• Thời sự - Chính trị
    • Xây dựng Đảng
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao - Du lịch
  • Pháp luật & Đời sống
    • An toàn giao thông
  • Đất & Người Kon Tum
  • Tòa soạn & Bạn đọc
    • Nhịp cầu bạn đọc
Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2023-2028    Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hòa thăm và làm việc với Đảng ủy xã Ia Dom    Phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 8    Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang thăm mô hình trồng mắc ca và Dự án CT thủy lợi Đăk PoKei tại Kon Rẫy    Tưng bừng khai giảng năm học mới 2023-2024   

Đất & Người Kon Tum

Kà Tem ở vùng rừng núi Đăk Glei

27/06/2017 15:38

Kà Tem (gọi là cây hành rừng hoặc kiệu rừng), là thực phẩm tự nhiên từ rừng của bà con đồng bào dân tộc thiểu số vùng núi Đăk Glei. Không chỉ dùng để làm món ăn hàng ngày, Kà Tem còn có tác dụng chữa bệnh rất tốt.

Mưa đã 2 ngày rồi mà vẫn không ngớt. Giữa buổi sáng, hạt mưa mới bắt đầu nhỏ dần rồi lún phún như những hạt sương mai. Cô bạn đồng nghiệp tôi mừng quýnh: Tụi mình hành quân được rồi cậu nhỉ? Tôi phóng tầm mắt về hướng núi rừng Ngọc Linh bao trùm sương mù giăng phủ trắng xóa cũng hơi ngao ngán.

Không phải ngán cảnh đường sá đi lại, vì nghe nói bây giờ đường dẫn từ trung tâm huyện về tận thôn làng ở xã Ngọc Linh cơ bản đã được nhựa hóa, bê tông hóa, mà chỉ sợ những cơn mưa rừng bất chợp ập đến sẽ rất khó để chúng tôi vượt những dốc núi cheo leo “mục sở thị” cái đích mình cần đến.

Chuyện là, mới hôm qua, trong cuộc trả lời phỏng vấn với chúng tôi về văn hóa của người Jẻ ở Đăk Glei, ông Bloong Tro Ngun - Bí thư Đảng ủy xã Đăk Kroong (huyện Đăk Glei) đã tiết lộ Kà Tem là một trong những loại cây được dùng làm món ăn độc đáo của bà con đồng bào dân tộc thiểu số người Jẻ ở vùng đồi núi Đăk Glei; trong đó cây được trồng nhiều nhất là ở các xã Mường Hoong, Ngọc Linh, Đăk Blô…, khiến cô bạn tôi cứ háo hức, quyết định ngày hôm sau khi lên viết bài về mô hình trồng sâm dây ở xã Ngọc Linh phải tìm hiểu và nếm thử cho biết mùi vị của món ăn này.

Ông Bloong Tro Ngun bảo, Kà Tem (gọi là cây hành rừng hoặc kiệu rừng), là thực phẩm tự nhiên từ rừng của bà con đồng bào dân tộc thiểu số vùng núi Đăk Glei. Không chỉ dùng để làm món ăn hàng ngày, Kà Tem còn có tác dụng chữa bệnh rất tốt.

Bà con ở Tân Rát đi nhổ Kà Tem ở rẫy vào ngày mưa

 

Xe bon bon về đến xã Ngọc Linh, gặp anh A Hiêng – cán bộ xã. Anh giới thiệu, ở đây làng nào cũng có Kà Tem. Anh dẫn chúng tôi về làng Tân Rát. Ngôi làng nằm trên một ngọn đồi cao. Vừa đến làng, trời đổ mưa nặng hạt. Già A Bảy – một người dân trong làng phỏng đoán, những cơn mưa rừng thường hay dai dẳng, có khi phải chờ đến chiều, tối hoặc sáng ngày hôm sau may ra mới ngớt.

Lấy chiếc đòn gỗ đặt gần bếp lửa mời khách ngồi hơ tay, già A Bảy bảo chúng tôi đợi ở nhà để ông lên rẫy hái Kà Tem về đãi cơm. Nghe đến đây, cô bạn tôi vui mừng nói: Già cho tụi con đi cùng với. Dường như già A Bảy vẫn chưa hiểu lời đề nghị của bạn tôi, chỉ đến khi anh A Hiêng nói mấy câu bằng tiếng Jẻ ông mới gật đầu. Ông kéo cánh cửa ván gỗ ở một gốc trên nhà sàn lấy tấm áo choàng được xẻ từ bao ny lông đưa cho chúng tôi quấn thêm vào cho khỏi ướt chiếc máy ảnh.

 Già A Bảy cho biết, ở vùng đồi núi này Kà Tem nhiều lắm. Đây là loại thức ăn không thể thiếu với bà con đồng bào Jẻ nơi đây. Ngày trước, cây mọc tự nhiên trong rừng, bây giờ thì bà con đã nhổ về trồng ở rẫy rất nhiều.

Có đến nơi mới thấy được đúng là Kà Tem được bà con nơi đây trồng nhiều thật. Giữa chập chùng đồi núi phủ trắng sương mù, chúng tôi vẫn nhận ra được phía xa xa xen lẫn các rẫy cà phê, mì, sâm dây là những vạt xanh của những hàng cây bụi thấp lè tè được trồng thẳng tấp. Vất vả lắm chúng tôi mới vượt qua triền đồi thoai thoải để đến được khu đất rẫy của già A Bảy.

Rẫy của già A Bảy được dọn thật sạch sẽ. Khu đất rẫy nằm ở lưng chừng đồi nên để xuống được đến nơi trồng Kà Tem cứ trơn tuột, nếu không biết cách bám chân. Lạ thật, những cơn mưa rừng nhiều ngày qua không làm cho những cây Kà Tem trông yếu đuối mỏng manh kia bị vùi dập dưới những lớp đất nương rẫy mà vươn mình lên xanh mướt. Già A Bảy bảo, Kà Tem là giống cây mọc tự nhiên từ rừng nên có sức sống mãnh liệt lắm; hình dạng cây rất giống với cây kiệu, cây hành của người Kinh trồng ở vùng đồng bằng.

Lựa những bụi cây Kà Tem có chiều cao vượt trội trong đám, già A Bảy túm nhẹ gốc nhổ lên khỏi mặt đất một cách dễ dàng. Sẵn con suối đang chảy róc rách gần đó, già A Bảy ôm bó Kà Tem khoát mấy cái dưới dòng nước trong veo, toàn bộ đất bám trên thân cây đều được rửa trôi để lộ ra những củ Kà Tem trắng nõn nà to bằng ngón tay út lan tỏa cái mùi thơm thơm, cay nồng.

Già A Bảy cho biết, Kà Tem có thể trồng quanh năm ở những vùng khí hậu lạnh trên rẫy cao. Cây trồng bằng củ. Để có giống cây, trước đó, bà con lên rừng chọn những củ Kà Tem già nhổ về cắt bỏ lá, phơi khô để giống. Khi trồng không dùng phân bón hoặc tốn kém nhiều công chăm sóc mà chỉ cần giăm củ xuống đất, sau 3 tháng là đã có thể cho thu hoạch.

Vì Kà Tem là món ăn truyền thống của đồng bào Jẻ nên khu đất rẫy nhà nào ở Tân Rát cũng đều dành một khoảnh đất để trồng; nhà càng đông người thì diện tích trồng Kà Tem càng nhiều.

Khác với cây hành, cây kiệu của người Kinh ở vùng đồng bằng, có thể do điều kiện thổ nhưỡng mà Kà Tem ở vùng đồi núi cao này có mùi thơm hơn hẳn.

Kà Tem có thể được chế biến thành nhiều món ăn chứ không phải là loại là gia vị. Thông thường Kà Tem thường được muối chua (giống như cách làm dưa kiệu, dưa hành); có khi vừa nhổ từ rẫy về đem nấu với thịt rừng, cá suối; hoặc đơn giản và thông dụng nhất là dùng để giã chung với muối ớt ăn kèm cơm nóng rất ngon.

Bà con dân làng Tân Rát cho rằng, Kà Tem ăn sống mới thưởng thức được cái vị ngọt và cay nồng của nó. Chính vì có vị cay nồng nên Kà Tem được người Jẻ xưa nay xem là vị thuốc có tác dụng chữa trị cảm cúm, sổ mũi rất tốt.

Về đến làng, già A Bảy xối rửa Kà Tem lại dưới vòi nước giọt thật sạch, để ráo nước rồi chọn một ít bỏ vào cối giã chung với muối, ớt; số còn lại ông cắt khúc cho vào nấu với thịt sóc bẫy được. Chúng tôi phụ với già A Bảy giã muối Kà Tem ở trên nhà sàn. Khói bếp lan tỏa cộng với mùi cay nồng của Kà Tem tỏa ra từ chiếc cối gỗ khiến khóe mắt chúng tôi cứ cay nhòe.

Trời chiều vùng cao se lạnh, món ăn của gia đình ông A Bảy đãi khách thật ấm áp. Ăn một chén cơm nóng với muối Kà Tem, canh thịt sóc Kà Tem, cô bạn tôi cứ xuýt xoa bởi hương vị của núi rừng thật độc đáo. Chính cái vị thơm thơm, cay nồng của Kà Tem đã xua đi cái lạnh cả ngày thấm vào cơ thể chúng tôi bởi những cơn mưa rừng.   

Chị Y Nun – Thôn trưởng thôn Tân Rát cho biết, vào các ngày như mừng lúa mới, mừng năm mới, gần như nhà người Jẻ nào ở đây cũng không thể thiếu Kà Tem để ăn cùng với thịt nướng, cá suối rất thơm ngon. Đặc biệt là ngày Tết, nhà nhà đều có Kà Tem giã cùng muối ớt để ăn kèm với bánh quạt – loại bánh truyền thống của người Jẻ làm bằng bột nếp.

Ngồi quây quần bên bếp lửa trên nhà sàn, chúng tôi nghe già A Bảy kể rất nhiều về cây Kà Tem đã gắn bó với đời sống của bà con đồng bào Jẻ xưa cũng như nay như thế nào. Kà Tem đúng là loại thực phẩm sạch. Nhưng có lẽ, vì do chưa được quảng bá rộng rãi nên đặc sản từ rừng này chưa có nhiều người biết đến nên chưa tìm đến thu mua. Thiết nghĩ, nếu có thị trường tiêu thụ, chắc chắn, Kà Tem cũng sẽ là một loại cây giúp bà con người Jẻ tăng thêm thu nhập vì đây là loại cây rất dễ trồng, không tốn công chăm sóc, lại có thể trồng xen dễ dàng.

   Bài, ảnh: Tú Quyên

   

Các tin khác

  • A Par - nghệ nhân đa tài
  • Nghệ nhân ưu tú nỗ lực truyền dạy cồng chiêng
  • Đưa thanh âm đại ngàn đi xa
  • Giữ gìn nhạc cụ truyền thống của các DTTS
  • “Thổi hồn” cho nhạc cụ truyền thống
  • Nghệ nhân Ba Na tích cực bảo tồn văn hóa cồng chiêng
  • Nghệ nhân giữ nghề rèn ở Đăk Pne
  • Kỹ năng chỉnh chiêng của đồng bào các DTTS
  • Giọt nước ở làng
  • Người giữ nghề đan gùi ở làng Chờ
Gửi bình luận của bạn
   
Đang xử lý

Tin Mới Nhất

  • Khởi công xây dựng nhà cho đồng bào DTTS có đất bị thu hồi
  • Đăk Tô: Hiệu quả từ Chương trình “Sóng và máy tính cho em”
  • Phát huy hiệu quả công tác thông tin đối ngoại
  • Sa Thầy nâng cao chất lượng giáo dục học sinh DTTS
  • Ra mắt Câu lạc bộ Maraton Kon Tum
  • Cần sớm đầu tư xây dựng các tuyến đường trên địa bàn phường Thắng Lợi
  • [INFOGRAPHIC] Xây dựng Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống
  • Nhớ sao cơm trắng muối mè!

Chùm ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Ghi chép - Phóng sự

  • Mang niềm vui đến trẻ em vùng cao
  • Chùm ảnh: Chăm lo đời sống cho người dân vùng biên giới
  • Chùm ảnh: Lễ cưới truyền thống của người Gié Triêng
  • Vựa sầu riêng ở Hơ Moong

Đất & Người Kon Tum

  • A Par - nghệ nhân đa tài
  • Nghệ nhân A Par (sinh năm 1969, làng Kon Xơ Mlũh, xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy) nổi tiếng bởi có đôi tay tài hoa. Ông có thể chỉnh chiêng, đan lát, làm các nhạc cụ từ tre, nứa và rèn nhiều dụng cụ phục vụ sản xuất của bà con trong vùng.
  • Nghệ nhân ưu tú nỗ lực truyền dạy cồng chiêng
  • Đưa thanh âm đại ngàn đi xa
  • Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam
  • Khuyến nông - Khuyến lâm
Thông tin cần biết
  • Tỉ giá
  • Chứng khoán
  • Giá vàng
  • Kết quả xổ số
  • Thời tiết
  • Lịch cúp điện
  • Lao động việc làm
  • Thời sự - Chính trị
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao - Du lịch
  • Pháp luật & Đời sống
  • Đất & Người Kon Tum
  • Tòa soạn & Bạn đọc
Báo Kon Tum điện tử
• Tổng Biên tập: Nguyễn Mạnh Hồng
• Phó tổng Biên tập: Phạm Minh Bảo, Nguyễn Thị Liễu Hạnh
• Tòa soạn: 281 Thi Sách, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum
• Điện thoại: 0260 3862531; Email: toasoanbaokontum@gmail.com
• Giấy phép số: 460/GP-BTTTT, do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 06/9/2022
Liên hệ tòa soạn
Thông báo bảng giá quảng cáo mới
Developed by