Hội nghị toàn quốc tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội
Chiều 6/3, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị.
|
Dự Hội nghị có các Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc, Trần Hồng Hà; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, các chuyên gia, Hiệp hội Bất động sản, ngân hàng, doanh nghiệp bất động sản lớn trên cả nước.
Tại đầu cầu của tỉnh có đồng chí Nguyễn Ngọc Sâm- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện lãnh đạo một số sở, ngành.
Thời gian qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển và đầu tư xây dựng nhà ở xã hội luôn được Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương quan tâm.
Đến nay, trên địa bàn cả nước có 10 địa phương đã đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội hàng năm và 5 năm của địa phương.
Triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021- 2030”, cả nước đã có 30 địa phương ban hành kế hoạch triển khai Đề án.
Trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn cả nước có 655 dự án nhà ở xã hội được triển khai với quy mô 593.428 căn. Trong đó, có 103 dự án hoàn thành với quy mô 66.755 căn; 137 dự án đã khởi công xây dựng với quy mô 114.618 căn; 415 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô 412.055 căn.
Về triển khai nguồn vốn tín dụng 120.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà ở các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, đến thời điểm hiện tại, đã có 37/63 UBND tỉnh gửi văn bản hoặc công bố trên cổng thông tin điện tử về danh mục dự án tham gia Chương trình với tổng số 90 dự án, tổng số tiền giải ngân là 2.845 tỷ đồng.
Mặc dù đã đạt một số kết quả quan trọng, tuy nhiên việc phát triển nhà ở xã hội vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Nhiều địa phương chưa quan tâm đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội hàng năm và 5 năm của địa phương; chưa quyết tâm, chủ động trong việc phát triển nhà ở xã hội; việc quy hoạch bố trí quỹ đất làm nhà ở xã hội tại một số địa phương chưa phù hợp; việc thực hiện quy trình, thủ tục hành chính đối với dự án nhà ở xã hội vẫn còn phức tạp.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị, các bộ, ngành, địa phương, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, quyết liệt chỉ đạo triển khai chương trình phát triển nhà ở xã hội.
Trong tháng 3/2025, Bộ Xây dựng chủ trì rà soát lại thể chế, quy trình, thủ tục, đề xuất các giải pháp giải quyết trên tinh thần rõ người, rõ việc, rõ tiến độ; chú ý cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Đồng thời, tăng cường huy động các nguồn lực, mở rộng các chương trình cho vay phát triển nhà ở xã hội.
Các địa phương phải xác định đầu tư phát triển nhà ở xã hội là động lực phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, phải huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Trước hết, triển khai ngay quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch phát triển nhà ở xã hội, chậm nhất trong quý II/2025. Quan tâm tháo gỡ khó khăn về mặt bằng, chủ động giao đất cho nhà đầu tư, xử lý dứt điểm những vướng mắc liên quan đến thủ tục đất đai.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lưu ý, các cơ quan, đơn vị triển khai xây dựng nhà ở xã hội phải đảm bảo các tiêu chuẩn, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, hạ tầng kỹ thuật phải đồng bộ, thuận lợi, chống được tiêu cực, tham nhũng trong thực hiện. Phát động cuộc thi thiết kế nhà ở xã hội trên toàn quốc, tìm ra thiết kế điển hình để có thể triển khai nhân rộng. Bên cạnh đó, các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền, mở thêm các chuyên mục, chương trình về nhà ở xã hội để tạo chuyển biến trong nhận thức, hành động của cả xã hội; các doanh nghiệp khi được giao thực hiện dự án nhà ở xã hội phải nêu cao trách nhiệm, đảm bảo thời gian, tiến độ thực hiện.
Thùy Hương