• Thời sự - Chính trị
    • Xây dựng Đảng
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao - Du lịch
  • Pháp luật & Đời sống
    • An toàn giao thông
  • Đất & Người Kon Tum
  • Tòa soạn & Bạn đọc
    • Nhịp cầu bạn đọc
Lễ tưởng niệm 55 năm ngày các chiến sĩ Trung đoàn 209 hy sinh tại Chư Tan Kra    Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn gặp gỡ, đối thoại với thanh niên    UBND tỉnh và Tập đoàn Viettel ký kết Thỏa thuận hợp tác chuyển đổi số    Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hòa thăm, tặng hoa Tỉnh đoàn    Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình tặng cờ Tổ quốc tại huyện Ngọc Hồi   

Đất & Người Kon Tum

Già A Ve - "Người truyền lửa đam mê"

10/04/2017 08:22

Muốn truyền dạy cồng chiêng cho bà con dân làng để bảo tồn bản sắc văn hóa thì trước hết bản thân mình phải truyền dạy cho con cháu trong gia đình để làm gương...

Già A Ve (80 tuổi) ở làng Kon Rờ Bàng, xã Vinh Quang (thành phố Kon Tum) nổi tiếng với tài nghệ đánh cồng chiêng. Trong rất nhiều sự kiện văn hóa của thành phố, của tỉnh hay ở khu vực và cả nước, đội cồng chiêng của làng Kon Rờ Bàng - dưới sự dìu dắt, giúp đỡ của già A Ve, thường xuyên được lựa chọn để biểu diễn… Người dân làng Kon Rờ Bàng xem già A Ve như “người truyền lửa đam mê" đánh cồng chiêng cho dân làng.

Năm lên 13 tuổi, A Ve đã được cha truyền dạy thành thạo những bài chiêng truyền thống của người Ba Na như đón khách đến thăm nhà, đâm trâu mừng nhà rông mới, mừng lễ hội nước giọt, mừng lúa mới… Mỗi khi dân làng tổ chức lễ hội, A Ve luôn được chọn vào đội cồng chiêng của làng để tham gia biểu diễn. Hoạt động biểu diễn cồng chiêng đã trở thành niềm đam mê của già A Ve từ ngày đó.

Lớn lên, ông càng thấy ý nghĩa của việc gìn giữ và bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc mình là thật sự cần thiết; nhất là trong thời đại ngày nay, việc “đô thị hóa” ở các làng đồng bào DTTS ở vùng ven thành phố Kon Tum rất nhanh.

Già A Ve hiện đang lưu giữ cẩn thận 2 bộ cồng chiêng được xem như báu vật của làng Kon Rờ Bàng (1 bộ của gia đình già A Ve và 1 bộ của làng) gồm 26 chiếc. Những bộ cồng chiêng này thường xuyên được già mang ra tập luyện cho bà con dân làng hay mang đi biểu diễn tại các sự kiện văn hóa.

Chị Y Đát – con gái già A Ve cho biết, công việc truyền dạy cồng chiêng đã được bố chị duy trì hơn 20 năm nay. Thoạt đầu, chỉ có vài người già đến học hỏi, dần dần lớp trẻ cũng bị cuốn hút bởi những nhịp điệu cồng chiêng vui nhộn của ông nên đã tìm đến để “thọ giáo”.

Gần như ngày nào cũng vậy, cứ sau bữa tối xong, bà con lại kéo đến nhà để nhờ già A Ve chỉ dạy. Ngày trước, còn khỏe, có khi ông chỉ dạy bà con đánh cồng chiêng đến khuya; còn bây giờ thì kéo dài đến hơn 9h đêm là nghỉ. Có những đợt làng chuẩn bị có lễ hội hay sự kiện gì có cồng chiêng biểu diễn thì cả đêm lẫn ngày, ông đều dành thời gian để tập luyện cho mọi người.

“Mỗi khi luyện tập, ông tỉ mỉ lắm, không chỉ chỉ dạy cho bà con cách gõ, cách đánh cồng chiêng sao cho hay mà còn chỉ dạy cả phong cách biểu diễn sao có hồn và cuốn hút người xem, người nghe “ - chị Y Đát hồ hởi kể về việc làm của cha mình.

Đến nay, ở làng Kon Rờ Bàng có rất nhiều người đánh cồng chiêng hay, múa xoang giỏi là nhờ sự chỉ dạy của già A Ve. Làng đã thành lập được 5 đội cồng chiêng (mỗi đội 13 người); trong đó gồm: 2 đội cồng chiêng nam, 2 đội cồng chiêng nữ và 1 đội cồng chiêng trẻ em.

Người lớn tuổi nhất của đội cồng chiêng là già A Ve, còn nhỏ nhất là em Y Bé Hiên (16 tuổi) – đang học lớp 11. Mỗi khi đội cồng chiêng của làng được chọn đi biểu diễn, già A Ve luôn được tin tưởng giao trách nhiệm lựa chọn và triệu tập đội cồng chiêng lại để tập luyện.

Già A Ve chia sẻ: Ngoài được tham gia các sự kiện văn hóa tổ chức ở làng, ở xã, ở cấp thành phố, cấp tỉnh, đến nay, đội cồng chiêng của làng cũng đã được chọn đi biểu diễn khá nhiều tại các sự kiện văn hóa cấp quốc gia, khu vực được tổ chức ở Hà Nội, Đà Nẵng, Đăk Lăk, Lâm Đồng… Được tham gia nhiều sự kiện văn hóa như vậy là nguồn động viên rất lớn về mặt tinh thần để lớp trẻ thấy tin yêu hơn, tự hào hơn về cồng chiêng; từ đó có trách nhiệm hơn trong việc bảo tồn và gìn giữ.

Em Y Ul (sinh năm 1996) ở làng Kon Rờ Bàng cho biết: Mỗi khi tham gia các ngày hội văn hóa của làng, em thấy già A Ve hướng dẫn những người lớn tuổi trong làng đánh cồng chiêng rất hay, chúng em thích lắm. Năm học lớp 10, nhóm chúng em- gồm 15 bạn cùng trang lứa ở trong làng, đến nhờ già A Ve truyền dạy cồng chiêng. Già vui vẻ nhận lời và nhiệt tình chỉ dạy; mỗi tuần đã dành ra 2-3 buổi để truyền dạy cho tụi em. Bây giờ, tụi em đánh thành thạo rất nhiều bài chiêng và hễ có sự kiện văn hóa nào ở làng được già A Ve gọi tham gia là chúng em đều có mặt đông đủ để tập luyện.

Hơn 1 năm nay, già A Ve không xuất hiện cùng đội cồng chiêng của làng Kon Rờ Bàng trực tiếp biểu diễn trong các sự kiện văn hóa nữa vì đôi chân của ông bị gãy sau tai nạn đi lấy tre về sửa lại nhà rông cho làng. Dù vậy, nhưng vai trò của già A Ve đối với đội cồng chiêng của làng Kon Rờ Bàng vẫn không hề giảm sút và ông vẫn đều đặn truyền dạy cồng chiêng cho lớp trẻ vào mỗi tối trong căn nhà của mình.

Ngoài truyền dạy đánh cồng chiêng cho bà con dân làng, già A Ve còn được các trường học mời chỉ dạy đánh cồng chiêng cho các em học sinh như Trường PTDT nội trú tỉnh, Trường THCS Trần Khánh Dư, Trường Tiểu học Cao Bá Quát (xã Vinh Quang) để bảo tồn bản sắc văn hóa.

Mới đây, nhân sự kiện Liên hoan Cồng chiêng-múa xoang lần thứ IV/2017 do Phòng GD-ĐT thành phố Kon Tum tổ chức, già A Ve đã được các thầy cô giáo của Trường THCS Trần Khánh Dư và Trường Tiểu học Cao Bá Quát mời đến để dạy cồng chiêng cho hơn 30 học sinh của các trường tham gia biểu diễn bài chiêng xoang “Ngày hội làng tôi”. Dù việc đi lại rất khó khăn nhưng già A Ve cũng vui vẻ nhận lời và luôn có mặt đúng giờ để tập luyện cho các em học sinh.

Chúng tôi đến nhà già A Ve vào lúc trời đã nhá nhem tối. Nhưng vào lúc này ông vẫn ngồi bên hiên nhà miệt mài chỉ dạy cho 2 đứa cháu trai của mình tên A Vớt (14 tuổi) và A Vươnh (8 tuổi) tập luyện cồng chiêng.

Già A Ve chia sẻ: Muốn truyền dạy cồng chiêng cho bà con dân làng để bảo tồn bản sắc văn hóa thì trước hết bản thân mình phải truyền dạy cho con cháu trong gia đình để làm gương.

Già A Ve hướng dẫn các cháu nhỏ đánh cồng chiêng

 

Con trai của già A Ve tên A Klyn (47 tuổi) cho biết, năm lên 15 tuổi, anh đã được cha mình chỉ dạy cách đánh cồng chiêng. Lớn lên, anh được chọn vào đội cồng chiêng của làng đi biểu diễn khắp nơi. Hiện tại, dù đã lập gia đình và hàng ngày bận rộn với nương rẫy, nhưng tối đến anh cũng tranh thủ về nhà cha mẹ để tiếp tục rèn luyện tài nghệ đánh cồng chiêng, với mong muốn sau này anh sẽ trở thành một trong những người đánh cồng chiêng giỏi ở làng.

Cậu bé A Vươnh nói: Con rất thích đánh cồng chiêng. Con sẽ cố gắng học đánh cồng chiêng thật hay để sau này được tham gia vào đội cồng chiêng của làng đi biểu diễn nhiều nơi, giới thiệu nét văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS Tây Nguyên đến với mọi người.

Nghe những lời A Vươnh nói và nhìn ánh mắt cậu bé chăm chú vào người ông của mình hướng dẫn cách đánh cồng chiêng, chúng tôi tin chắc rằng trong tương lai, ở làng Kon Rờ Bàng sẽ có thêm nhiều nghệ nhân đánh cồng chiêng giỏi.

Ngoài tài nghệ đánh cồng chiêng, già A Ve còn là người duy nhất ở làng Kon Rờ Bàng biết chỉnh chiêng và chế tác, truyền dạy một số nhạc cụ truyền thống như: t’rưng, klông pút, ting ning… Đặc biệt, ông còn là người nhớ rất nhiều câu chuyện cổ dân gian Ba Na. Mỗi khi con cháu hay bà con dân làng tập trung tại nhà ông để học đánh cồng chiêng, già A Ve thường pha trò cho mọi người bằng những câu chuyện cổ - thông qua giọng kể dí dỏm của ông, như chuyện chàng Ktơn, chuyện chàng Trit…

Già A Ve chia sẻ, trong cuộc sống thời hiện đại, già hy vọng việc truyền dạy cồng chiêng cũng như kể những câu chuyện cổ của mình sẽ góp phần giúp cho thế hệ trẻ trong làng không quên những gì thuộc về văn hóa truyền thống của đồng bào Ba Na, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống. Và thật vui khi già A Ve đã truyền được ngọn lửa đam mê cồng chiêng cho thế hệ trẻ ở làng Kon Rờ Bàng.

Bài, ảnh: Tú Quyên

   

Các tin khác

  • Độc đáo “hơ gọ” của người Xơ Đăng
  • Nghệ nhân nặng lòng với văn hóa dân gian
  • Lớp học đàn t’rưng bên cầu Kon Klor
  • Truyền lửa đam mê nhạc cụ dân tộc
  • Miệt mài giữ nhịp cồng chiêng
  • Những thanh niên dân tộc thiểu số dám nghĩ, dám làm
  • Tết ấm của người Tày nơi miền biên
  • Giữ nhịp xòe Thái đen nơi vùng biên
  • Nghệ nhân ưu tú nặng lòng với cồng chiêng
  • Gìn giữ và bảo tồn nhạc cụ truyền thống
Gửi bình luận của bạn
   
Đang xử lý

Tin Mới Nhất

  • Xã Diên Bình: Rác thải ven Quốc lộ 14 đã được thu dọn
  • Thêm một nạn nhân tử vong trong vụ nổ đầu đạn ở huyện Đăk Hà
  • Gỡ “điểm nghẽn” để thúc đẩy phát triển
  • Nêu gương trong học tập và làm theo Bác
  • Dưới mặt đất hiền lành - Bài 3: Để mặt đất trở lại hiền hòa
  • Tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác đưa người đi xuất khẩu lao động
  • Hội nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2019-2024
  • Chương trình “Tháng Ba biên giới” tại xã Đăk Xú

Chùm ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Ghi chép - Phóng sự

  • Gỡ “điểm nghẽn” để thúc đẩy phát triển
  • Chùm ảnh: Xanh mát giữa nắng tháng Ba
  • “Điểm tựa” của làng
  • Đam mê với sản phẩm OCOP

Đất & Người Kon Tum

  • Độc đáo “hơ gọ” của người Xơ Đăng
  • Rong ruổi trên hành trình đến với các thôn làng, một lần, tôi được bà con Xơ Đăng ở làng Đăk Tăng (xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông) chiêu đãi món “hơ gọ”- tức nõn chuối nấu thịt gác bếp. Dù chỉ một lần thưởng thức, nhưng món ăn độc đáo ấy đã để lại trong tôi những dư vị khó quên.
  • Nghệ nhân nặng lòng với văn hóa dân gian
  • Lớp học đàn t’rưng bên cầu Kon Klor
  • Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam
  • Khuyến nông - Khuyến lâm
Thông tin cần biết
  • Tỉ giá
  • Chứng khoán
  • Giá vàng
  • Kết quả xổ số
  • Thời tiết
  • Lịch cúp điện
  • Lao động việc làm
  • Thời sự - Chính trị
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao - Du lịch
  • Pháp luật & Đời sống
  • Đất & Người Kon Tum
  • Tòa soạn & Bạn đọc
Báo Kon Tum điện tử
• Tổng Biên tập: Nguyễn Mạnh Hồng
• Phó tổng Biên tập: Phạm Minh Bảo, Nguyễn Thị Liễu Hạnh
• Tòa soạn: 281 Thi Sách, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum
• Điện thoại: 0260 3862531; Email: toasoanbaokontum@gmail.com
• Giấy phép số: 460/GP-BTTTT, do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 06/9/2022
Liên hệ tòa soạn
Thông báo bảng giá quảng cáo mới
Developed by