• Thời sự - Chính trị
    • Xây dựng Đảng
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao - Du lịch
  • Pháp luật & Đời sống
    • An toàn giao thông
  • Đất & Người Kon Tum
  • Tòa soạn & Bạn đọc
    • Nhịp cầu bạn đọc
Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình tặng cờ Tổ quốc tại huyện Ngọc Hồi    Chương trình cà phê doanh nghiệp, doanh nhân tháng 3    Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu làm rõ nguyên nhân vụ cháy rừng trồng tại xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy    UBND tỉnh Kon Tum tiếp, làm việc với Đoàn Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ    Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang thăm, chúc mừng Hội LHPN tỉnh nhân dịp 8/3   

Ghi chép - Phóng sự

Về Lung Leng nghe chuyện… thuyền độc mộc

16/02/2017 18:06

​Với người dân làng Lung Leng, xã Sa Bình, huyện Sa Thầy, thuyền độc mộc không chỉ là phương tiện giúp người dân đánh bắt cá, mà còn là người bạn thân, cùng các vận động viên trong làng đem về nhiều giải cao trong những ngày hội đua thuyền.

Rinh giải lớn

Đầu xuân, được đến xem ngày hội đua thuyền mùa xuân lần thứ nhất của huyện Sa Thầy, chúng tôi mới thấy được niềm vui, niềm hân hoan của bà con nơi đây. Dưới làn nước của dòng Pô Kô trong xanh, các vận động viên nỗ lực, khỏe khoắn đưa những con thuyền độc mộc chinh phục khoảng cách.

Đứng ken kịt hai bên thành cầu Kroong để xem các đội thi đấu, ai nấy đều ấn tượng trước phần trình diễn của các vận động viên đội thuyền độc mộc xã Sa Bình. Không ngạc nhiên sao được khi các chàng trai dù không cao to, cường tráng nhưng đã xuất sắc “rinh” hết tất cả các giải nhất, nhì ở các nội dung thi đấu.  

“Đâu chỉ riêng giải này đâu cô, trước đó, ngày Mùng 4 Tết vừa rồi tham gia giải đua thuyền độc mộc do Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức, đội chúng tôi cũng giành giải Nhất. Mà không chỉ năm này đâu, năm nào cũng vậy, đội chúng tôi luôn dành giải Nhất toàn đoàn đấy” – anh A Lưới - đội trưởng đội đua thuyền ở xã Sa Bình phấn khởi khoe.

Nói là xã Sa Bình nhưng từ trước đến nay, các vận động viên đều được chọn ở làng Lung Leng bởi nơi đây có đến 70% đàn ông biết chèo thuyền độc mộc. Không rình rang, cứ đến gần ngày thi đấu, bà con trong làng lại tập luyện rồi chọn những người dày dạn kinh nghiệm, nắm chắc kĩ thuật để tham gia thi đấu.

70% đàn ông, thanh niên trong làng biết chèo thuyền độc mộc. Ảnh: H.T

 

Biết chèo thuyền độc mộc từ năm 15 tuổi, anh A Lưới đã trở thành vận động viên kì cựu trong các giải đua thuyền. Anh bảo rằng, chèo thuyền độc mộc cần có kĩ thuật, nhất là người chèo sức khỏe phải dẻo dai. “Khi tham gia thi đấu, chúng tôi thường đóng vào mạn thuyền 2 tấm ván. Một tấm phía sau để tựa lưng và một tấm phía trước để đẩy chân tạo đà. Đà xuất phát rất quan trọng, nếu mất đà không dễ dàng để chiến thắng” – anh A Lưới nói.

Còn anh A Tuân - một trong những vận động viên nổi tiếng với giải Nhất cá nhân ở các cự ly lại vui vẻ bảo rằng, chèo thuyền độc mộc nhìn thì dễ nhưng lại rất khó. Giữa dòng nước, nếu không có kĩ thuật chèo và giữ thăng bằng, chiếc thuyền rất dễ bị lật úp. “Người chèo thuyền phải biết chia sức cho hợp lý. Nếu giai đoạn đầu dùng quá nhiều sức, người chèo rất dễ bị đuối” – anh Tuân cho hay.

Ngoài thi cá nhân, ở cự ly 1.000m, 1.500m thường tổ chức đua theo cặp đôi. Khi thi đấu đôi, ngoài yếu tố về kĩ thuật, giữa hai vận động viên phải hiểu ý nhau và thật sự đoàn kết. “Người trước sẽ dùng tay chèo để lái cho thuyền đi đúng hướng và người sau dùng cây sào để đẩy thuyền đi nhanh hơn. Giữa hai người phải phối hợp nhịp nhàng, nếu không rất dễ bị lật thuyền” – anh A Lưới nói.

Có lẽ vì được chuẩn bị kĩ càng, tinh thần đoàn kết và ý chí quyết tâm cao nên từ trước đến nay, bất kể giải đua thuyền nào trong tỉnh, các vận động viên ở làng Lung Leng đều đạt giải cao.

Các vận động viên ở làng Lung Leng rinh giải về cho xã Sa Bình. Ảnh: H.T

 

Vơi nỗi lo mai một

Từ hội đua thuyền, chúng tôi tìm đến cùng chia vui với bà con ở làng Lung Leng.

Làng Lung Leng như một “ốc đảo” nhỏ được lòng hồ thủy điện Plei Krông bao quanh. Ở đây, ngoài làm mỳ, trồng cây công nghiệp, sáng nào đàn ông trong làng cũng chèo thuyền độc mộc đi đánh bắt cá.

Chiếc thuyền nhỏ đưa bà con ra giữa dòng, quăng chài, lưới, bắt được những con cá tươi để cải thiện đời sống gia đình. Có lẽ vì thế mà năm tháng đi qua, nhiều phương tiện hiện đại ra đời nhưng ở làng Lung Leng, những chiếc thuyền độc mộc vẫn hiện hữu, là người bạn thân của người dân nơi đây.  “Ở làng bây giờ có 60 chiếc thuyền độc mộc. Bà con quý thuyền lắm nên phải thân thiết mới cho mượn” – anh A Dứt, người trong làng cho hay.

Sở dĩ đến nay trong làng vẫn còn nhiều thuyền vậy, ngoài việc giữ gìn, một phần cũng nhờ có nghệ nhân A Nhơ – một trong những nghệ nhân nổi tiếng trong việc làm thuyền độc mộc. Gặp chúng tôi, ông Nhơ tay bắt mặt mừng phấn khởi: Tất cả các thuyền trong làng, các thuyền được chọn đi thi đều có bàn tay của già hết đấy.

Từ trước đến nay, ông A Nhơ vẫn thường xuyên giúp người dân trong làng làm thuyền độc mộc. Ông bảo rằng, thuyền độc mộc thường dài từ 5-7m. Với thuyền đi đánh cá hàng ngày, chiều rộng tầm 50cm. “Khi tham gia đua thuyền, mình sẽ giúp bà con chọn những chiếc thuyền có chiều rộng hẹp hơn và mỏng hơn. Như vậy chiếc thuyền sẽ lướt nhanh hơn”- ông A Nhơ bộc bạch.

Mấy chục năm làm thuyền độc mộc, ông A Nhơ bảo rằng, cây pô ma và bằng lăng là 2 loại cây làm thuyền bền nhất. Khi làm bằng cây này, gỗ sẽ không bị nứt, rất nhẹ, nổi trên mặt nước mà không bị chìm. Chính vì chất lượng nên 1 chiếc thuyền độc mộc có tuổi thọ từ 5-10 năm, có chiếc “thọ” đến 20-30 năm.

Ngoài ông A Nhơ, trong làng Lung Leng, nhiều đàn ông và thanh niên trai tráng cũng biết làm thuyền độc mộc. Như anh A Lưới hay anh A Dứt, khi có dịp, các anh vẫn đục đẽo thuyền. “Mình chưa làm thành thạo nên trong quá trình làm, có gì không hiểu, ông A Nhơ lại hướng dẫn ” – anh Dứt chia sẻ.

Còn với anh A Tuân, chiếc thuyền độc mộc mỗi ngày gia đình anh đi đánh cá là do chính tay anh làm. “Làm thuyền độc mộc khó lắm nhưng để giữ truyền thống, mình đã học. Giờ thì mình làm khá thành thạo rồi” – anh Tuân cho hay.

Nếu như ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số đang chòng chành nỗi lo mai một thuyền độc mộc thì ở làng Lung Leng, nỗi lo ấy dường như đã vơi bớt phần nào. Ngoài khó khăn về nguyên liệu thì ở đây vẫn còn những người thợ, người truyền lửa làm thuyền như nghệ nhân A Nhơ và có những người trẻ hướng về truyền thống như A Dứt, A Lưới, A Tuân.

Và đặc biệt, xã Sa Bình cũng rất quan tâm đến việc lưu giữ thuyền độc mộc cũng như phát huy những đặc trưng văn hóa của thuyền độc mộc. “Chúng tôi luôn khuyến khích người dân giữ gìn các chiếc thuyền độc mộc. Trong thời gian đến, chúng tôi sẽ có ý kiến xin Phòng Văn hóa thông tin huyện làm cho 2 chiếc thuyền độc mộc để tham gia trong các hội thi”  - ông Nguyễn Hữu Cầu, cán bộ văn hóa thông tin xã Sa Bình cho hay.

Đầu năm, về làng Lung Leng, chúng tôi thật sự khấp khởi trong lòng. Cô bạn cứ bảo, có dịp, hãy cho cô về Sa Bình để được xem các vận động viên ở làng Lung Leng “chinh phục” dòng nước.

Hoài Tiến

   

Các tin khác

  • Đam mê với sản phẩm OCOP
  • Chùm ảnh: Người Gia Rai gìn giữ nghề dệt truyền thống
  • Trồng dâu tây trên đỉnh Đăk Chum I
  • Chùm ảnh: Phụ nữ Ba Na bên sông Đăk Bla
  • Người Xơ Đăng đồng lòng bảo vệ “Quốc bảo”
  • Người làm thuyền composite ở Lung Leng
  • Chắp cánh ước mơ cho thế hệ tương lai
  • Chùm ảnh: Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày thành lập tỉnh Kon Tum
  • Chùm ảnh: Lung linh phố đêm Kon Tum
  • Chùm ảnh: Sôi nổi đua thuyền độc mộc truyền thống trên sông Đăk Bla
Gửi bình luận của bạn
   
Đang xử lý

Tin Mới Nhất

  • Nâng cao chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn về 2 lĩnh vực Tòa án và Kiểm sát
  • Hạnh phúc là gì?
  • Công bố Quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác cán bộ
  • Lễ chuyển giao và tiếp nhận tổ chức đảng, đảng viên Đảng bộ BIDV - Chi nhánh Kon Tum
  • Cần xử lý tình trạng vứt rác bừa bãi trên Quốc lộ 14
  • Hạnh phúc ở đâu?
  • Lắng nghe và đồng hành
  • Đôi điều suy nghĩ nhân Ngày Quốc tế hạnh phúc

Chùm ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Ghi chép - Phóng sự

  • Đam mê với sản phẩm OCOP
  • Chùm ảnh: Người Gia Rai gìn giữ nghề dệt truyền thống
  • Trồng dâu tây trên đỉnh Đăk Chum I
  • Chùm ảnh: Phụ nữ Ba Na bên sông Đăk Bla

Đất & Người Kon Tum

  • Nghệ nhân nặng lòng với văn hóa dân gian
  • Người dân thôn Kon Sờ Lạc 2 (xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy) yêu quý và kính trọng nghệ nhân Y Gar (64 tuổi) bởi bà không chỉ là một người có uy tín tại địa phương mà còn rất tâm huyết trong gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Ba Na (nhánh Jơ Lâng).
  • Lớp học đàn t’rưng bên cầu Kon Klor
  • Truyền lửa đam mê nhạc cụ dân tộc
  • Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam
  • Khuyến nông - Khuyến lâm
Thông tin cần biết
  • Tỉ giá
  • Chứng khoán
  • Giá vàng
  • Kết quả xổ số
  • Thời tiết
  • Lịch cúp điện
  • Lao động việc làm
  • Thời sự - Chính trị
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao - Du lịch
  • Pháp luật & Đời sống
  • Đất & Người Kon Tum
  • Tòa soạn & Bạn đọc
Báo Kon Tum điện tử
• Tổng Biên tập: Nguyễn Mạnh Hồng
• Phó tổng Biên tập: Phạm Minh Bảo, Nguyễn Thị Liễu Hạnh
• Tòa soạn: 281 Thi Sách, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum
• Điện thoại: 0260 3862531; Email: toasoanbaokontum@gmail.com
• Giấy phép số: 460/GP-BTTTT, do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 06/9/2022
Liên hệ tòa soạn
Thông báo bảng giá quảng cáo mới
Developed by