• Thời sự - Chính trị
    • Xây dựng Đảng
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao - Du lịch
  • Pháp luật & Đời sống
    • An toàn giao thông
  • Đất & Người Kon Tum
  • Tòa soạn & Bạn đọc
    • Nhịp cầu bạn đọc
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang dự Hội nghị thành lập HTX Dược liệu Du lịch Ngọc Linh H80    Chủ động các phương án phòng, tránh, ứng phó mưa lũ, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất    Đoàn cán bộ cấp cao tỉnh Kon Tum làm việc với Trường Đại học Kochi, Nhật Bản    Đoàn cán bộ cấp cao tỉnh Kon Tum làm việc với Tập đoàn ICC, Nhật Bản    Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy A Pớt thăm Trường Đại học Fukushima (Nhật Bản)   

Đất & Người Kon Tum

Ngon ngọt chẹ giâm của người Giẻ Triêng

28/06/2022 13:06

Chẹ giâm, hay canh bột, là một trong những món ăn truyền thống của người Giẻ Triêng. Dân dã, mộc mạc cùng hương vị thơm ngon khó cưỡng, chính là nét đặc trưng mà người Giẻ Triêng luôn tự hào khi nói về món ăn này. Sự kết hợp hài hòa giữa nhiều loại nguyên liệu của chẹ giâm đã để lại trong tôi ấn tượng khó quên ngay từ lần đầu nếm thử.

Ở thôn Đăk Răng (xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi), từ 3 giờ sáng đã có những ngôi nhà sáng đèn. Mọi người dậy sớm lụi hụi chuẩn bị việc bếp núc, ăn uống để ra ruộng rẫy. Cũng như mọi người, già làng Brôl Vẻ hối hả, tất bật chuẩn bị “chiêu đãi” tôi món chẹ giâm khi tôi đến với làng.

Đi trên con đường nội thôn hướng về phía chợ, già Brôl Vẻ bật mí: Mình đi sớm mới kiếm được nguyên liệu tốt, như thế lúc nấu mới cho ra món ăn thật ngon. Một trong những nguyên liệu chính làm nên món chẹ giâm, chính là xương, có thể là xương bò, xương trâu, xương heo… Tuy nhiên, để món ăn ngon và không bị pha tạp vị, người nấu chỉ nên dùng xương của một loại động vật để chế biến. Thông thường người ta sẽ chọn phần xương đùi và sườn.

Sau khi lựa được những nguyên liệu ưng ý, già Brôl Vẻ mang về nhà rửa sạch sẽ, để ráo nước. Tiếp đến, già bỏ tất cả vào trong chiếc nồi đất, rồi đổ nước đến lưng nồi. Nhóm bếp củi ngay giữa căn nhà sàn, bắc chiếc nồi lên rồi già chia sẻ: Cứ để liu riu lửa, đun đến khi nước ngọt vị xương, còn thịt mềm là được. Thế là đã chuẩn bị xong phần nước dùng.

Công đoạn tiếp theo, già Brôl Vẻ ngâm gạo trong nước khoảng 30 phút cho đến khi gạo nở ra (có thể sử dụng gạo tẻ hoặc gạo nếp), rồi cho vào cối và giã. Gạo khi giã xong, được cho qua rây để sàng lấy bột mịn.

Đôi tay vừa thoăn thoắt giã gạo, già Brôl Vẻ kể chuyện: Từ thời xưa, gạo là biểu tượng của sự sống, là sự no đủ của cả làng. Chính vì vậy, người Giẻ Triêng quý hạt gạo lắm. Cũng vì thế mà mỗi khi người Giẻ Triêng có cưới xin, nhà gái sẽ giã khoảng 1 tạ gạo để làm của hồi môn mang sang nhà trai. Gạo giã càng mịn, càng nhuyễn bao nhiêu thì sẽ thể hiện lòng thành, sự đảm đang của cô dâu bấy nhiêu. Sau đám cưới, cô dâu phân số gạo đã giã nhuyễn ra thành những bì nhỏ rồi phát cho họ hàng nhà trai mỗi người một ít. Họ sẽ mang về chế thành chẹ giâm hoặc một số món ăn khác để phục vụ ăn uống, sinh hoạt trong gia đình.

Kết thúc câu chuyện cũng là lúc số gạo trong cối của già Brôl Vẻ đã trở thành bột mịn. Vốc một ít bột gạo nhỏ, xoa xoa trong lòng bàn tay, già Brôl Vẻ gật đầu, tỏ vẻ hài lòng rồi lấy ra tô. Tiếp đến già lấy nước đã ngâm gạo để đổ vào bột, rồi khuấy đều nước và bột gạo, cứ thế cho đến khi bột trở thành một hỗn hợp nước gạo màu trắng đục, sánh quện tựa như nước sắn dây.  

Sau đó, già Brôl Vẻ mang nước gạo đến chiếc nồi đất đang bắc trên giàn bếp, chậm rãi đổ khoảng một phần tư tô, đồng thời cho thêm bí đỏ, bí xanh đã chuẩn bị sẵn từ trước.

Già Brôl Vẻ bật mí cách làm: Rót từng chút… từng chút… rồi đảo đều nước gạo với rau củ trong nồi, không được ngơi tay cho đến khi sôi. Đến khi cảm giác được hỗn hợp trong nồi đã nhuyễn, không bị vón cục thì mình lại tiếp tục đổ thêm nước gạo. Cứ như thế cho đến khi hết phần nước gạo là được.

Già Brôl Vẻ chăm chú nấu món chẹ giâm. Ảnh: TT

 

Nồi chẹ giâm phải đảo đều liên tục trong quá trình nấu. Ảnh: TT

 

Nhiệt độ của nồi đất, kết hợp với quá trình đảo liên tục của người nấu sẽ khiến cho gạo, thịt, xương và rau củ bên trong được nhừ và hòa quện vào nhau. Đồng thời, trong lúc đảo, người nấu phải luôn để ý về độ đặc, lỏng của hỗn hợp trong nồi. Nếu cảm thấy nồi bị cạn, gạo quá đặc, thì phải đổ thêm nước sôi vào. Không được cho nước lạnh trực tiếp, vì như vậy sẽ làm chẹ giâm bị mất vị ngon và xuất hiện bột gạo bị vón cục.

Vớt lên một miếng xương sườn từ dưới đáy nồi, già Brôl Vẻ kiểm tra độ nhừ của xương và thịt. Khi xác nhận món ăn đã sắp sửa hoàn thành, già xắt nhỏ lá sả và rắc thêm tiêu rừng vào nồi. Đảo đều chừng 10 phút là món ăn đã “ra lò”.

Già Brôl Vẻ nhanh nhẹn lấy ra “bảo bối” của mình, đó là những dụng cụ ăn uống được ông tự tay làm từ lồ ô, ống nứa. Cười vui vẻ, già cất lời: Theo đúng cách ăn của người Giẻ Triêng xưa nay, thì chỉ dùng một chiếc máng lồ ô để ăn thôi. Người này chuyền tay người kia, mỗi người húp một ít, cứ như vậy xoay vòng. Cách ăn này cũng bởi ngày đó đói ăn lắm, mỗi người một chén thì không đủ cho tất cả. Nên phải luân phiên như vậy, từ trẻ con, thanh niên, người già san sẻ nhau từng miếng ăn, qua đó thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm, tinh thần đoàn kết của mọi người.

 
Thưởng thức món chẹ giâm của đồng bào Giẻ Triêng. Ảnh: TT

 

Ấn tượng đầu tiên của tôi về chẹ giâm là rất giống cháo, tuy nhiên nhìn mịn hơn và có màu vàng khá bắt mắt. Nếm thử một muỗng, tôi cảm thấy dường như đang thưởng thức một “bản hòa ca” giữa các loại hương vị. Đó là vị ngọt từ xương, vị thanh của rau củ, vị hắc nhẹ của tiêu rừng, độ mềm mại của từng thớ thịt hòa quện cùng độ dẻo, sánh của gạo… tất cả cho tôi một cảm giác thật sự bị lôi cuốn, hấp dẫn đến khó tả.

Không chỉ riêng tôi, có vẻ mọi người trong mâm đều bị món ăn này cuốn hút. Tranh thủ khi mọi người đang tập trung vào tâm điểm món chẹ giâm, già Brôl Vẻ kể: Những ngày đầu dựng làng, cái ăn còn thiếu, nên để bà con được no cái bụng, chẹ giâm đã ra đời. Dù mang ý nghĩa là tránh đói, nhưng chính vì hương vị thơm ngon của món ăn đã trở nên cuốn hút đối với mọi người. Dần dà, khi cái ăn, cái uống đã đủ đầy, nhưng chẹ giâm vẫn xuất hiện trên mâm cơm người Giẻ Triêng và trở thành một món ăn truyền thống.

Đối với bà con Giẻ Triêng ở đây, vào bất cứ những dịp đặc biệt nào (lễ hội làng, mừng nhà rông, đám cưới, đám hỏi,…), món  chẹ giâm đều phải có. Chẹ giâm, đó không chỉ là một món ăn ngon, mà còn là sự kế thừa, tiếp nối quá khứ giữa xưa và nay của đồng bào Giẻ Triêng. Một món ăn dân giã, nhưng không kém phần cầu kỳ, tinh túy, gắn kết tình làng, nghĩa xóm qua nhiều thế hệ của người Giẻ Triêng trên mảnh đất Kon Tum này.

Tất Thành

   

Các tin khác

  • Yên ả Kon Teo Đăk Lấp
  • Y Triêng Nữ nghệ nhân đa tài
  • Ngỡ ngàng Đăk Sing
  • Trầm bổng ting ning
  • Nghệ nhân đam mê văn hóa truyền thống
  • Giữ mãi tình yêu với mây tre
  • Chuyện ngôi làng “không ván” nơi đại ngàn Chư Mom Ray
  • Người “giữ lửa” văn hóa dân tộc ở Kon Brăp Ju
  • Chuyện người đẽo mặt nạ gỗ
  • Truyền lửa đam mê cồng chiêng cho thế hệ trẻ
Gửi bình luận của bạn
   
Đang xử lý

Tin Mới Nhất

  • Ngành Y tế tỉnh: Từng bước thực hiện Chương trình Chuyển đổi số
  • Xã hội học tập
  • Khó khăn trong duy trì tỷ lệ bao phủ BHYT
  • Một số giải pháp nâng cao nhận thức về những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch
  • “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi” ở Đăk Hà
  • Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp Phiên chất vấn phiên họp thứ 14
  • Hội nghị tuyên truyền chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng
  • Mưa lũ ảnh hưởng đến nhiều tuyến giao thông và một số diện tích lúa

Chùm ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Ghi chép - Phóng sự

  • Chuyện người đi ngược lệ làng
  • Gian nan gìn giữ và phát triển “Quốc bảo”
  • Về xứ sở sâm dây
  • Ươm mầm xanh trên đất bạc màu

Đất & Người Kon Tum

  • Yên ả Kon Teo Đăk Lấp
  • Chiều mưa, rong ruổi trên những chuyến công tác xa nhà, tôi tình cờ dừng chân tại thôn Kon Teo Đăk Lấp, xã Đăk Long (huyện Đăk Hà) yên ả và thơ mộng. Trò chuyện, tiếp xúc trực tiếp với bà con dân tộc Xơ Đăng nơi đây, tôi nhận thấy người dân phát huy tinh thần đoàn kết để gìn giữ những giá trị văn hóa trên vùng đất khó, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, tốt đẹp.
  • Y Triêng Nữ nghệ nhân đa tài
  • Ngỡ ngàng Đăk Sing
  • Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam
  • Khuyến nông - Khuyến lâm
Thông tin cần biết
  • Tỉ giá
  • Chứng khoán
  • Giá vàng
  • Kết quả xổ số
  • Thời tiết
  • Lịch cúp điện
  • Lao động việc làm
  • Thời sự - Chính trị
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao - Du lịch
  • Pháp luật & Đời sống
  • Đất & Người Kon Tum
  • Tòa soạn & Bạn đọc
Báo Kon Tum điện tử
• Tổng Biên tập: Nguyễn Mạnh Hồng
• Phó tổng Biên tập: Phạm Minh Bảo, Nguyễn Thị Liễu Hạnh
• Tòa soạn: 281 Thi Sách, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum
• Điện thoại: 0260 3862531; Email: toasoanbaokontum@gmail.com
• Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 345/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 29/6/2016
Liên hệ tòa soạn
Thông báo bảng giá quảng cáo mới
Developed by