Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận về Dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự
Chiều 9/6, Đoàn ĐBQH tỉnh cùng Đoàn ĐBQH tỉnhThanh Hóa và tỉnh Tiền Giang thảo luận tại tổ về Dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum có 2 lượt phát biểu của Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phạm Đình Thanh và đại biểu Trần Thị Thu Phước với 7 ý kiến tham gia.
|
Phát biểu tại thảo luận tổ, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phạm Đình Thanh thống nhất việc xây dựng, ban hành Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự để thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong việc xây dựng, vận hành nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân.
|
Về nội dung Dự thảo luật, đại biểu Phạm Đình Thanh có 3 ý kiến tham gia:
Một là, về phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự (dự kiến quy định tại Điều 5 dự thảo Luật), theo đại biểu, việc phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự ngoài mục đích quản lý đối với từng loại, từng nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự, quy định của Luật cũng nên hướng đến việc phân loại nhằm phục vụ tốt cho công tác thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng. Vì vậy, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, xem xét chỉnh lý việc phân loại, nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự tại Điều 5 Dự thảo luật theo hướng tương thích cao với các trường hợp thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng được quy định tại Luật Đất đai năm 2013 và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi, bổ sung) để thuận lợi cho việc thu hồi đất sử dụng vào mục đích quốc phòng theo yêu cầu nhiệm vụ của từng giai đoạn và tình hình, điều kiện thực tế.
Hai là, về áp dụng pháp luật (quy định tại Điều 7 của dự thảo Luật) là chưa rõ, chưa phù hợp với quy định tại khoản 2, Điều 12 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo đại biểu Phạm Đình Thanh, yêu cầu về kỹ thuật xây dựng pháp luật, nội dung các quy định phải rõ ràng, rành mạch; riêng việc xây dựng pháp luật để điều chỉnh các hoạt động liên quan đến công tác quân sự quốc phòng, thì ngoài yêu cầu rõ ràng, rành mạch các quy định cần thể hiện rõ sự "dứt khoát" phải thực hiện. Do đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, áp dụng nội dung khoản 2, Điều 12 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quy định việc bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung văn bản, phần, chương, mục... trong các văn bản đã ban hành trái với quy định của luật này, hoặc xác định cụ thể nội dung phải thực hiện theo quy định của Luật này mà không thực hiện theo quy định của luật khác.
Ba là, tại điểm a, khoản 3, Điều 11 về thẩm quyền chuyển đổi mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự, dự kiến quy định: “Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự sang mục đích khác đối với các trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản 2, Điều này, bao gồm cả chuyển đổi mục đích sử dụng đất quốc phòng”, đại biểu Phạm Đình Thanh cho rằng việc quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định việc chuyển đối mục đích sử dụng đất quốc phòng là chưa tương thích với quy định tại Điều 59 Luật Đất đai năm 2013 và nội dung dự kiến quy định tại Luật Đất đai (sửa đổi). Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cần xem xét nội dung này để có quy định phù hợp, khả thi.
Cũng liên quan đến lĩnh vực quân sự, quốc phòng, đại biểu Phạm Đình Thanh đề nghị Chính phủ chỉ đạo chuẩn bị và sớm trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam để đảm bảo về chính sách, quyền lợi đối với sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi để lực lượng này hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
|
Đại biểu Trần Thị Thu Phước cho rằng Dự thảo Luật này cần làm rõ tính khả thi quy định về xử lý công trình, vật kiến trúc và việc sử dụng đất, mặt nước trong phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Trong đó, cần quy định rõ lộ trình giải quyết những vấn đề phát sinh sau khi Luật này có hiệu lực thi hành; cần ưu tiên giải quyết các công trình ảnh hưởng đến các công trình quốc phòng và khu quân sự, những công trình có giá trị lịch sử hoặc những công trình đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc giấy phép xây dựng theo luật định, những công trình có tác động đến cuộc sống của người dân. Đồng thời, có biện pháp hỗ trợ, khuyến khích và tạo điều kiện cho các cơ quan, các tổ chức, hộ gia đình cá nhân thực hiện việc xử lý công trình, vật kiến trúc, quản lý đất, mặt nước trong phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Tại khoản 2, Điều 20 của Dự thảo Luật này quy định lực lượng bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự thuộc Bộ Quốc phòng có nhiều quyền hạn, như: Tạm giữ người, đồ vật; tạm đình chỉ hoặc đình chỉ việc sử dụng phương tiện thông tin liên lạc, tạm cấm đường; đặc biệt là “Áp dụng các biện pháp bảo vệ cần thiết khác ...”, đây là những quyền hạn liên quan mật thiết đến quyền con người, quyền công dân. Vì vậy, đại biểu Trần Thị Thu Phước đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát lại những căn cứ để quy định các quyền hạn trên.
Tài Lương