• Thời sự - Chính trị
    • Xây dựng Đảng
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao - Du lịch
  • Pháp luật & Đời sống
    • An toàn giao thông
  • Đất & Người Kon Tum
  • Tòa soạn & Bạn đọc
    • Nhịp cầu bạn đọc
Tuyên dương, khen thưởng học sinh giỏi, giáo viên tiêu biểu năm học 2024 - 2025    Định hướng xử lý các dự án đầu tư công và tháo gỡ vướng mắc trong xóa nhà tạm, nhà dột nát    Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang dự Lễ khánh thành các dự án đầu tư công trình hạ tầng tại xã Ngọc Linh    Quốc hội tiếp tục thảo luận Tổ các dự án luật    Tỉnh ủy Kon Tum tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW   

Ghi chép - Phóng sự

Rừng trong cuộc sống của người Xơ Đăng

30/05/2023 06:02

Chừng vài chục năm trước, trong cơn nghèo khó và nhận thức chưa đúng, đồng bào Xơ Đăng ở xã Đăk Hà (huyện Tu Mơ Rông) đã chặt hạ nhiều cánh rừng làm rẫy, khiến rừng mất dần trước mắt những con người vùng cao. Mãi cho đến khi chật vật tìm kiếm từng cây gỗ để làm nhà, dựng nhà rông thì dân làng mới chợt nhận ra rừng không còn. Và rồi, được cấp ủy, chính quyền các cấp tuyên truyền, vận động, đồng bào Xơ Đăng nơi đây dần thay đổi nếp nghĩ, họ không còn phá rừng, mà ra sức bảo vệ, miệt mài trồng rừng, tái tạo nhiều vùng đồi hoang hóa lên xanh.

Tái sinh rừng bằng cây kháo vàng, bò ma

Nghe đồn đã lâu, đến nay chúng tôi mới có dịp được mục sở thị vườn kháo vàng của anh A Hai (47 tuổi) ở thôn Tu Mơ Rông. Gọi là vườn, nhưng  đó là cả rừng kháo, trải khắp nhiều quả đồi.

Gặp chúng tôi, anh A Hai tâm sự: Trước đây tôi cũng như nhiều bà con từng chặt hạ nhiều cánh rừng làm rẫy. Để rồi đến khi chật vật tìm gỗ làm nhà, dựng nhà rông thì mới biết rừng đang mất dần. Rừng mất đi, gỗ cũng không còn, mùa mưa dễ bị sạt lở, xói mòn, mùa nắng thì oi nóng. Lúc bấy giờ, tôi muốn dùng sức mình phủ xanh lại những quả đồi trọc mà gia đình từng khai hoang trồng mì trước kia. Tôi có hơn 15ha đất, trước đây chủ yếu trồng mì, lúa, nhưng giờ đây thì đã phủ xanh cây rừng.

Năm 2017, được cấp ủy, chính quyền địa phương vận động trồng rừng, chỉ rõ những lợi ích từ rừng mang lại, qua tìm hiểu trên báo, đài và mạng internet, lại thấy nông dân các tỉnh khác trồng rừng và tận dụng, phát triển kinh tế dưới tán rừng rất tốt nên anh A Hai mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất đang trồng mì sang trồng cây rừng.

Anh A Hai đầu rư rào kín diện tích rừng để chăn nuôi bò dưới tán rừng. Ảnh: V.T

 

Dùng số tiền gia đình tiết kiệm từ nhiều năm trước, anh A Hai mua hàng ngàn cây kháo vàng về trồng trên diện tích 5ha, diện tích còn lại anh tiếp tục trồng mì để lấy ngắn nuôi dài.

Sau thời gian miệt mài trồng và chăm sóc, những cây kháo hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, nhanh chóng bén rễ. Chỉ hơn 2 năm, 5ha đất đồi trọc đã chuyển mình, khoác lên chiếc áo mới mang màu xanh của cây rừng. Những cây kháo đua nhau vươn lên trong niềm hân hoan, hy vọng của gia đình. Lúc này, anh A Hai không còn trồng mì, bắt đầu tính chuyện tận dụng tán rừng để phát triển kinh tế.

“Khi cây rừng cao hơn 3m, không thể trồng xen mì hay cà phê nữa, tôi thấy dưới tán rừng cỏ mọc nhiều rất thuận lợi để chăn nuôi bò, dùng phân để bón cho cây trồng” – anh A Hai cho biết.

Chính vì thế, anh A Hai đã đầu tư gần 200 triệu đồng mua trụ rào, kẽm gai, lưới B40 để rào toàn bộ 5ha rừng kháo, sau đó chăn nuôi bò trong chính khu vườn của mình. Anh A Hai đầu tư xây dựng chuồng bò kiên cố, nuôi hơn 40 con bò cho chúng đi ăn tự do trong vườn. Giờ đây, với việc chăn nuôi bò dưới tán rừng, trung bình mỗi năm anh A Hai thu nhập hơn 150 triệu đồng từ việc bán bò giống, bò thịt và phân bò.

Đưa chúng tôi vào trong rừng sâu, vừa để khoe đàn bò, anh A Hai còn khoe với chúng tôi những cây kháo được anh  “đánh dấu”. Cùng trồng một đợt, nhưng có nhiều cây kháo sinh trưởng rất mạnh, có đường kính khoảng 30cm và đủ sức để làm cột nhà. Số cây kháo còn lại có đường kính trung bình khoảng 15cm, đây sẽ là nguồn thu nhập lớn cho gia đình anh trong tương lai.

Bước ra bìa rừng, anh A Hai chỉ tay về những quả đồi đằng xa, nơi vừa được anh trồng rừng. Năm 2021, thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”, chính quyền địa phương vận động chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng rừng và cây công nghiệp lâu năm, anh A Hai đắn đo khi muốn chuyển 10ha đất đồi đang trồng mì sang trồng  rừng.

“10ha đất trồng mì một năm cũng mang lại thu nhập hơn 200 triệu đồng, nhưng về lâu dài thì cây mì cho kinh tế không vững, hơn nữa rất hại đất. Nhìn cánh rừng kháo xanh mướt, sinh trưởng tốt là động lực để tôi quyết định chuyển 10ha trồng mì sang trồng cây bò ma và cây hông” – anh A Hai bộc bạch.

Gần 100 triệu đồng tiền cây giống được anh A Hai đầu tư, có cây sống khỏe, nhưng có cây chết rụi. Chết ở đâu, anh A Hai trồng dặm lại ở đó, và cứ thế nhiều quả đồi nối đuôi nhau đang được thay áo xanh của cây rừng.

Trọn đời giữ cánh rừng trắc

Nhiều ngày qua, ông A Knốt (60 tuổi) – thôn Kon Pia vẫn luôn túc trực, căng sức, phơi mình ngoài vườn trắc để phòng, chống cháy rừng. Với ông A Knốt, vườn trắc không chỉ là tài sản vật chất mà còn có giá trị tinh thần rất lớn với gia đình. Nếu để mất rừng, cháy rừng như mất đi phần máu mủ, đứt từng đoạn ruột.

Ông A Knốt không biết những cây trắc trong vườn mình mọc từ khi nào, chỉ nhớ rằng, từ khi còn bé, theo ba mẹ lên làm rẫy đã thấy chúng mọc xen kẽ giữa những cây mì. Ngày đấy, có những cây trắc lớn nhưng ba mẹ ông đã chặt hạ để lấy đất canh tác trồng mì.

“Cũng vì muốn có tiền nuôi gia đình, lo cho các con ăn học nên ba mẹ tôi đã phá đi cánh rừng trắc lấy đất trồng mì. Sau này lớn lên, trở thành một thầy giáo, tôi biết được giá trị của cây trắc và cách làm kinh tế dưới tán rừng, biết được Đảng và Nhà nước ta chú trọng công tác bảo vệ rừng, vì rừng là “lá phổi xanh” của con người, nên quyết tâm sẽ giữ gìn những cây trắc trên rẫy và giáo dục cho học sinh ở địa phương” - ông A Knốt cho biết.

Ông A Knốt luôn chủ động phòng, chống cháy rừng trắc. Ảnh: VT

 

Những cây trắc có sức sống mãnh liệt, qua bao nhiêu năm sống len lỏi giữa vườn mì, hễ ngọn vươn cao lại bị ba mẹ ông A Knốt chặt phá, chỉ còn trơ gốc. Đến năm 1996, khi ông A Knốt được giao quyền sở hữu vườn rẫy, những cây trắc bắt đầu được giữ gìn, bảo vệ.

Những năm đầu, ông A Knốt vẫn trồng mì và để cây trắc cùng những cây rừng khác thỏa sức vươn mầm, sinh trưởng. Chỉ sau vài năm không chặt phát, những cây trắc đã xanh tốt, cao hơn đầu người. Chẳng mấy chốc, thửa đất mà bố mẹ cho ông A Knốt trồng mì đã trở thành vườn trắc xanh tốt, phủ kín cả quả đồi trọc khô cằn.

Và khi vườn cây sinh trưởng tốt, cũng là lúc ông A Knốt thôi trồng mì và chuyển hướng sang phát triển kinh tế dưới tán rừng. Ông A Knốt tâm sự: Nhiều bà con trong làng chỉ trích tôi vì không phát rừng trồng mì để mỗi năm có thể kiếm thêm thu nhập khoảng 20 triệu đồng. Về sau họ đã nhận ra, dưới tán rừng trắc kia, tôi có thu nhập ổn định từ việc trồng sâm dây. Giống sâm do tôi tự đào trên rừng về trồng, cả củ cả lá đều bán được.

Đưa chúng tôi đi tham quan khu vườn, đi dưới bóng cây rừng, tôi như lạc vào chốn “bồng lai tiên cảnh”. Dưới cái tiết trời oi bức, qua vàn vạn chiếc lá xanh, nhiệt độ như được thanh lọc, hòa mình với tiếng chim ríu rít, đón từng làn gió mát rượi, tôi chỉ muốn dừng chân tận hưởng.

Ngồi dưới một gốc cây trắc, ông A Knốt tâm sự, trong vườn có hơn 300 cây trắc, vài chục cây quế, dẻ. Những cây này được ông dành gần cả đời để bảo vệ chúng. Ngày còn dạy học, ông thường giáo dục học sinh phải biết trồng và bảo vệ rừng như bảo vệ chính mạng sống của mình. Còn vườn trắc của ông phải nhờ người thân, hàng xóm để mắt tới, hễ có người lạ vào làng hay đến gần vườn cây phải báo ngay cho ông. Giờ đây, ông A Knốt đã nghỉ hưu, ông dành thời gian nhiều hơn để chăm sóc vườn trắc.

Ông A Knốt kể: Tôi muốn giữ rừng trắc này đến cuối đời, sau này sẽ giao lại cho con quản lý và tiếp tục trồng dược liệu dưới tán rừng để có thêm thu nhập. Có rất nhiều người tới hỏi mua cây trắc nhưng tôi đều không bán. Thấy tôi kiên quyết giữ vườn trắc, những đứa con, đứa cháu trong nhà cũng chung sức bảo vệ. Biết được giá trị cây trắc, nhiều người trẻ trong làng cũng học theo, họ bắt đầu bảo tồn những cây trắc trong rẫy, để chúng thoả sức sinh trưởng để tạo thành vườn.

Anh A Kria học tập bảo vệ, chăm sóc những cây trắc non để phát triển thành rừng. Ảnh: VT

 

Để chứng thực, ông A Knốt đưa chúng tôi đến vườn trắc của anh A Kria (38 tuổi) cách đó không xa. Anh A Kria cho biết: Được bố mẹ cho đất vào năm 2008, thấy trên rẫy có nhiều cây trắc non nên đã học tập thầy A Knốt giữ gìn, chăm sóc. Giờ đây, vườn trắc hơn 100 cây đã sinh trưởng tốt, trở thành một trong những khu vườn có giá trị ở thôn Kon Pia.

Không riêng ông A Knốt, anh A Kria mà tại thôn Kon Pia, nhiều đồng bào Xơ Đăng đã nhận thức được giá trị của cây trắc, thay vì chặt phát như trước, họ đã giữ gìn, chăm sóc để những cây trắc được mọc thành vườn, thành rừng. 

Ông Dương Đăng Khoa – Chủ tịch UBND xã Đăk Hà cho biết: Từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn xã trồng mới được khoảng 279ha rừng, trong đó có 1 công ty trồng 97ha, còn lại do người dân trồng. Phấn đấu đến năm 2025, xã sẽ trồng khoảng 500ha rừng. Thời gian qua, xã vẫn luôn tuyên truyền, vận động người dân trồng rừng để được hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, đồng thời nâng cao nhận thức, hiểu biết của bà con về lợi ích từ việc trồng rừng mang lại. Qua đó dần thay đổi nếp nghĩ của bà con Xơ Đăng, chuyển từ phá rừng sang trồng và bảo vệ rừng.                                                          

Văn Tùng

   

Các tin khác

  • Tình cha mang sắc xanh áo lính
  • Chùm ảnh: Ngọc Linh mùa lúa xanh
  • Chùm ảnh: Người sưu tầm đồ cổ ở Kon Tum
  • Bếp cơm ấm áp tình người
  • Sức hấp dẫn ở thiên đường du lịch Măng Đen
  • Chùm ảnh: Vẻ đẹp mỹ miều của hoạ tiết hoa văn trên cánh đồng mùa gặt
  • Chùm ảnh: Nhộn nhịp công trường ngày nghỉ lễ
  • Du khách đổ về Măng Đen dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5
  • Chùm ảnh: Thành phố Kon Tum rực rỡ cờ hoa chào mừng 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
  • Chùm ảnh: Vẻ đẹp nao lòng của dòng sông Đăk Bla chảy ngược
Gửi bình luận của bạn
   
Đang xử lý

Tin Mới Nhất

  • Hội nghị triển khai các nhiệm vụ liên quan Đề án sáp nhập tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Ngãi trên lĩnh vực báo chí
  • Tuyên dương, khen thưởng học sinh giỏi, giáo viên tiêu biểu năm học 2024 - 2025
  • Chùm ảnh: Bình yên Lý Sơn
  • Sức sống mới từ một Cuộc vận động - Bài 1: Công phá “lõi nghèo” vùng DTTS
  • Gặp gỡ tài năng piano trẻ
  • Phát động hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em tỉnh Kon Tum năm 2025
  • Khai mạc Hội thi tuyên truyền, giới thiệu sách năm 2025
  • Quốc hội tiếp tục thảo luận Tổ các dự thảo nghị quyết của Quốc hội

Chùm ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Ghi chép - Phóng sự

  • Tình cha mang sắc xanh áo lính
  • Chùm ảnh: Ngọc Linh mùa lúa xanh
  • Chùm ảnh: Người sưu tầm đồ cổ ở Kon Tum
  • Bếp cơm ấm áp tình người

Đất & Người Kon Tum

  • Người dành trọn đời cho thổ cẩm
  • Không phải vàng, bạc đá quý, cũng không phải trâu, bò, ruộng vườn, 73 năm tuổi đời, “của để dành” của ông Đep (thôn Kon Rờ Bàng 2, xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum) là những tấm thổ cẩm do mình dệt nên. Những tấm thổ cẩm vượt thời gian, mang bản sắc văn hóa truyền thống là một phần cuộc sống của chính ông - người dành trọn đời cho thổ cẩm.
  • Kỹ nghệ chỉnh âm cồng chiêng của người Xơ Đăng
  • Người giữ lửa nghề truyền thống ở Đăk Niêng
  • Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam
  • Khuyến nông - Khuyến lâm
Thông tin cần biết
  • Tỉ giá
  • Chứng khoán
  • Giá vàng
  • Kết quả xổ số
  • Thời tiết
  • Lịch cúp điện
  • Lao động việc làm
  • Thời sự - Chính trị
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao - Du lịch
  • Pháp luật & Đời sống
  • Đất & Người Kon Tum
  • Tòa soạn & Bạn đọc
Báo Kon Tum điện tử
• Phó tổng Biên tập: Phạm Minh Bảo, Nguyễn Thị Liễu Hạnh
• Tòa soạn: 281 Thi Sách, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum
• Điện thoại: 0260 3862531; Email: toasoanbaokontum@gmail.com
• Giấy phép số: 460/GP-BTTTT, do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 06/9/2022
Liên hệ tòa soạn
Thông báo bảng giá quảng cáo mới
Developed by