• Thời sự - Chính trị
    • Xây dựng Đảng
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao - Du lịch
  • Pháp luật & Đời sống
    • An toàn giao thông
  • Đất & Người Kon Tum
  • Tòa soạn & Bạn đọc
    • Nhịp cầu bạn đọc
Lễ tưởng niệm 55 năm ngày các chiến sĩ Trung đoàn 209 hy sinh tại Chư Tan Kra    Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn gặp gỡ, đối thoại với thanh niên    UBND tỉnh và Tập đoàn Viettel ký kết Thỏa thuận hợp tác chuyển đổi số    Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hòa thăm, tặng hoa Tỉnh đoàn    Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình tặng cờ Tổ quốc tại huyện Ngọc Hồi   

Đất & Người Kon Tum

Say đắm Ting ning

06/03/2017 08:23

​Không khó để tìm đến nhà ông A Huynh ở làng Kon Sà Lạt (xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy), bên Quốc lộ 24. Căn nhà nhỏ nhưng gọn ghẽ, khang trang của ông A Huynh chiều nay vui hơn vì có mấy đứa cháu nhỏ về chơi, quây quần với ông bà.

Đón chúng tôi bằng nụ cười cởi mở, sau mấy câu vui vẻ hỏi han, người nghệ nhân mà ở làng ai cũng biết tiếng nhanh nhẹn mang chiếc đàn Ting ning đã cũ và chiếc Klông pút còn tươi màu nứa ra giới thiệu.

“Chiếc Ting ning này là bạn của mình rồi. Còn chiếc Klông pút thì mới làm cho mấy đứa cháu tập để chuẩn bị đi biểu diễn”- Ông cười hồn hậu.

Ông ngồi bệt xuống nền nhà, cầm chiếc Ting ning lên, chỉnh dây, gảy nhẹ. Tinh tình tình tình tinh tình tình… Những âm thanh vang lên, vừa quen vừa lạ. Rồi ông cất tiếng hát… Lời bài hát bằng tiếng Ba Na quyện với tiếng đàn nhẹ nhàng, thanh thoát…

Đó là bài “Nẹ nhơm o”, nghĩa là “ Đừng khóc em”, một bài dân ca nổi tiếng của người Ba Na mà ông đã nằm lòng từ khi còn rất nhỏ: Đừng khóc em ơi!/ Để mẹ đi rẫy/ Cha đi vào rừng săn con chim con thú/ Đừng khóc em ơi!/Cho cha lên núi , lấy bó lồ ô/ Cho mẹ xuống suối hái nắm rau về…

Lời dân ca giản dị, gần gũi. Ông A Huynh bảo, cùng một làn điệu, nhưng mỗi bài dân ca có khi lại được đặt những lời khác nhau, dân dã lắm.

Ông A Huynh sinh năm 1954 ở làng Kon Sà Lạt mà ông bà, cha mẹ ông đã gắn bó. Trước đây, ở tận vùng núi xa, sau giải phóng, bà con mới được về định cư bên quốc lộ.

Say đắm với Ting Ning. Ảnh: T.N

 

Ngày xưa, làng nghèo, cả năm chỉ quanh quẩn với rẫy lúa, đám bắp, đám mì, nhưng lại khá giàu có về văn hóa truyền thống. Chưa kể những khi có đám cưới, đám tang, nhà có em bé ra đời…, năm nào, làng cũng mở hội cầu Yàng, cúng rẫy, mừng lúa mới, sửa giọt nước… Đông vui nhất là lễ ăn trâu mừng nhà rông mới, tưng bừng cồng chiêng, múa hát.

Theo cha đi nhiều, nên mới 9 - 10 tuổi, cậu bé A Huynh nhanh nhẹn đã biết đánh cồng chiêng. Cồng chiêng với người Ba Na như cơm ăn, nước uống. Vui đã đành, buồn khi nhà có người qua đời người ta cũng mượn tiếng chiêng để gửi gắm niềm tiếc thương, lời tiễn biệt...

Không chỉ biết đánh cồng đánh chiêng, A Huynh còn mê đàn hát dân ca. Ngày trước, trong làng có bác (bok) A H’lo nổi tiếng làm đàn Ting ning, Tơ rưng. Nghe A Hlo đàn, hát thì đến “con kiến cũng bò ra, con chuột phải ngừng chạy” - Ông A Huynh nhớ lại.

Đó là những bài dân ca, dân làng thường gọi một cách dân dã là “Cheo”. Lời hát ngắn gọn, đơn giản, giai điệu nhẹ nhàng, dễ thuộc, dân ca Ba Na (nhánh Jơ Lâng) chủ yếu là những bài hát về tình yêu đôi lứa, về cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của đồng bào. Bình dị đến mức, cho nhau chiếc khăn, nhường nhau tấm đắp, tặng nhau chiếc vòng, lấy cục đá về chà chân… cũng đi vào những lời hát tình cảm.

Nghe nhiều, tiếng Ting ning như nhập vào hồn A Huynh tự lúc nào. 16 tuổi, khi con tim đập rộn ràng trước ánh mắt của cô bạn từ thuở nhỏ, A Huynh đã tự vào rừng lấy nứa, mây, về mày mò làm thành chiếc Ting ning. Những ngày mưa không lên rẫy, chàng trai ngồi ở nhà chồ, cầm Ting ning gảy lên những khúc nhạc lòng, gửi tới người mà mình yêu mến.

Ting ning của người Ba Na được làm đơn giản bằng ống lồ ô, trên thân ống khoét 10 lỗ nhỏ để gắn 10 cần đàn cũng bằng lồ ô hoặc cọng mây già, tương ứng với 10 đoạn dây đàn dài ngắn khác nhau.

Dây đàn ngày trước được làm bằng loại dây rừng có đặc tính dai, chắc đặc trưng, nhưng sau này, đơn giản, chỉ bằng dây kẽm, kể cả tận dụng dây điện thoại cũ, dây thắng xe đạp...

Thân đàn được gắn với một trái bầu khô, tạo dáng nhỏ xinh. Ting ning đẹp hơn khi trái bầu khô được nhuộm đen bằng cách tạo màu truyền thống.

Không như cồng chiêng, chỉ biểu diễn trong những sự kiện mang tính cộng đồng, Ting ning cũng như các loại nhạc cụ dân gian của người Tây Nguyên Tơ rưng, Klông pút, Đinh tút, Ta lun… được sử dụng cá nhân; trong nhà, ngoài rẫy, bên suối, dưới sông… ở nơi nào cũng được, tư thế nào cũng dễ dàng. Giai điệu nhẹ nhàng, sâu lắng hay vui tươi, rộn ràng tùy vào hoàn cảnh, tâm trạng và dĩ nhiên là nội dung khúc nhạc của người chơi đàn.

Ting ning độc tấu đắm say. Ting ning đệm cho những bài dân ca càng thêm cuốn hút. Bà Y Pa, người bạn đời của nghệ nhân bảo: Hồi đó, cả làng, ai cũng biết A Huynh. Nhưng ổng đẹp trai, mình đâu có mê, chỉ muốn nghe tiếng đàn của ổng thôi. Vui cũng có, mà buồn cũng có, nghe đàn, như ổng đang trò chuyện với mình. Nghe như quên hết mệt nhọc. Vất vả mấy, cũng thấy ưng…

Làm đàn Ting ning không khó, nhưng cũng như các nghệ nhân dân gian khác, trong suốt hơn 40 năm gắn bó với nhạc cụ truyền thống, ông A Huynh đã tìm tòi, trải nghiệm, đúc kết kinh nghiệm để tiếng đàn hay hơn, việc chế tác đàn ngày càng thuần thạo.

Gắn bó với Ting ning, với những làn điệu dân ca say đắm lòng người, sau này, ông A Huynh còn tự chế tác và sử dụng Tơ rưng và Klông pút. Ngày trước, trong giai đoạn khó khăn, mải lăn lóc với miếng cơm manh áo, có những lúc, cồng chiêng, Ting ning, Tơ rưng... đã bị quên lãng. Cùng với sự phát triển đời sống xã hội, nét đẹp văn hóa truyền thống được trân trọng, trở lại với chính giá trị của nó. Các loại hình văn nghệ dân gian được khôi phục.

Cùng với nhà rông, cồng chiêng, những làn điệu dân ca, tiếng Ting ning, Tơ rưng… cũng được hồi sinh. Sẵn nhiệt huyết và tình yêu với văn hóa dân tộc, A Huynh trở lại làm và đánh đàn. Tiếng Ting ning của A Huynh không chỉ lắng lại trong ngôi làng nhỏ, mà còn vang lên ở hầu hết sự kiện văn hóa của xã, của huyện, của tỉnh.

Với những đóng góp tích cực để gìn giữ nét đẹp truyền thống của nhạc cụ dân tộc, năm 2015, A Huynh là một trong số 43 nghệ nhân ưu tú của tỉnh Kon Tum được phong tặng.

Hơn 40 năm gắn bó với Ting ning, Tơ rưng, cồng chiêng… giờ đây, tuy không còn khỏe, nguyên liệu cũng khó tìm, nhưng thỉnh thoảng, có người nhờ làm đàn, dù phải cất công đi xa mấy, vất vả thế nào, ông A Huynh cũng cố tìm loại lồ ô, mây, tre tốt nhất để làm đàn cho âm thanh hay nhất. Đàn của ông vẫn được các cháu nhỏ và đám thanh niên tập và biểu diễn trong trường học và các hội diễn, hội thi…

A Huynh vui vì vẫn còn những người yêu thích đàn, hát dân ca. Nhưng ngẫm lại, ông không khỏi chạnh lòng khi bây giờ, những người như ông chỉ còn trên đầu ngón tay. Ông mong muốn đến cháy bỏng có người đủ say mê và yêu thích để ông truyền nghề, nhưng thật đáng tiếc, cho đến giờ, người mong mỏi vẫn bặt hơi tăm cá. Gia đình có 3 đứa con, hai trai, một gái, đều đã trưởng thành, nhưng chẳng đứa nào tự nguyện đi theo tiếng đàn như ông từ thuở xa xưa. Xem ra, cái duyên với Ting ning, Tơ rưng, Klông pút… còn chưa bén đến ai đó, nên người nghệ nhân nặng lòng với Ting ning còn phải đợi, phải chờ…

Thanh Như

 

 

   

Các tin khác

  • Độc đáo “hơ gọ” của người Xơ Đăng
  • Nghệ nhân nặng lòng với văn hóa dân gian
  • Lớp học đàn t’rưng bên cầu Kon Klor
  • Truyền lửa đam mê nhạc cụ dân tộc
  • Miệt mài giữ nhịp cồng chiêng
  • Những thanh niên dân tộc thiểu số dám nghĩ, dám làm
  • Tết ấm của người Tày nơi miền biên
  • Giữ nhịp xòe Thái đen nơi vùng biên
  • Nghệ nhân ưu tú nặng lòng với cồng chiêng
  • Gìn giữ và bảo tồn nhạc cụ truyền thống
Gửi bình luận của bạn
   
Đang xử lý

Tin Mới Nhất

  • Xã Diên Bình: Rác thải ven Quốc lộ 14 đã được thu dọn
  • Thêm một nạn nhân tử vong trong vụ nổ đầu đạn ở huyện Đăk Hà
  • Gỡ “điểm nghẽn” để thúc đẩy phát triển
  • Nêu gương trong học tập và làm theo Bác
  • Dưới mặt đất hiền lành - Bài 3: Để mặt đất trở lại hiền hòa
  • Tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác đưa người đi xuất khẩu lao động
  • Hội nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2019-2024
  • Chương trình “Tháng Ba biên giới” tại xã Đăk Xú

Chùm ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Ghi chép - Phóng sự

  • Gỡ “điểm nghẽn” để thúc đẩy phát triển
  • Chùm ảnh: Xanh mát giữa nắng tháng Ba
  • “Điểm tựa” của làng
  • Đam mê với sản phẩm OCOP

Đất & Người Kon Tum

  • Độc đáo “hơ gọ” của người Xơ Đăng
  • Rong ruổi trên hành trình đến với các thôn làng, một lần, tôi được bà con Xơ Đăng ở làng Đăk Tăng (xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông) chiêu đãi món “hơ gọ”- tức nõn chuối nấu thịt gác bếp. Dù chỉ một lần thưởng thức, nhưng món ăn độc đáo ấy đã để lại trong tôi những dư vị khó quên.
  • Nghệ nhân nặng lòng với văn hóa dân gian
  • Lớp học đàn t’rưng bên cầu Kon Klor
  • Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam
  • Khuyến nông - Khuyến lâm
Thông tin cần biết
  • Tỉ giá
  • Chứng khoán
  • Giá vàng
  • Kết quả xổ số
  • Thời tiết
  • Lịch cúp điện
  • Lao động việc làm
  • Thời sự - Chính trị
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao - Du lịch
  • Pháp luật & Đời sống
  • Đất & Người Kon Tum
  • Tòa soạn & Bạn đọc
Báo Kon Tum điện tử
• Tổng Biên tập: Nguyễn Mạnh Hồng
• Phó tổng Biên tập: Phạm Minh Bảo, Nguyễn Thị Liễu Hạnh
• Tòa soạn: 281 Thi Sách, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum
• Điện thoại: 0260 3862531; Email: toasoanbaokontum@gmail.com
• Giấy phép số: 460/GP-BTTTT, do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 06/9/2022
Liên hệ tòa soạn
Thông báo bảng giá quảng cáo mới
Developed by