• Thời sự - Chính trị
    • Xây dựng Đảng
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao - Du lịch
  • Pháp luật & Đời sống
    • An toàn giao thông
  • Đất & Người Kon Tum
  • Tòa soạn & Bạn đọc
    • Nhịp cầu bạn đọc
Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình tặng cờ Tổ quốc tại huyện Ngọc Hồi    Chương trình cà phê doanh nghiệp, doanh nhân tháng 3    Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu làm rõ nguyên nhân vụ cháy rừng trồng tại xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy    UBND tỉnh Kon Tum tiếp, làm việc với Đoàn Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ    Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang thăm, chúc mừng Hội LHPN tỉnh nhân dịp 8/3   

Đất & Người Kon Tum

Về Kon Plông nghe đồng bào Mơ Nâm thổi Tà Vẩu

20/02/2017 17:59

​Khác với nhịp điệu cồng chiêng của đồng bào các DTTS ở Tây Nguyên, người Mơ Nâm ở Kon Plông có cách đánh và hòa âm cồng chiêng rất độc đáo, được phối với loại nhạc cụ truyền thống mà bà con nơi đây gọi là Tà Vẩu. Với người Mơ Nâm, ở những lễ hội vui nhộn, nếu có cồng chiêng mà không có Tà Vẩu thì không khác gì chế biến món ăn mà thiếu đi gia vị.

Một lần về làng Kon Chênh, xã Măng Cành (huyện Kon Plông) tôi được tận mắt xem và nghe “bản hòa tấu” vui nhộn giữa cồng chiêng cùng Tà Vẩu và một số nhạc cụ truyền thống của người Mơ Nâm nơi đây như trống, bộ khung. Điều ngạc nhiên nhất đó là nhìn bề ngoài tuy Tà Vẩu là một ống thổi rất nhỏ nhưng khi phát ra âm thanh, quyện lại cùng với âm thanh của cồng chiêng thì tạo nên sự ngân vang, réo rắt, rất vui nhộn.

Già A Lễ - một trong số ít nghệ nhân còn lại ở làng Kon Chênh biết chế tác và thổi Tà Vẩu hay nhất làng cho biết: Tà Vẩu được làm bằng cây nứa. Muốn chế tác nhạc cụ này, người Mơ Nâm phải lên rừng tìm cây nứa già, vì nếu chọn nứa non khi thổi sẽ không phát ra âm thanh hoặc âm thanh sẽ không ngân vang.

Già A Lễ - người biết chế tác và thổi Tà Vẩu hay ở làng Kon Chênh. Ảnh: T.Q

 

Cây nứa sau khi chặt từ rừng về, lấy một đoạn ngắn (cỡ 1 mắt nứa), 2 đầu thanh nứa để rỗng. Để chế tác Tà Vẩu, người Mơ Nâm dùng sáp ong bịt kín một đầu thanh nứa; phần giữa thân nứa, người chế tác nhạc cụ đục đẽo một khe nhỏ hình chữ nhật rồi dùng sáp ong gắn vào chính giữa khe nhỏ hình chữ nhật ấy một nan nứa mỏng và nhỏ (người Mơ Nâm gọi là lưỡi Tà Vẩu) để tạo âm thanh.

Tà Vẩu có 2 cách thổi khác nhau, thổi ngang (thổi ở khe hở bên hông nhạc cụ và lấy ngón tay bịt 1 đầu rỗng còn lại) hoặc thổi dọc (thổi ở phần đầu ống nứa rỗng và khi đó dùng ngón tay bịt một phần khe hở bên hông nhạc cụ).

Để thổi Tà Vẩu, người chơi nhạc cụ phải có sức khỏe, làn hơi tốt. Cách thổi nhạc cụ này không đơn giản, bởi nó đòi hỏi người sử dụng nhạc cụ phải vừa thổi, vừa hút khí vào bên trong để tạo âm thanh theo giai điệu, điệp khúc của bài hát hoặc tiết tấu cồng chiêng. Hơn nữa, vì Tà Vẩu là nhạc cụ mang tính vui nhộn, rộn ràng nên muốn thổi nhạc cụ hay phải điều tiết làn hơi để âm thanh phát ra ngân vang, đủ sức để réo gọi, mời mọc dân làng gần xa cùng đến chung vui.

Các nghệ nhân làng Kon Chênh cùng đánh cồng chiêng, thổi Tà Vẩu giới thiệu nét văn hóa đặc sắc với khách du lịch. Ảnh: T.Q

 

Già A Lễ cho biết, mỗi khi người Mơ Nâm đánh cồng chiêng thì không thể thiếu Tà Vẩu; nếu cồng chiêng mà thiếu Tà Vẩu hòa quyện vào không khác gì chế biến món ăn mà thiếu đi gia vị. Cồng chiêng và Tà Vẩu cùng được sử dụng mỗi khi trong làng có lễ hội mừng lúa mới, mừng nhà mới… nói chung là lễ hội vui nhộn. Có khi Tà Vẩu cũng được trai làng thổi lên (không cần hòa âm cùng cồng chiêng) để mời gọi các cô gái đến nhảy múa, hát giao duyên, để qua đó tìm hiểu nhau.

Năm lên 19 tuổi, cũng như nhiều chàng trai Mơ Nâm khác ở trong làng, già A Lễ đã biết thổi Tà Vẩu. Và để thổi được loại nhạc cụ này, ông phải mất cả năm trời tập luyện… Nhạc cụ này vẫn gắn bó với ông từ thời thanh niên đến giờ, mỗi khi trong làng có lễ hội vui nhộn hay gia đình ai tổ chức đám cưới cho con cháu già đều không quên mang theo Tà Vẩu để góp vui và cũng để nhắc con cháu nhớ về văn hóa truyền thống của ông cha để lại.

Những năm gần đây, bên cạnh việc truyền dạy chế tác và sử dụng Tà Vẩu cho thanh niên trong làng, già A Lễ cùng đội cồng chiêng của làng cũng đã biểu diễn trong các sự kiện văn hóa để giới thiệu về loại nhạc cụ truyền thống độc đáo của người Mơ Nâm nơi đây.

Bên bếp lửa nghe già A Lễ kể chuyện, ông A Nuông - Bí thư chi bộ thôn Kon Chênh cũng góp vui câu chuyện của mình: Ngày trước, tối đến, những thanh niên trong làng như ông lại tụ tập ở nhà rông để thổi Tà Vẩu. Âm thanh của nhạc cụ đã cuốn hút nhiều cô gái trong làng đến nhảy múa và hát giao duyên. Mê tài nghệ thổi Tà Vẩu của ông, bà Y Brô ở cùng làng đã đem lòng cảm mến rồi 2 người thành vợ thành chồng.

Mái tóc đã điểm bạc, gương mặt đã hằn sâu những nếp nhăn, bà Y Brô - vợ ông A Nuông ngượng ngùng khi được chúng tôi đề nghị kể tiếp câu chuyện tình của mình đã nên duyên nhờ nhạc cụ truyền thống độc đáo này. Biết vợ mắc cỡ nên ông A Nuông hóm hỉnh, cầm Tà Vẩu trên tay rồi chủ động kéo chiếc đòn gỗ lại ngồi gần bà Y Brô như để tìm về cảm xúc mấy mươi năm về trước. Khi được chồng đề nghị: “Tôi thổi Tà Vẩu, bà hát bài hát giao duyên ngày ấy nhé”, bà Y Brô càng ngại ngùng hơn.

Trong tiếng vỗ tay của những thành viên đội cồng chiêng của làng, của những vị khách như chúng tôi, ông A Nuông và bà Y Brô đã hòa nhịp cùng âm thanh của tiếng Tà Vẩu du dương, vui nhộn và giai điệu của bài hát giao duyên hứa hẹn một tình yêu đẹp và sự thủy chung của người con gái với chàng trai…

Bà Y Brô tâm sự: Ngày xưa, nghe con trai đánh cồng chiêng và thổi Tà Vẩu hay thì con gái mới theo để nhảy múa và hát giao duyên. Nghe âm điệu của Tà Vẩu, của bài hát thổi vào tâm hồn, rồi trai, gái mới nảy sinh tình cảm, tìm hiểu rồi đi đến hôn nhân. Lâu lâu, trong nhà có chuyện vui, chúng tôi lại mang Tà Vẩu ra thổi để cho con cháu cùng thưởng thức.

Ngày nay, tuy Tà Vẩu không được các chàng trai Mơ Nâm sử dụng để cuốn hút các cô gái nữa nhưng nó cũng thu hút nhiều người trẻ trong làng vào những cuộc vui chơi nhộn nhịp hay đơn giản là nhiều người muốn học hỏi từ cha, ông để giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

A Dũng (33 tuổi) ở làng Kon Chênh chia sẻ: Năm 15 tuổi em đã theo già A Lễ để học thổi Tà Vẩu. Thổi nhạc cụ này khó lắm; nhất là làm sao điều khiển được làn hơi của mình để theo giai điệu, điệp khúc của cồng chiêng, của bài hát giao duyên. Tuy nhiên, khó mấy em cũng phải cố gắng vì đây là nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình để góp vui, tạo nên không khí vui nhộn trong các lễ hội của làng và đó cũng là giữ gìn nét đẹp văn hóa của chính người Mơ Nâm.

Tiết trời đã sang tháng 2 nhưng Kon Plông vẫn lạnh cắt da thịt, thế nhưng mùa lễ hội nơi đây đang hừng hực khí thế. Điều chúng tôi trông chờ nhất trở lại vùng đất này là được nghe lại âm thanh của Tà Vẩu réo rắt ngân vang và vui nhộn…

Tú Quyên

   

Các tin khác

  • Nghệ nhân nặng lòng với văn hóa dân gian
  • Lớp học đàn t’rưng bên cầu Kon Klor
  • Truyền lửa đam mê nhạc cụ dân tộc
  • Miệt mài giữ nhịp cồng chiêng
  • Những thanh niên dân tộc thiểu số dám nghĩ, dám làm
  • Tết ấm của người Tày nơi miền biên
  • Giữ nhịp xòe Thái đen nơi vùng biên
  • Nghệ nhân ưu tú nặng lòng với cồng chiêng
  • Gìn giữ và bảo tồn nhạc cụ truyền thống
  • Thơm ngon món lá mì của người Xơ Đăng
Gửi bình luận của bạn
   
Đang xử lý

Tin Mới Nhất

  • Nâng cao chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn về 2 lĩnh vực Tòa án và Kiểm sát
  • Hạnh phúc là gì?
  • Công bố Quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác cán bộ
  • Lễ chuyển giao và tiếp nhận tổ chức đảng, đảng viên Đảng bộ BIDV - Chi nhánh Kon Tum
  • Cần xử lý tình trạng vứt rác bừa bãi trên Quốc lộ 14
  • Hạnh phúc ở đâu?
  • Lắng nghe và đồng hành
  • Đôi điều suy nghĩ nhân Ngày Quốc tế hạnh phúc

Chùm ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Ghi chép - Phóng sự

  • Đam mê với sản phẩm OCOP
  • Chùm ảnh: Người Gia Rai gìn giữ nghề dệt truyền thống
  • Trồng dâu tây trên đỉnh Đăk Chum I
  • Chùm ảnh: Phụ nữ Ba Na bên sông Đăk Bla

Đất & Người Kon Tum

  • Nghệ nhân nặng lòng với văn hóa dân gian
  • Người dân thôn Kon Sờ Lạc 2 (xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy) yêu quý và kính trọng nghệ nhân Y Gar (64 tuổi) bởi bà không chỉ là một người có uy tín tại địa phương mà còn rất tâm huyết trong gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Ba Na (nhánh Jơ Lâng).
  • Lớp học đàn t’rưng bên cầu Kon Klor
  • Truyền lửa đam mê nhạc cụ dân tộc
  • Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam
  • Khuyến nông - Khuyến lâm
Thông tin cần biết
  • Tỉ giá
  • Chứng khoán
  • Giá vàng
  • Kết quả xổ số
  • Thời tiết
  • Lịch cúp điện
  • Lao động việc làm
  • Thời sự - Chính trị
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao - Du lịch
  • Pháp luật & Đời sống
  • Đất & Người Kon Tum
  • Tòa soạn & Bạn đọc
Báo Kon Tum điện tử
• Tổng Biên tập: Nguyễn Mạnh Hồng
• Phó tổng Biên tập: Phạm Minh Bảo, Nguyễn Thị Liễu Hạnh
• Tòa soạn: 281 Thi Sách, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum
• Điện thoại: 0260 3862531; Email: toasoanbaokontum@gmail.com
• Giấy phép số: 460/GP-BTTTT, do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 06/9/2022
Liên hệ tòa soạn
Thông báo bảng giá quảng cáo mới
Developed by