện các gia đình tập trung phía trước nhà rông cùng tiến hành nghi thức dựng nêu.
Trước khi dựng cây nêu, già làng chuẩn bị một ít rượu hòa với tiết (máu) heo, gà trong một chiếc tô đựng lúa trộn với củ dong riềng được cắt lát, phía trên có một ngọn nến đang cháy gắn trên miệng tô để làm phép cúng thần linh. Những người đàn ông, chủ gia đình, ngồi chung quanh hố dựng nêu. Già làng chuyển cái tô từ trái sang phải và ngược lại như một nghi lễ bắt buộc trước khi đổ xuống hố dựng nêu. Sau khi cây nêu trang hoàng rực rỡ được dựng lên, những chàng trai khỏe mạnh đưa trâu, dê cột vào cây nêu để hiến sinh cho thần linh.
|
Tiếp đến, già làng thực hiện nghi lễ khấn thần linh bên trong nhà rông. Dân làng cùng vào, mỗi người ngắt những mẩu lá chuối đặt giữa nhà rông tượng trưng cho những điều xui xẻo và mang ra trước cửa nhà rông ném xuống đất như ném đi điều không may đến với mình. Họ tụ tập theo nhóm họ hàng, gia đình, cùng nắm vào sợi dây kết nối với cây nêu trước nhà rông để cầu mong bình an, may mắn.
Sau đó, những người lớn tuổi trong làng thực hiện nghi lễ rắc hỗn hợp lúa, tiết gà, heo, dong riềng vào đầu con trâu cột trước nhà rông như một lời khấn mời thần linh về chung vui và phù hộ cho dân làng. Họ dựng những cây lồ ô quanh các con vật hiến sinh và cây nêu để những người phụ nữ quấn chỉ trắng xung quanh cũng như kéo chỉ trắng vào bên trong nhà rông với ý nghĩa ngăn chặn tà ma xâm nhập vào khu vực của thần linh.
Xong công đoạn này, già làng chuẩn bị mâm thịt heo, gà và rượu cần để khấn làm phép bên trong nhà rông. Dân làng mỗi người tiến vào uống một hớp rượu và nhận một phần nhỏ thịt từ già làng chia cho các thành viên trong gia đình cùng ăn như một điều may mắn và an lành sẽ đến trong tương lai.
Tối đến, dân làng trình diễn cồng chiêng, múa chiêu, xoang quanh cây nêu trước nhà rông và cùng nhau ăn uống, hát dân ca, thâu đêm.
Rạng sáng hôm sau, già làng cùng với đội chiêng, chiêu, xoang sẽ đi lần lượt từng hộ gia đình trong làng để cầu an cho gia chủ. Sau khi đi một vòng quanh làng, đội sẽ đi về tại nhà rông, tiếp tục đánh chiêng, múa chiêu, xoang và già làng thực hiện các nghi lễ cầu khấn trước khi hóa kiếp các con vật hiến sinh.
|
Tiếp đến, già làng sẽ lấy tiết của các con vật hiến sinh để lên tai ghè và cúng thần linh, phần tiết còn lại được chia cho dân làng mang về nhà làm phép và nướng lên để gia đình cùng ăn. Nghi thức cúng thần linh xong, già làng sẽ uống can rượu cần đầu tiên, sau đó, lần lượt từng gia đình trong làng sẽ uống rượu lễ.
Khi dân làng gác phần đầu và gan của các con vật hiến sinh lên cây nêu để mời thần linh cùng ăn, cùng chung vui và phù hộ thì phần lễ cũng kết thúc. Toàn bộ dân làng cùng tiếp tục phần hội, họ chung vui trong tiếng nói cười, chúc tụng cầu mong một vụ mùa bội thu, sức khỏe và bình an.
Già làng A Ghin (84 tuổi) chia sẻ, Kra cơ maar là lễ hội truyền thống độc đáo lâu đời của người Hà Lăng và không có thời gian tổ chức cố định. Chỉ khi nào trong làng liên tiếp xảy ra những điều xui rủi thì dân làng mới tổ chức.
Đây là dịp dân làng đoàn tụ, cùng nhau chia sẻ những gian nan trong cuộc sống, xóa bỏ những hiềm khích của nhau, góp phần tăng cường tinh thần đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng.
Lễ Kra cơ maar góp phần giáo dục cộng đồng biết quý trọng, gìn giữ giá trị truyền thống, nâng cao lòng tự hào dân tộc và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sống tươi đẹp hơn thông qua hoạt động sửa sang nhà cửa, dọn dẹp không gian làng, dọn dẹp nguồn nước sạch sẽ.
Nguyễn Ban