• Thời sự - Chính trị
    • Xây dựng Đảng
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao - Du lịch
  • Pháp luật & Đời sống
    • An toàn giao thông
  • Đất & Người Kon Tum
  • Tòa soạn & Bạn đọc
    • Nhịp cầu bạn đọc
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn gặp gỡ, đối thoại với thanh niên    UBND tỉnh và Tập đoàn Viettel ký kết Thỏa thuận hợp tác chuyển đổi số    Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hòa thăm, tặng hoa Tỉnh đoàn    Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình tặng cờ Tổ quốc tại huyện Ngọc Hồi    Chương trình cà phê doanh nghiệp, doanh nhân tháng 3   

Đất & Người Kon Tum

Lớp học đàn t’rưng bên cầu Kon Klor

06/03/2023 13:21

Chiều muộn, dòng Đăk Bla êm đềm trôi về phía hoàng hôn. Trên cầu treo Kon Klor (phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum), không gian yên tĩnh cộng thêm chút gió se se mang đến nhiều cảm xúc khó tả. Trong tĩnh lặng, tiếng đàn t’rưng đều đều, êm dịu từ một ngôi nhà sàn gần cầu treo Kon Klor như níu chân du khách. Bất giác, đôi chân tôi cứ thế bước theo, tìm về nơi bắt nguồn của âm thanh vang lên từ tre nứa.

Lớp học không khoảng cách

Cách cầu treo Kon Klor không xa, trong ngôi nhà sàn nho nhỏ - là một lớp học đàn t’rưng. Dưới sự hướng dẫn của một cô giáo trẻ, các em nhỏ với đủ lứa tuổi đang say mê với những giai điệu, hòa lên bản hợp tấu của núi rừng hùng vĩ.

Sự xuất hiện bất chợt của vị khách không mời mà đến làm các em nhỏ có chút ngượng ngùng. Sau vài phút tâm sự chân tình, như tìm được điểm chung trong câu chuyện, tất cả cùng mở lòng, chia sẻ với nhau về niềm đam mê với nhạc cụ truyền thống.

Lớp dạy đàn t’rưng của cô giáo Y Huyền được mở vài năm nay. Chung niềm đam mê chinh phục các giai điệu của tre, nứa, lớp học thu hút đông đảo các em học sinh với đủ các lứa tuổi và cả những người lớn tuổi đam mê tiếng đàn t’rưng.

Lớp học với các em ở đủ lứa tuổi. Ảnh: HT

 

Đon đả trò chuyện, cô giáo trẻ Y Huyền – người “nhạc trưởng” của lớp bật mí: “Ngày trước, em dạy bên phường Quang Trung và mới chuyển về thôn Kon Klor, phường Thắng Lợi được một thời gian. Những tưởng, khi chuyển đi, vì khoảng cách xa xôi, các em nhỏ sẽ thôi theo học. Nhưng không, các em rất kiên trì, không quản đường sá xa xôi, đi học rất chuyên cần”.

15 tuổi, Y Liên đã theo học lớp đàn t’rưng được 3 năm. Nhà ở làng Plei Đôn, phường Quang Trung, một tuần 3 buổi, Y Liên lại xin bố mẹ qua nhà cô Y Huyền để học đàn. Em thật thà kể, hôm nào mẹ rảnh, mẹ chở em đi. Còn hôm nào bận, em tự mượn xe đạp điện để đi. Từ nhà em qua đến lớp học cũng khá xa, nhiều lúc xe hết điện, em đạp ngược gió muốn hết thở. Nhưng em rất mê đàn t’rưng, hôm nào em cũng muốn đến lớp để thả hồn vào từng giai điệu.

Khi được hỏi, trước rất nhiều các loại nhạc cụ hiện đại, sao lại chọn t’rưng, Y Liên liền cười hiền, rồi bảo: “Em là người dân tộc Ba Na. Em say mê và muốn giữ gìn văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS ở Kon Tum”.

Cũng bởi niềm say mê ấy, khoảng 2 tháng nay, em đã chở theo cả em họ Y Ha Ni (lớp 1) để cùng đi học. Vậy là, hằng ngày, sau giờ học buổi chiều, em mượn xe đạp điện rồi 2 chị em chở nhau đi học đàn. Những lúc bụng đói réo rắt nhưng các em vẫn cố gắng học hết giờ, đánh hết bài nhạc mới trở về.

Cũng như Y Liên, mê học đàn t’rưng, Y Ly Trang, Siu Minh Hy ở làng Plei Rơ Hai 1, phường Lê Lợi cũng đến với lớp học bên cầu treo. Vừa đánh dứt bài “Ru em”, thong thả ngồi tiếp chuyện, Y Ly Trang, cô học trò lớp 11 kể rằng, em biết và “phải lòng” tiếng đàn t’rưng từ rất lâu. 2 tháng nay, khi biết đến lớp học đàn của cô Y Huyền, em liền sắp xếp thời gian, xin bố mẹ để được đi học. Thoạt đầu, bố mẹ cũng e ngại vì đường sá xa xôi, nhưng thấy con quá đam mê, nên gia đình đồng ý.

Vậy là, cứ đến ngày học, sau giờ học chiều, các em lại tranh thủ đến lớp học cô Y Huyền để đánh đàn. “Đánh đàn t’rưng thực ra không dễ, nhất là vê hai đầu, vê hợp âm rất khó. Tuy nhiên, em đã quyết tâm học nên sẽ cố gắng chinh phục” – Y Ly Trang chia sẻ.

Cô giáo Y Huyền tận tụy hướng dẫn các em. Ảnh: H.T

 

Hơn 2 năm nay, ngày nào chị Y Na (phường Quang Trung) cũng tranh thủ chở con gái Y Thùy Ksor (học lớp 4) đến tham gia học đàn t’rưng. Vì đường xa, trong quá trình con học, chị cũng ngồi ở lớp để đợi con học rồi tiện chở về. Theo dõi, nhận thấy con tiến bộ từng ngày, chị rất mừng. Chị Y Na vui vẻ chia sẻ: “Chị rất vui khi con luôn nỗ lực từng ngày để học đàn t’rưng – một loại nhạc cụ truyền thống. Dù kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng chị cố gắng phấn đấu, mua đàn t’rưng để con tập thêm khi về nhà”.

Còn A Jơ La, cậu học trò duy nhất trong buổi học hôm ấy cũng thể hiện tình yêu âm nhạc của mình qua từng giai điệu. Mới học lớp 6, A Jơ La đã là thành viên trong đội cồng chiêng của làng Kon Tum Knâm, phường Thống Nhất. Với mong ước tiếp bước cha ông trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc,  A Jơ La vui mừng khi được bố cho theo học đàn t’rưng. Khi được đánh đàn, được sống trong những bản nhạc dân ca, em thấy tinh thần em thoải mái hơn, vui vẻ hơn sau một ngày học tập mệt nhoài. Em cũng “bật mí”, từ lớp học đàn trở về, em hứng thú học tập hơn và lên lớp em tự tin, mạnh dạn hơn.

Thắp “lửa” đam mê

Chỉ vào những cây đàn t’rưng vừa mới được đặt mua, cô giáo Y Huyền cho biết, một cây đàn t’rưng tùy loại lớn, nhỏ có giá từ 6-10 triệu đồng. Trong quá trình dạy, mặc dù các em rất nghiêm chỉnh chấp hành nội quy cũng như làm theo hướng dẫn của cô, nhưng không tránh khỏi việc làm vỡ ống. “Một lần sửa chữa hoặc mua đàn mới, thực sự rất tốn kém” – Y Huyền bộc bạch.

Chi phí bỏ ra cũng khá nhiều, nhiều lúc, với mức phí thu vào, Y Huyền không đủ trang trải. Thế nhưng, nghĩ thấy các em không quản ngại đường sá xa xôi, hơn nữa, gia đình các em cũng còn nhiều khó khăn, Y Huyền chưa có ý định sẽ tăng các khoản phí.

Truyền “lửa” đam mê cho các em, “nhạc trưởng” Y Huyền tận tâm dạy cho các em từng nốt, từng bài. Đánh đàn t’rưng tưởng dễ nhưng lại rất khó, nhiều lúc học sinh nản, Y Huyền phải động viên, khích lệ kịp thời, tạo hứng thú cho các em.

Các em say mê với từng nốt nhạc. Ảnh: H.T

 

Với sự tận tâm của cô giáo cộng thêm sự nỗ lực vì đam mê của học sinh, các em học sinh nhanh chóng bắt nhịp và đánh đàn thành thạo hơn. Y Ha Ni bẽn lẽn khoe rằng, sau 2 tháng học, em đã có thể tự đánh được bài “Chúc ngủ ngon”. A Jơ La cũng phấn khởi kể, em đánh được nhiều bài, như “Ru em”, “Theh theh oh ơi” (nín đi em).

Còn với những em lớn hơn, vừa có khiếu đánh đàn như Y Liên, Y Ly Trang, sau thời gian học, các em đã có thể đánh thành thạo nhiều bài hát dân ca cho đến các bài nhạc hiện đại. Hơn thế, các em cũng có thể đánh chính và đánh bè để sáng tạo ra nhiều bản phối hay, hấp dẫn.

Gửi cho chúng tôi những tấm bằng khen, như giải Nhất tiết mục đàn t’rưng “Bóng cây kơ nia” trong Hội thi tài năng học sinh, sinh viên năm 2023; giải học sinh trung học cơ sở biểu diễn ấn tượng nhất trong Liên hoan Cồng chiêng – múa xoang, thi trang phục DTTS dành cho học sinh ngành Giáo dục và đào tạo thành phố Kon Tum lần thứ VI – năm 2022, Y Liên cười đầy tự hào. Em nói rằng, chính sự tận tụy của cô Huyền đã giúp em vượt qua những khó khăn để theo đuổi đam mê của mình. Và cũng nhờ âm nhạc, nhờ việc học đàn t’rưng đã giúp cuộc sống em thú vị hơn, có nhiều dấu ấn hơn. Em sẽ cố gắng học đàn t’rưng giỏi hơn nữa, học tập tốt hơn nữa để có thể theo học tại một trường văn hóa nghệ thuật trong tương lai.

Dường như càng về đêm, âm thanh t’rưng càng vang vọng, êm dịu. Tạm biệt lớp học t’rưng, chúng tôi ra về với nhiều cảm xúc. Thực sự vui mừng khi trong nhịp sống hiện đại, các em học sinh vẫn giữ đam mê với các nhạc cụ truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc. Nhìn các em đánh đàn, nghe và cùng các em giao tiếp, chúng tôi tin rằng, với sự tự tin và cố gắng không mệt mỏi, các em sẽ thắp sáng ước mơ từ “lửa” đam mê của mình. 

Hoài Tiến

   

Các tin khác

  • Độc đáo “hơ gọ” của người Xơ Đăng
  • Nghệ nhân nặng lòng với văn hóa dân gian
  • Truyền lửa đam mê nhạc cụ dân tộc
  • Miệt mài giữ nhịp cồng chiêng
  • Những thanh niên dân tộc thiểu số dám nghĩ, dám làm
  • Tết ấm của người Tày nơi miền biên
  • Giữ nhịp xòe Thái đen nơi vùng biên
  • Nghệ nhân ưu tú nặng lòng với cồng chiêng
  • Gìn giữ và bảo tồn nhạc cụ truyền thống
  • Thơm ngon món lá mì của người Xơ Đăng
Gửi bình luận của bạn
   
Đang xử lý

Tin Mới Nhất

  • Bế mạc Hội thao Kỷ niệm ngày truyền thống ngành Thể dục thể thao
  • Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc
  • Lực lượng xung kích đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
  • Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tổ chức Kỳ họp lần thứ 16
  • Hai cháu nhỏ tử vong do đuối nước
  • Hội thảo khoa học quốc tế “Thương mại và phân phối”
  • Vận chuyển trái phép chất ma tuý, nhận án 20 năm tù
  • Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn gặp gỡ, đối thoại với thanh niên

Chùm ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Ghi chép - Phóng sự

  • Chùm ảnh: Xanh mát giữa nắng tháng Ba
  • “Điểm tựa” của làng
  • Đam mê với sản phẩm OCOP
  • Chùm ảnh: Người Gia Rai gìn giữ nghề dệt truyền thống

Đất & Người Kon Tum

  • Độc đáo “hơ gọ” của người Xơ Đăng
  • Rong ruổi trên hành trình đến với các thôn làng, một lần, tôi được bà con Xơ Đăng ở làng Đăk Tăng (xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông) chiêu đãi món “hơ gọ”- tức nõn chuối nấu thịt gác bếp. Dù chỉ một lần thưởng thức, nhưng món ăn độc đáo ấy đã để lại trong tôi những dư vị khó quên.
  • Nghệ nhân nặng lòng với văn hóa dân gian
  • Lớp học đàn t’rưng bên cầu Kon Klor
  • Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam
  • Khuyến nông - Khuyến lâm
Thông tin cần biết
  • Tỉ giá
  • Chứng khoán
  • Giá vàng
  • Kết quả xổ số
  • Thời tiết
  • Lịch cúp điện
  • Lao động việc làm
  • Thời sự - Chính trị
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao - Du lịch
  • Pháp luật & Đời sống
  • Đất & Người Kon Tum
  • Tòa soạn & Bạn đọc
Báo Kon Tum điện tử
• Tổng Biên tập: Nguyễn Mạnh Hồng
• Phó tổng Biên tập: Phạm Minh Bảo, Nguyễn Thị Liễu Hạnh
• Tòa soạn: 281 Thi Sách, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum
• Điện thoại: 0260 3862531; Email: toasoanbaokontum@gmail.com
• Giấy phép số: 460/GP-BTTTT, do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 06/9/2022
Liên hệ tòa soạn
Thông báo bảng giá quảng cáo mới
Developed by