Sức hấp dẫn ở thiên đường du lịch Măng Đen
Được thiên nhiên ưu đãi với thời tiết mát mẻ quanh năm, Măng Đen (huyện Kon Plông) đang xây dựng nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao gắn liền với du lịch. Không chỉ vậy, đây còn là hình mẫu về nông nghiệp hữu cơ, thân thiện với môi trường đang thu hút khách du lịch tới tham quan khi đến Măng Đen.
|
Sản xuất nông nghiệp sạch
Từ lợi thế về thời tiết, huyện Kon Plông được chọn là địa phương tập trung sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh. Do đó, những năm qua, tỉnh, huyện đã có nhiều chính sách ưu đãi, thu hút các nhà đầu tư đến đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tập trung ở thị trấn Măng Đen, Măng Cành… Huyện đã thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen nhằm thu hút nhà đầu tư vào đầu tư sản xuất tập trung tại đây. Qua hơn 8 năm thực hiện, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen đã thu hút được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Theo thống kê, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen hiện có khoảng 170ha, trong đó, đã giao cho doanh nghiệp sử dụng 94ha, diện tích nhà màng là 3,6ha. Với những chính sách đặc thù riêng, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen đang có rất nhiều doanh nghiệp, cá nhân vào đầu tư vườn rau, củ, trái cây được trồng với kỹ thuật tiên tiến, hoàn toàn sử dụng phân bón hữu cơ và các chế phẩm sinh học, vừa sản xuất ra sản phẩm, vừa phục vụ du lịch tham quan thưởng thức sản phẩm nông nghiệp sạch. Tại đây, đang có rất nhiều vườn rau, củ, trái cây được khách hàng và du khách ưa chuộng.
|
Đến Măng Đen, chúng tôi ấn tượng với vườn rau hữu cơ của Công ty TNHH Niinuma Tomofarm. Hiện đơn vị này có 2 nhà màng diện tích khoảng 4.000m2 tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen, với các loại cây chủ lực như dâu tây, cà chua bi Nhật Bản, dưa lưới. Đây là một trong những điểm thu hút nhiều du khách đến tham quan.
Chị Trần Thị Hiền- quản lý Tomofarm Măng Đen cho biết, vì sản xuất sạch nên vườn cây của Tomofarm thường bị các loại sâu bướm, vi rút, phấn trắng, bọ trĩ… tấn công. Để loại bỏ sâu bệnh, Tomofarm chọn phương pháp thủ công bằng cách bắt tay, đồng thời, kiểm soát tốt môi trường để không bị lây lan. Đồng thời, sử dụng các chế phẩm sinh học từ mật mía, gừng, tỏi để phòng bệnh, tránh lây lan.
“Mong muốn của Tomofarm là làm sao sản phẩm được an toàn nhất, không có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Để khách hàng yên tâm, đến khi thu hái, những người thân quen trong gia đình mình sẽ nếm thử đầu tiên”- chị Hiền chia sẻ.
Cũng theo chị Hiền, sản phẩm cà chua bi, dâu tây của Tomofarm đang được cung cấp chính cho thị trường Hà Nội. Trong thời gian tới, Tomofarm sẽ đẩy mạnh việc tiêu thụ tại thị trường TP. HCM, nơi người dân rất ưa chuộng dòng sản phẩm cà chua bi. Đặc biệt, thời gian qua Tomofarm có nhiều du khách tìm đến tham quan, đặt hàng vì yên tâm khi vườn cây được trồng theo hướng an toàn, sạch, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Tương tự, Farm Hương Nguyên Garden hiện có 2 nhà màng tổng diện tích khoảng 3.000m2, với các loại cây trồng như dưa hấu, dưa leo, cà chua, dưa lê, ớt ruby. Quy trình trồng, chăm sóc vườn cây được Hương Nguyên Garden thực hiện theo hướng hữu cơ.
Chị Phan Thị Mai Hương - chủ Farm Hương Nguyên Garden cho biết, để chăm sóc cho vườn cây, gia đình chủ yếu sử dụng phân bò ủ trong đất, kết hợp với mùn mía, trấu hun khô. Trong quá trình tưới, vườn cây sẽ được bổ sung thêm đạm cá cùng với chuối ủ lên men. Chính vì trồng theo hướng hữu cơ nên khi vườn cây thỉnh thoảng có bị sâu bệnh, đặc biệt các loại bọ trĩ, đơn vị sử dụng các loại bẫy và chế phẩm sinh học để tiêu diệt.
“Khi bị sâu bệnh tấn công, gia đình thường sử dụng các loại bẫy dính và dùng đèn để thu hút côn trùng. Bên cạnh đó, gia đình sử dụng các chế phẩm sinh học như tinh dầu nem, tinh dầu tràm và các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học dùng trong nông nghiệp hữu cơ. Khi sử dụng xong vẫn có thể hái ăn bình thường mà không phải lo ảnh hưởng đến sức khỏe”- chị Hương chia sẻ.
Cũng theo chị Hương, trước đây gia đình có làm nông nghiệp ngoài trời nhưng hiệu quả không cao, vườn cây hay bị sâu bệnh tấn công. Khi đó buộc phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, dẫn đến môi trường bị ô nhiễm, sản phẩm cũng không an toàn cho người tiêu dùng. Sau đó, gia đình chị Hương đã tìm hiểu về quy trình làm nông nghiệp công nghệ cao, từ đó quyết định đầu tư xây dựng hệ thống nhà màng và trồng theo hướng hữu cơ, không sử dụng hóa chất, hay thuốc bảo vệ thực vật.
Du lịch nông nghiệp hút khách
Bên cạnh việc tạo ra giá trị từ chất lượng sản phẩm sạch, huyện Kon Plông cũng xác định phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn liền với du lịch là một trong những hướng đi nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vừa đẩy mạnh phát triển ngành “công nghiệp không khói”, tăng hiệu quả sản xuất.
Theo Hội du lịch Măng Đen, thời gian qua trên địa bàn có rất nhiều Farm nông nghiệp sạch được đầu tư bài bản để đón khách du lịch tham quan và trải nghiệm loại hình du lịch nông nghiệp công nghệ cao. Đây là loại hình du lịch hấp dẫn thu hút nhiều du khách tham quan và trải nghiệm, đặc biệt là những du khách đi nghỉ dưỡng theo gia đình, thích khám phá những điều mới lạ.
Đến Măng Đen vào những ngày cuối tuần, chúng tôi chứng kiến, ngoài những điểm hấp dẫn du khách như hồ Đăk Ke, Thác Pa Sỹ thì tại các farm ở Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen, cũng như tại các thôn làng ở thị trấn Măng Đen, có rất nhiều du khách lựa chọn tour tham quan các trang trại sản xuất nông nghiệp sạch. Tại Tomofarm Măng Đen, có hàng chục du khách đến tham quan không những được chiêm ngưỡng sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mà còn được thưởng thức những loại nông sản ngay tại vườn. Họ tỏ ra rất thích thú khi được đến tham quan, trải nghiệm ở nơi này.
Là du khách thường xuyên đến Măng Đen, anh Nguyễn Văn Nguyên, đến từ Đà Nẵng cho biết, ngoài những danh lam, thắng cảnh, Măng Đen còn nổi tiếng với khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các sản phẩm đáp ứng được tiêu chuẩn sạch, an toàn. Mỗi lần anh Nguyên và những người bạn lên Măng Đen lại đến tham quan các vườn cây và trực tiếp thưởng thức sản phẩm ngay tại chỗ mà không lo về các hóa chất độc hại.
“Mong rằng thời gian tới, ở Măng Đen sẽ có thêm nhiều sản phẩm nông nghiệp sạch để người tiêu dùng có thêm sự lựa chọn và trải nghiệm cảm giác được làm nông dân thu hái”- anh Nguyên chia sẻ.
Tương tự Farmer Garden Măng Đen (thị trấn Măng Đen) do anh Lương Hoàng Nguyên làm chủ được đầu tư khá bài bản. Với không gian quán cà phê, xây dựng các tiểu cảnh và diện tích nhà kính trồng các loại cây theo mùa như ớt chuông, dâu tây, cà chua trên tổng diện tích 1,5ha, đã thu hút đông đảo du khách đến thăm, nhất là vào các dịp lễ, tết. Khi đến đây, du khách cảm nhận sự dễ chịu từ không khí mát mẻ, trong lành, các góc check in dễ thương, không gian xanh mát từ các loại cây trái, thích thú khi được tự tay hái các loại cây trái ăn ngay tại vườn (bao gồm trong giá vé vào vườn) và mua thêm mang về.
Anh Nguyễn Quang Huy (du khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ, vào Farm nông nghiệp để tham quan, trải nghiệm anh thấy mới lạ, vì ở dưới thành phố, anh chưa thấy mấy quả như bí ngòi xanh, ớt chuông, kiểu trái cây như vậy ngay tại nơi sản xuất. Khi tới Măng Đen được tham quan, trải nghiệm, chụp ảnh, hái trái cây ăn tại vườn anh thấy rất thích thú. Mô hình nông nghiệp ở đây được trồng khép kín, mọi người làm rất chuyên nghiệp, sạch, đảm bảo. “Tôi thấy đây là loại hình du lịch độc đáo, có thể phát triển bền vững và hút khách. Mong rằng Măng Đen sẽ giữ được bản sắc riêng, đầu tư nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao như thế này nhiều hơn nữa với sự đa dạng các loại rau, củ quả để người dân và du khách đến tham quan, trải nghiệm, mua và sử dụng rau quả sạch, chất lượng, đảm bảo”- anh Huy bộc bạch.
|
Theo ông Phạm Văn Thắng- Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông, các mô hình phát triển nông nghiệp công nghệ cao kết hợp các loại hình du lịch trên địa bàn như: Nông nghiệp kết hợp với nghiên cứu, trải nghiệm du lịch đã và đang thu hút khách du lịch đến Măng Đen tham quan, trải nghiệm, từ đó, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là loại hình du lịch có tiềm năng, triển vọng phát triển trong thời gian tới. Vì vậy, huyện đã, đang và sẽ tiếp tục kêu gọi đầu tư và liên kết với các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác trong sản xuất, chế biến, bao tiên sản phẩm nông nghiệp thân thiện với môi trường, đồng thời, xây dựng và hình thành các farm nông nghiệp sạch gắn với phát triển du lịch trải nghiệm. Qua đó, nâng cao thu nhập cho người dân, doanh nghiêp, góp phần thúc đẩy kinh tế -xã hội của huyện ngày càng phát triển.
Phúc Nguyên