Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan làm việc với tỉnh về tình hình phát triển nông, lâm nghiệp
Sáng 7/2, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) do đồng chí Lê Minh Hoan- Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT làm Trưởng đoàn tiến hành làm việc với tỉnh ta về tình hình phát triển nông, lâm nghiệp và nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, dược liệu trên địa bàn.
|
Làm việc với Đoàn công tác có các đồng chí: Dương Văn Trang- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Ngọc Tuấn- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Hữu Tháp - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành có liên quan của tỉnh và một số huyện, thành phố.
Tại buổi làm việc, UBND tỉnh Kon Tum tiến hành báo cáo với Đoàn công tác về kết quả phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản và nông thôn trên địa bàn tỉnh trong năm 2022.
Theo đó, mặc dù năm 2022 ngành Nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự chủ động trong việc xây dựng kế hoạch sản xuất, triển khai các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, sáng tạo, vượt qua khó khăn, sản xuất nông nghiệp của tỉnh ta vẫn đạt được mục tiêu đề ra. Tổng giá trị sản phẩm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh đạt 3.750,46 tỷ đồng, tăng 6,19% so với năm 2021, đóng góp 1,36 điểm phần trăm trong mức tăng trưởng chung của cả tỉnh.
Nhiều diện tích cây trồng chính thực hiện vượt kế hoạch đề ra như: Cao su đạt 77.491,9 ha, vượt 02% kế hoạch; cây ăn quả đạt 9.423,23 ha, vượt 0,51% kế hoạch; mắc ca đạt 2.326,7 ha, vượt 6,5% kế hoạch; diện tích sâm Ngọc Linh ước đạt 1.749,59 ha, vượt 0,5% kế hoạch; diện tích dược liệu khác 5.119,63 ha, vượt 9,8% kế hoạch; trồng mới hơn 5.261 ha rừng, vượt 16,91% kế hoạch… Toàn tỉnh có 41 xã đạt chuẩn 19/19 tiêu chí (trong đó có 36 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM); có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiếp tục được phát triển trên diện rộng, ứng dụng rộng rãi cơ giới hóa, chuyển đối số trong sản xuất. Đến nay, tỉnh có 2 vùng nông nghiệp và 2 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao được công nhận; có khoảng 16.193 ha cây trồng sản xuất ứng dụng tiên bộ khoa học công nghệ; có 800 ha sản xuất hữu cơ và sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm an toàn, 157 sản phẩm OCOP. Đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 1 Liên hiệp hợp tác xã và 165 hợp tác xã nông nghiệp, tăng 39 hợp tác xã, đạt 139% so với mục tiêu kế hoạch năm 2022.
Năm 2023, tỉnh ta đặt chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP của ngành nông nghiệp đạt từ 6,4% trở lên; cơ cấu ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt từ 19 đến 20%; diện tích lúa đạt 22.648 ha, bắp đạt 5.035 ha, mì đạt 38.009 ha…; trồng mới 1.100 ha cây ăn quả, 1.000 ha cây mắc ca, 500 ha sâm Ngọc Linh, 900 ha cây dược liệu…
Tại buổi làm việc, UBND tỉnh kiến nghị với Bộ NN&PTNT ủng hộ và sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh; có hướng dẫn cụ thể trình tự, thủ tục, pháp lý về hồ sơ chuyên mục đích sử dụng rừng trong dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ để các địa phương triển khai thực hiện; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch lâm nghiệp Quốc gia để các địa phương có cơ sở tổ chức thực hiện đảm bảo theo quy định. Đồng thời UBND tỉnh kiến nghị các nhóm vấn đề về thuê rừng, thuê môi trường rừng và chính sách hỗ trợ phát triển lâm nghiệp.
|
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang mong muốn Bộ NN&PTNT chia sẻ với những khó khăn trong việc trồng lại rừng, tiếp tục kiến nghị Chính phủ xem xét phân loại lại rừng để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vùng sâu vùng xa có đất sản xuất, có cơ chế, chính sách để người dân được hưởng lợi từ rừng đặc dụng. Bộ NN&PTNT nghiên cứu chính sách hỗ trợ cho người dân phát triển cây trồng dưới tán rừng; quan tâm hỗ trợ tỉnh Kon Tum trong kêu gọi thu hút đầu tư, nhất là kêu gọi doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến gỗ, chế biến dược liệu, du lịch…
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của tỉnh Kon Tum, đồng thời đề nghị các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT và tỉnh phối hợp trong việc xem xét, giải quyết nhanh các vấn đề trong khả năng cho phép.
Đồng chí Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đề nghị tỉnh Kon Tum xác định và phát huy tốt thế mạnh hiện có trong lĩnh vực nông lâm nghiệp; có giải pháp nhằm tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho cộng đồng quản lý rừng; nghiên cứu, phát triển các mô hình sản xuất phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương; mở rộng diện tích và nâng cao giá trị kinh tế của các loại cây dược liệu, đặc biệt là cây sâm Ngọc Linh; chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của tỉnh; tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng người nông dân chuyên nghiệp, nông thôn bản sắc theo đúng tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Bộ Chính trị về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tỉnh Kon Tum cần xác định tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để Bộ NN&PTNT đứng ra làm cầu nối, kết nối với các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đến tìm hiểu vùng nguyên liệu, đầu tư các nhà máy chế biến nông sản, dược liệu.
Thùy Hương