Bếp cơm ấm áp tình người
Cách cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh vài chục mét, nhiều năm nay, bếp cơm chay từ thiện của chùa Thạnh Đức (thành phố Kon Tum) đã trở thành điểm đến của bệnh nhân nghèo. Từ thứ 2 đến thứ 7, đều đặn lúc 10h sáng, bếp ăn mở cửa. Khi ghé đến, mọi người đều có những phần cơm chay nóng hổi kèm theo những lời động viên, sẻ chia chân thành.
Đồng hành với bếp ăn
9h sáng – khi nhà nhà bắt đầu chuẩn bị đồ chế biến cho bữa trưa thì bếp cơm chay từ thiện tại địa chỉ 370 đường Bà Triệu đã thơm nức hương vị của những món ăn. Mỗi ngày, bếp đều có 4 món chay: xào, luộc, kho, canh và các phần phụ (trái cây, sữa...). Nhìn những món ăn nóng hổi, thơm lừng đủ cảm nhận được tình người trong từng hương vị.
|
Như thường lệ, cứ đến 10h, bếp bắt đầu phát cơm. Do vậy, các thành viên trong bếp phải tất bật từ sáng sớm, chuẩn bị sơ chế, nấu nướng. Tập trung cùng mọi người chuẩn bị từ sớm, sư cô Phúc Liên - Ủy viên Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Kon Tum, trụ trì chùa Thạnh Đức- người lập ra bếp ăn cho biết: “Nhiều chị tranh thủ đến bếp từ sớm để phụ khâu sơ chế rồi về đi làm. Xong phần sơ chế, lại có nhóm đến phụ nấu nướng; nhóm chia thức ăn cho mọi người. Bếp ăn tình người nên mọi người cũng đến hỗ trợ, giúp đỡ từ tâm”.
Quay trong guồng công việc, không ai bảo ai, mỗi người chung tay hoàn thành nhiệm vụ của mình. Người đổ món xào ra mâm; người xới những khay cơm nóng hổi; người nếm lại nồi canh. Sau lớp khẩu trang, những gương mặt hứng khởi, sẵn sàng mang bữa cơm đong đầy tình cảm đến mọi người.
Nhà gần với bếp ăn, chị Hồ Hoàng Như Hải biết đến bếp ăn từ những ngày đầu. Kể từ đó, chị muốn góp một phần công sức, cùng bếp sẻ chia yêu thương với những bệnh nhân khó khăn. “Mỗi ngày, từ 7h sáng, mình tranh thủ ghé qua bếp, phụ các chị nấu nướng và chia thức ăn cho mọi người. Nhà ở gần, mình cứ chạy qua, chạy lại để phụ bếp”- chị Hải cho biết.
Loay hoay phía dưới bếp, “bếp trưởng” Phạm Thị Thu (phường Thống Nhất) tranh thủ nếm lại nồi canh trước khi phát cho mọi người. Cũng như chị Hải, chị Thu biết đến bếp ăn và gắn bó với bếp từ những ngày đầu. Đều đặn mỗi ngày, chị có mặt tại bếp từ 6h sáng, cùng mọi người sơ chế, nấu nướng. Trưa, phát đồ ăn hoàn tất, chị dọn dẹp rồi mới trở về nhà. Mồ hôi lấm tấm trước cái nóng của thời tiết, của bếp lửa hừng hực, chị Thu vẫn cười thật tươi: “Hồi đầu đến đây, kê gạch làm bếp, củi khói mù mịt. Bây giờ, bếp được kê lại, đỡ khói nhiều rồi. Mỗi ngày, mình đều dành tâm huyết nấu nướng để các món ăn vừa vị, giúp mọi người ăn ngon miệng”.
Được ví là “văn công” của bếp, chị Trần Thị Thanh Nguyệt (phường Quang Trung) luôn vui vẻ, ngêu ngao hát, tạo không khí rộn ràng. Chị Nguyệt là thợ may. Biết đến bếp ăn từ giữa năm 2024, kể từ đó, ngày nào chị cũng tranh thủ có mặt tại bếp, cùng phụ mọi người. “Sáng mình ra bếp phụ làm, phát cơm xong xuôi, tầm 10h30 hoặc muộn hơn mình mới trở về. Chồng mình đi làm xa, các con cũng lớn rồi nên mình cũng sắp xếp ổn thỏa việc nhà để cùng chia việc với các chị ở bếp”- chị Nguyệt nói.
|
Những vị khách thân thuộc
10h, bắt đầu đến giờ phát cơm, mọi người đều nhanh nhẹn mở nắp cặp lồng, đưa vào quầy để lấy cơm. “Mình ăn mấy người?”- vừa xới cơm vô cặp lồng, chị Hải vừa lấy món kho, xào, vừa hỏi. Bên ngoài, một người đàn ông cao gầy, hom hem với vết thương đang còn băng trên trán, giọng yếu ớt: “Mình 2 người ăn”. “Ăn 2 người phải báo để mình lấy thêm cơm chứ tưởng 1 người, bới ít là ăn không đủ đâu”, vừa nói, chị vừa đẩy lại hộp cơm về phía bên trái để các chị thêm cơm vào hộp.
Việc chia cơm được thực hiện chuyên nghiệp. Các khâu xới cơm, múc đồ xào, đồ kho, trái cây, sữa đều có người đảm nhiệm riêng. Xong khâu bên trong, mọi người tiến ra phía trước lấy canh và xì dầu đã được đựng sẵn trong từng túi nhỏ.
Có người, xin cơm ăn trong buổi trưa nhưng cũng có người xin cơm để dành ăn đến chiều. Những trường hợp quen mặt, không đợi bà con phải nói, các chị trong bếp chủ động lấy thêm thật nhiều cơm, thức ăn để mọi người đủ ăn đến chiều. “Cô qua kia mua thêm cái hộp, con bỏ đồ ăn riêng, chiều cô ăn. Bỏ cơm với đồ ăn lẫn lộn, chiều cô không ăn được đâu”- chị Hải nhỏ nhẹ nói với một cô luống tuổi, địu theo cháu nhỏ.
Có con nhỏ bị bệnh tim, 5 năm nay, chị Y Ngọc Yến (xã Kon Đào, huyện Đăk Tô) ở bệnh viện chăm con nhiều hơn ở nhà. Chẳng biết tự lúc nào, chị trở thành “khách hàng” quen thuộc của bếp cơm. “Ngày nào mình cũng lấy cơm cho 2 mẹ con ăn cả ngày. May có bếp cơm từ thiện, nếu không, mình không biết phải làm sao. Ngày Chủ nhật không có cơm là từ thứ 7 các chị ở bếp đã dặn mình lấy thêm mì tôm để dành. Mình thấy các chị ở bếp nhẹ nhàng, chân tình lắm!”- chị Yến chia sẻ.
Với bà Y Hào (huyện Tu Mơ Rông), bếp cơm từ thiện là điểm tựa ấm áp của bà trong những ngày ở viện. Nhà ở xa xôi, gia cảnh lại khó khăn nên việc tự lo những bữa cơm trong thời gian dài ở viện với bà thật khó khăn. Bà Hào nói: “Cơm ở đây nấu ngon, vừa vị lắm. Mình còn được cho thêm sữa, trái cây, ăn còn ngon hơn khi ở nhà”.
Chỉ trong vòng 30 phút, dòng người vơi dần, cơm, thức ăn cũng dần sạch nhẵn. Sư cô Phúc Liên cùng các chị em trong bếp đôn hậu nhìn mọi người trở về với niềm hân hoan trong lòng.
|
7 năm – 1 chặng đường yêu thương
Trở về bếp, sư cô Phúc Liên gọi điện cho các mối cung cấp rau củ, gia vị chuẩn bị cho ngày mai. Sư cô cho biết, mỗi ngày bếp nấu khoảng 50 kg gạo; 60-80kg rau, củ; khoảng 8-9kg đậu phụ. Bếp thường chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ để không bị động vào ngày hôm sau.
Thấu hiểu nỗi đau, sự khó khăn của những bệnh nhân, sư cô luôn tâm niệm, mong muốn giúp đỡ, sẻ chia, giúp họ vơi đi phần nào nỗi lo, yên tâm chữa trị bệnh. Với tâm niệm đó, cùng với mọi người, từ 7 năm trước, sư cô phát cháo rồi đến cơm trắng cho bệnh nhân “ai cần thì lấy”. Qua quá trình làm, thấy có nhiều người cần giúp đỡ, sư cô nghĩ đến việc nấu cơm chay để mọi người ăn no hơn, không bị ngán. Vậy là, bếp ăn từng bước được kiện toàn dần. “Từ việc nấu cơm trong nồi cơm điện, bếp chuyển sang tủ hấp cơm bằng gas để hấp được nhiều hơn. Tôi thuê nhà hằng tháng; mọi thứ được đầu tư, làm dần dần. Bây giờ đi vào guồng rồi”- sư cô Phúc Liên cho hay.
Từ thứ 2 đến thứ 7, bếp ăn nấu và phục vụ cho bình quân 300 người/ngày. Thời điểm đông bệnh nhân, bếp ăn chủ động nấu tăng thêm số lượng vào ngày hôm sau. 7 năm duy trì một bếp ăn từ thiện, chuyện không phải nơi nào cũng làm được, nhưng sư cô Phúc Liên nói rằng, bếp ăn may mắn có sự đồng hành của các mạnh thường quân. “Người góp công, người góp của, nhờ vậy, bếp luôn được đỏ lửa để mang những phần ăn yêu thương đến mọi người. Chúng tôi ở đây, mỗi người một tay, tất cả đều mong sẻ chia với những khó khăn của người bệnh, những hoàn cảnh không may trong cuộc sống”- sư cô chia sẻ.
Khi các bệnh nhân đã xong bữa trưa, sư cô cùng các cô, các chị ở bếp mới tất bật dọn dẹp, trở về lo cơm nước ở nhà mình. “Mỗi ngày đến đây, mình đều cảm nhận được niềm vui, hiểu được giá trị của sự sẻ chia. Các con, chồng của mình cũng ủng hộ nên mình có thêm động lực để cùng đồng hành với bếp”- “bếp trưởng” Thu vừa nói vừa cùng mọi người tiếp tục lên thực đơn cho ngày mai.
Hoài Tiến