• Thời sự - Chính trị
    • Xây dựng Đảng
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao - Du lịch
  • Pháp luật & Đời sống
    • An toàn giao thông
  • Đất & Người Kon Tum
  • Tòa soạn & Bạn đọc
    • Nhịp cầu bạn đọc
Lễ tưởng niệm 55 năm ngày các chiến sĩ Trung đoàn 209 hy sinh tại Chư Tan Kra    Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn gặp gỡ, đối thoại với thanh niên    UBND tỉnh và Tập đoàn Viettel ký kết Thỏa thuận hợp tác chuyển đổi số    Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hòa thăm, tặng hoa Tỉnh đoàn    Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình tặng cờ Tổ quốc tại huyện Ngọc Hồi   

Ghi chép - Phóng sự

Hồn chiêng

08/11/2017 13:14

​Mai này, không còn người già nữa, con cháu vẫn còn biết đánh chiêng. Khi cúng Yàng, khi mừng lúa mới, ở đâu đó giữa đất trời, già vẫn còn được nghe tiếng chiêng - già A Kyui nhìn mấy đứa cháu đang vùi đầu vào tập bài chiêng cổ mãn nguyện nói. Gương mặt già sáng bừng lên dưới ánh nắng nhạt cuối chiều xuyên qua vách nhà rông...

1. Đã nhiều buổi chiều trôi qua, khi ông mặt trời mệt mỏi ghé xuống đỉnh núi chuẩn bị nghỉ ngơi, khi tiếng trống tan học của Trường Tiểu học U Re điểm được ít phút, làng Kon Gu I (xã Ngọc Wang, huyện Đăk Hà) lại ngân nga bổng trầm tiếng chiêng.

Chiều nay cũng vậy, già A Kyui lễ mễ tay mang tay xách những chiếc chiêng, khó nhọc leo lên bậc thang nhà rông của làng. Gió lạnh đầu mùa không ngừng thổi về phía cánh rừng cao su, ào ạt, mạnh mẽ. Lụi cụi trải chiếu, ông ôm chiếc chiêng cũng cũ kỹ, già nua như mình vào bụng, dùng bàn tay thô ráp đấm nhẹ vào mặt chiêng. Tiếng chiêng lúc nỉ non, khi du dương, lúc trầm buồn, khi réo rắt dội vào vách nhà rông, quẩn quanh những mái nhà ám khói, ngược về phía đại ngàn.

Nhìn mái tóc bạc rung rung, khuôn mặt như tạc bằng đá đắm chìm vào tiếng chiêng, tôi nhận ra, chỉ khi ở bên chiêng, đắm mình với chiêng mới lộ ra hết nét tài hoa và hào hoa vốn có của người đàn ông Xê Đăng Xơ Đrá. Lúc này, trước mắt tôi, ông già 79 tuổi thoắt trở lại thời tráng niên  kiêu hãnh nơi núi rừng Tây Nguyên.

Và cũng lúc này đây, tôi mới thấy ghét cay ghét đắng cái lối tư duy quy chụp rằng, văn hóa cồng chiêng đang kêu cứu; rằng mai này, sẽ vắng bóng cồng, chiêng… Đành rằng có gian nan, khó khăn, nhưng chiêng vẫn sống mãi, bởi chiêng cũng có hồn, bởi trong tâm thức, trong dòng máu của mỗi người đàn ông các dân tộc Tây Nguyên vẫn có sợi dây vô hình gắn kết với hồn chiêng, chỉ cần có người - như già A Kyui đây - chạm vào, là nó sẽ thức tỉnh và ngân nga.

“Tinh tinh tang... tinh tinh tang...”, chuỗi âm thanh hòa quyện, nối tiếp nhau, đan xen trầm bổng của bài chiêng Ăn Tết ở làng vừa dứt, già A Kyui cũng bứt ra khỏi giai điệu rộn rã.

Già rủ rỉ: Âm thanh chính là linh hồn của cồng chiêng. Mất âm thanh, cồng chiêng sẽ không còn giá trị. Vì thế, để tiếng chiêng không hư, không phai, con người phải biết quý trọng nó. Khi người và chiêng hòa điệu với nhau, tiếng chiêng sẽ ngân vang không bao giờ mất đi, chiêng giữ hồn người, người giữ hồn chiêng...

Với già A Kyui, tiếng chiêng đã ngấm vào máu thịt từ ngày còn thơ bé. Trong những ngày lễ hội của làng, những mùa “ăn năm uống tháng”, chiêng được gióng lên, vòng xoang được nối liền; rồi những ngày lễ của đời người, khi mừng lúa mới, cúng máng nước, nhịp chiêng cũng ngân vang rộn rã. Ngày ấy đàn ông, con trai trong làng đều biết đánh chiêng, giống như đàn bà, con gái phải biết đi xoang.

Đêm đêm, dưới mái nhà rông, người già nhiệt tình chỉ dạy, người trẻ hăng say học tập những bài chiêng, như Mừng nhà rông, Mừng lúa mới, Mừng cưới, Ăn tết làng... Học chiêng khó lắm, bởi không có bài bản cụ thể, ký âm đàng hoàng, mà phải nghe bằng tai, nắn từng nhịp.

Ngày ấy, già A Kyui còn nhớ, làng Kon Gu nhiều nhà có chiêng, nhà ông cũng có, tới 2 bộ. Một bộ có 8 chiếc, để dùng trong những chuyện vui, như mừng nhà rông, ăn lúa mới, đám cưới; một bộ có 11 chiếc, để cùng trong những việc buồn, như ma chay. Vui tiếng chiêng rộn rã, thúc giục người làng vui say. Buồn, tiếng chiêng nỉ non, buồn bã, như an ủi, như sẻ chia... 

“Tinh tinh tang... tinh tinh tang...”, những học trò nhí của già A Kyui bắt đầu bản “hòa tấu”. Bên cạnh, nhóm nữ học xoang của nghệ nhân Y Tor cũng bắt đầu những bước nhún mềm mại, dịu dàng.

Già A Kyui vừa chăm chú nắn chỉnh từng bàn tay non nớt trên vành chiêng tròn lành lạnh vừa tự hào khoe: Già không nhớ chính xác là đã dạy cho bao nhiêu con cháu biết đánh chiêng, chỉ nhớ trong 2 tháng qua dạy được 20 cháu, trong đó có 10 cháu thẩm âm tốt, đã biết đánh được những bài chiêng cơ bản, khá nhất là A Đinh, A Ty.

Dần dà, có những ánh mắt háo hức nhìn qua cửa, qua vách nhà rông, vài cậu bé chen tới sờ sờ vào chiêng, già A Kyui cười hiền, gương mặt sáng bừng lên dưới ánh nắng nhạt cuối chiều xuyên qua vách nhà rông. Chưa được đâu, còn bé lắm. Khi nào cao bằng con dao phát rẫy mới được.

Mai này, không còn già nữa, con cháu vẫn còn biết đánh chiêng. Khi cúng Giàng, khi mừng lúa mới, ở đâu đó giữa đất trời, già vẫn còn được nghe tiếng chiêng- Già A Kyui nhìn mấy đứa cháu A Wen, A Thông đang vùi đầu vào tập bài chiêng mãn nguyện nói.

Hồn chiêng được tiếp nối, từ những buổi như hôm nay!

2. Làng Đăk Phía (xã Ngọc Réo, huyện Đăk Hà) nằm trên một vuông đất rộng rãi, bằng phẳng, cây xanh mát mẻ. Theo giải thích của người già, tên làng có nghĩa là “làng nứa”. Ngày trước, tổ tiên chọn miếng đất đẹp bên nguồn nước, có nhiều nứa (phía) nên gọi luôn làng là Đăk Phía.

Già A Hling truyền dạy cồng chiêng. Ảnh: T.H

 

Giữa trưa, khi gió quất lồng lộng qua mái nhà rông, bỗng có một thứ thanh âm riêng biệt không thể lẫn vào đâu được vút lên, gọi những đôi mắt nhìn về nhà rông, kéo những đôi chân bước ra khỏi nhà. Đó chính là tiếng chiêng âm vang hồn đất mẹ, vía trời cha; là tiếng chiêng mang hồn núi, hồn sông, hồn suối, hồn rừng, mang hơi thở của làng. Tiếng chiêng ấy cất lên từ nơi già A Hling ngồi...

Già A Hling sinh ra ngay trên mảnh đất Đăk Phía vốn có tiếng giàu chiêng thời xa xưa, khi mà số lượng chiêng ché được nhìn nhận như những minh chứng cho sự giàu có của chủ nhà. Nên tôi cũng không ngạc nhiên khi nghe già nói “sống qua 80 mùa rẫy, ngần ấy thời gian, già nghe tiếng chiêng, nó ngấm vào máu rồi”.

Từ khi già mới sinh ra, dân làng đã đem chiêng đến đánh để đón chào thành viên mới. Khi là cậu bé lấm lem bùn đất, đầu còn chưa mọc đủ tóc, già đã náo nức nghe chiêng mỗi dịp cúng lễ thần linh, cầu được mùa lúa. Rồi lớn lên, lấy vợ sinh con, con cái lớn lên, lại dựng vợ gả chồng, cuộc sống cứ tiếp diễn như vòng đời cây lúa trên rẫy, kết nối giữa những vòng đời ấy là tiếng chiêng.

Dòng hồi ức của già A Hling chợt lung linh, sáng rực lên khi nhớ về tiếng cồng chiêng cái thời hoàng kim của nó. Từ bao đời nay, chiêng đã gắn bó mật thiết với cuộc sống của dân làng. Nó là máu thịt, là tiếng nói tâm linh, là niềm vui, nỗi buồn trong lao động và sinh hoạt hàng ngày. Chiêng còn là sợi dây gắn kết vững chắc giữa các thành viên trong gia đình, trong dòng tộc, trong làng. Trong mỗi nhịp chiêng luôn hàm chứa sức mạnh, niềm tin của con người với đấng siêu nhiên, niềm tin vào cộng đồng, vào cuộc sống để từ đó có thêm hy vọng về một ngày mai tươi đẹp.

Ngồi trên sàn nhà rông, già A Hling quan sát rất kỹ từng em nhỏ đang chăm chú đánh chiêng để chỉnh sửa. Mấy hôm nay già A Hling vui lắm. Lại thêm một lứa học trò nữa biết đánh chiêng. Từ tháng 6/2017, suốt 4 tháng qua, ông mang bộ chiêng 12 chiếc của nhà mình lên nhà rông để truyền dạy cho lớp trẻ trong làng.

Dạy trẻ đánh chiêng như chăm sóc mụt măng le, không cẩn thẩn sẽ gãy, để dạy các em nhỏ đánh cồng chiêng đúng âm, đúng nhịp vất vả vô cùng, vì muốn dạy được trước hết phải làm cho chúng say chiêng, thực sự yêu thích chiêng, có nghĩa là “phải thổi được hồn chiêng vào tâm hồn bọn trẻ”, như cách nói của già A Hling.

Chiêng cũng có hồn, khi ta vui, chiêng rộn rã, âm vang, khi ta buồn, chiêng nỉ non, an ủi, khi ta mệt, chiêng tha thiết, vuốt ve. Nên học chiêng là phải học bằng tim mình, phải nối được với hồn chiêng, nếu không, cũng chỉ lã gõ chiêng mà thôi - già A H Ling khuyên răn lũ trẻ.

Những khi làng có việc, ông tập trung lũ trẻ lại, cùng những người biết đánh chiêng diễn tấu những bài chiêng cổ, rồi giải thích để chúng hiểu ý nghĩa lời chiêng. Cứ thế, dần dà lời chiêng, nhịp chiêng ngấm vào tâm trí, cuốn hút bọn trẻ, tạo cho chúng có lòng đam mê chiêng. Để đến bây giờ, mỗi khi thúc tiếng chiêng lên mừng một sinh linh ra đời hay khóc thương một người già về với Yàng, đã có nhiều thanh niên, nhiều thiếu niên trong làng có thể “gọi núi rừng, suối thác” về qua tiếng chiêng. Như A Sang, sau 3 tháng học, đã đánh thành thạo được 7 bài chiêng, như Mừng lúa mới, Mừng nhà rông hay Ăn trâu, Trỉa lúa...

Hồn chiêng lại được tiếp nối, từ những vòng đời!

Tôi chia tay già A Hling, khi ánh trăng huyền ảo đã giăng khắp núi đồi. Tiếng chiêng lại ngân nga khúc tiễn bạn, lắng đọng, tha thiết như muốn níu chân người ở lại. Và tôi thêm tin, ở đâu và thời đại nào, hồn chiêng vẫn luôn tồn tại như một giá trị đầy kiêu hãnh.

Thành Hưng

   

Các tin khác

  • Gỡ “điểm nghẽn” để thúc đẩy phát triển
  • Chùm ảnh: Xanh mát giữa nắng tháng Ba
  • “Điểm tựa” của làng
  • Đam mê với sản phẩm OCOP
  • Chùm ảnh: Người Gia Rai gìn giữ nghề dệt truyền thống
  • Trồng dâu tây trên đỉnh Đăk Chum I
  • Chùm ảnh: Phụ nữ Ba Na bên sông Đăk Bla
  • Người Xơ Đăng đồng lòng bảo vệ “Quốc bảo”
  • Người làm thuyền composite ở Lung Leng
  • Chắp cánh ước mơ cho thế hệ tương lai
Gửi bình luận của bạn
   
Đang xử lý

Tin Mới Nhất

  • Bàn giao chủ thể quản lý di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Điểm cao 1015 và Điểm cao 1049
  • Xã Diên Bình: Rác thải ven Quốc lộ 14 đã được thu dọn
  • Thêm một nạn nhân tử vong trong vụ nổ đầu đạn ở huyện Đăk Hà
  • Gỡ “điểm nghẽn” để thúc đẩy phát triển
  • Nêu gương trong học tập và làm theo Bác
  • Dưới mặt đất hiền lành - Bài 3: Để mặt đất trở lại hiền hòa
  • Tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác đưa người đi xuất khẩu lao động
  • Hội nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2019-2024

Chùm ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Ghi chép - Phóng sự

  • Gỡ “điểm nghẽn” để thúc đẩy phát triển
  • Chùm ảnh: Xanh mát giữa nắng tháng Ba
  • “Điểm tựa” của làng
  • Đam mê với sản phẩm OCOP

Đất & Người Kon Tum

  • Độc đáo “hơ gọ” của người Xơ Đăng
  • Rong ruổi trên hành trình đến với các thôn làng, một lần, tôi được bà con Xơ Đăng ở làng Đăk Tăng (xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông) chiêu đãi món “hơ gọ”- tức nõn chuối nấu thịt gác bếp. Dù chỉ một lần thưởng thức, nhưng món ăn độc đáo ấy đã để lại trong tôi những dư vị khó quên.
  • Nghệ nhân nặng lòng với văn hóa dân gian
  • Lớp học đàn t’rưng bên cầu Kon Klor
  • Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam
  • Khuyến nông - Khuyến lâm
Thông tin cần biết
  • Tỉ giá
  • Chứng khoán
  • Giá vàng
  • Kết quả xổ số
  • Thời tiết
  • Lịch cúp điện
  • Lao động việc làm
  • Thời sự - Chính trị
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao - Du lịch
  • Pháp luật & Đời sống
  • Đất & Người Kon Tum
  • Tòa soạn & Bạn đọc
Báo Kon Tum điện tử
• Tổng Biên tập: Nguyễn Mạnh Hồng
• Phó tổng Biên tập: Phạm Minh Bảo, Nguyễn Thị Liễu Hạnh
• Tòa soạn: 281 Thi Sách, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum
• Điện thoại: 0260 3862531; Email: toasoanbaokontum@gmail.com
• Giấy phép số: 460/GP-BTTTT, do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 06/9/2022
Liên hệ tòa soạn
Thông báo bảng giá quảng cáo mới
Developed by