Nghĩa tình người thầy
Suốt 5 năm qua, những thầy, cô giáo ở vùng khó khăn Ngọc Tụ (huyện Đăk Tô) không chỉ tận tụy gieo con chữ cho con em đồng bào DTTS mà họ còn làm nhiều việc như người cha, người mẹ hiền, giúp đỡ, chia sẻ, động viên, nâng bước chân các em học sinh nghèo, mồ côi, khó khăn đến trường.
Được sự giới thiệu của thầy Nguyễn Văn Hùng- Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Đăk Tô, một ngày trung tuần tháng 11, trong không khí toàn xã hội đang có nhiều hoạt động Kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), chúng tôi tìm về ngôi trường tiểu học nơi vùng sâu vùng xa Ngọc Tụ. Con đường đến trường dù được trải nhựa nhưng hiện đã và đang xuống cấp nặng, khiến việc đi lại khá vất vả. Ngôi trường Tiểu học Ngọc Tụ nằm ngay ven đường, cách trung tâm xã vài cây số. Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi đến với ngôi trường là sự gọn gàng, sạch sẽ.
Dù rất bận với công việc, nhưng thầy Phạm Đình Thu- Hiệu trưởng nhà trường vẫn bớt chút thời gian đón tiếp chúng tôi. Sau cái bắt tay thật chặt chào đón, thầy Thu kể cho chúng tôi mô hình “Nâng bước em đến trường”- mỗi thầy cô giáo trong trường nhận đỡ đầu từ 1-2 học sinh nghèo, mồ côi có hoàn cảnh khó khăn.
|
Theo lời thầy Thu, năm 2018, thầy được Phòng điều về làm hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngọc Tụ. Khi ấy, sau khi tìm hiểu, nhận thấy ở đây có nhiều em học sinh hoàn cảnh khó khăn, nhà nghèo có nguy cơ bỏ học rất cao và điều đó sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Trăn trở, suy nghĩ, thầy Thu nảy ra ý tưởng “Nâng bước em đến trường” bằng cách nhận đỡ đầu các học sinh khó khăn để giúp các em đến trường đều đặn hơn. Ý tưởng được đưa ra bàn bạc với Ban giám hiệu nhà trường, trong chi bộ nhà trường và đã nhận được sự đồng tình của tập thể Ban giám hiệu và toàn thể chi bộ.
Được sự thống nhất, nhà trường vận động đảng viên gương mẫu tiên phong đi trước, mỗi thầy cô nhận đỡ đầu từ 1-2 em. Khi ấy, là lãnh đạo, thầy Thu tiên phong nhận 2 em là A Chất và Y Viên (cả 2 đều trú tại thôn Đăk Tông). Hai em có hoàn cảnh rất khó khăn, bố mất, mẹ đi lấy chồng, các em phải ở với bác nhưng bác lại đông con nên con đường học hành của 2 em đứng trước nguy cơ “đứt gánh giữa đường”.
Thầy Thu cho biết: Nhận đỡ đầu, mỗi thầy cô giáo thường xuyên nắm, tìm hiểu hoàn cảnh gia đình từng em, thấy các em thiếu thốn gì thì ủng hộ, giúp đỡ như mua quần áo, sách vở, hỗ trợ gạo, mì tôm. Và đặc biệt là luôn gần gũi, động viên chia sẻ để các em không bỏ học, đến trường đều đặn.
Sau một tháng triển khai, mô hình “Nâng bước em đến trường” đã có sức lan tỏa đến toàn bộ cán bộ, giáo viên trong trường. Nhận thấy việc làm đó thực sự ý nghĩa nên toàn bộ giáo viên trong trường đã tự nguyện mỗi thầy cô nhận đỡ đầu từ 1-2 em có hoàn cảnh khó khăn. Ngay trong năm học đầu (năm học 2018-2019) thực hiện mô hình, đã có 27 em được giáo viên nhà trường nhận đỡ đầu và đến năm học sau con số đó nâng lên 29 em.
|
Theo thầy Thu, trong 2 năm đầu thực hiện mô hình “Nâng bước em đến trường”, các thầy cô giáo đã tự nguyện hỗ trợ các em với số tiền gần 18 triệu đồng. Ngoài tiền mặt, các thầy cô giáo còn hỗ trợ 1.270kg gạo, gần 1.000 gói mì tôm, 650 cuốn vở viết và 32 bộ sách giáo khoa, 144 bộ quần xanh áo trắng mới, 57 bộ quần áo cũ và mới, 45 đôi dép, 1 xe đạp tặng các em học sinh nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vượt khó trong học tập.
Suốt 5 năm qua, mô hình “Nâng bước em đến trường” vẫn được đội ngũ thầy cô giáo của Trường Tiểu học Ngọc Tụ duy trì. Đến nay, đã có hàng trăm em được các thầy cô giáo của nhà trường nhận đỡ đầu. Năm học 2022-2023 đội ngũ cán bộ giáo viên nhà trường tiếp tục nhận đỡ đầu 25 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Đã có hàng trăm bộ quần áo, hàng trăm bộ sách giáo khoa, hàng nghìn cuốn vở và hàng trăm tạ gạo được các thầy cô giáo giúp đỡ, ủng hộ các em.
Với cô giáo Đặng Thị Bích Lài (50 tuổi, giáo viên Trường Tiểu học Ngọc Tụ), suốt 5 năm qua, cô đã nhận đỡ đầu 10 học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Năm học này, cô Lài đang nhận đỡ đầu 2 em là Y Tháo và A Dy (đều ở thôn Đăk Chờ, học sinh lớp 1). Đây là 2 em có hoàn cảnh khó khăn, nhà nghèo. Nhận đỡ đầu, cô Lài luôn gần gũi, quan tâm giúp đỡ các em về mọi mặt. Bước vào năm học mới, các em không có sách vở, thiếu quần áo đồng phục, thế là cô lại bỏ tiền túi mua quần áo, sách vở tặng cho các em. Những lúc học sinh đau ốm, cô quan tâm mua thuốc, đến thăm, động viên và cùng gia đình lo cho các cháu. Khi thấy gia đình thiếu thốn, cô lại bỏ tiền túi mua gạo, mì tôm ủng hộ.
Cô Lài chia sẻ: Thực hiện mô hình “Nâng bước em đến trường”, hằng năm tôi nhận đỡ đầu những em có hoàn cảnh khó khăn bằng những hành động thiết thực như an ủi động viên, dành những món quà đặc biệt như sách vở, quần áo, hỗ trợ những vật chất cần thiết như mắm muối, mì tôm khi gia đình em gặp khó khăn; thăm hỏi động viên các em những lúc ốm đau. Tôi thấy rất vui khi việc làm nhỏ bé của mình đã giúp các em có thêm nghị lực để vượt qua khó khăn, tích cực học tập.
Tương tự, trong 5 năm qua, mỗi năm cô giáo Lưu Thị Hằng (47 tuổi, giáo viên Trường Tiểu học Ngọc Tụ) đều nhận đỡ đầu 1 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Năm học này, cô Hằng dạy tại điểm trường thôn Đăk Tông nên đã nhận đỡ đầu em Y Hồng Anh (thôn Đăk Tông, học sinh lớp 2). Với cô Hằng, ngoài việc giúp đỡ về vật chất, cô còn luôn gần gũi, chăm lo, yêu thương dạy dỗ các em từ cách ăn nói, đi đứng, cách chào hỏi, rèn cho các em có tấm lòng biết yêu thương, giúp các em thêm nghị lực và ý chí vươn lên.
Cô Hằng chia sẻ: Ngoài hỗ trợ về mặt vật chất, chúng tôi còn thường xuyên đến nhà động viên các em về mặt tinh thần, dạy cho các em về kỹ năng sống, giữ gìn vệ sinh cá nhân, chải đầu, buộc tóc, cắt móng tay, móng chân, tổ chức sinh nhật cho các em, coi các em như người thân trong gia đình của mình. Cũng từ đó, tình cảm cô trò và gia đình thêm gắn kết, đó là nguồn động viên lớn để các em vượt qua khó khăn, phấn đấu vươn lên trong học tập.
|
Thầy Nguyễn Văn Hùng- Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đăk Tô cho biết: Trong những năm qua, tập thể Trường Tiểu học Ngọc Tụ luôn đẩy mạnh việc học tập, làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và đặc biệt là có sáng tạo trong việc triển khai mô hình “Nâng bước em đến trường”. Đây là một mô hình học tập và làm theo Bác rất thiết thực, đầy tính nhân văn để giúp đỡ những em học sinh thiệt thòi có những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có nguy cơ bỏ học tiếp tục vươn lên, tích cực học tập.
“Từ khi được các thầy cô của Trường Tiểu học Ngọc Tụ đỡ đầu, các em đã có chỗ dựa về mặt tinh thần, vật chất để vượt qua những khó khăn yên tâm học tập. Chất lượng giáo dục ở trường cũng ngày càng được nâng cao”- thầy Hùng đánh giá.
Không chỉ là người tận tâm, tận tình gieo con chữ mà đội ngũ thầy cô giáo của Trường Tiểu học Ngọc Tụ còn có việc làm đầy trách nhiệm, nhận đỡ đầu những học sinh nghèo, khó khăn, mồ côi bằng cả tấm lòng và tình yêu thương.
Phúc Nguyên