Kỳ họp chuyên đề HĐND tỉnh: Quyết định nhiều chủ trương quan trọng về kinh tế-xã hội
Sáng 23/6, HĐND tỉnh khóa XII (nhiệm kỳ 2021-2026) tổ chức Kỳ họp chuyên đề để thảo luận, thống nhất cho chủ trương triển khai thực hiện một số chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong những năm tới.
|
|
Tham dự Kỳ họp có các đồng chí: Dương Văn Trang- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; A Pớt- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Lê Ngọc Tuấn- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; U Huấn- Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; các đồng chí Thường trực HĐND-UBND- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành và lãnh đạo các huyện, thành phố.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Văn Trang phát biểu khai mạc và bế mạc Kỳ họp.
Tại Kỳ họp, thay mặt UBND tỉnh, đồng chí Nguyễn Ngọc Sâm- Phó Chủ tịch UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, thảo luận, cho ý kiến đối với 9 nội dung tờ trình về các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội. Lãnh đạo Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh báo cáo thẩm tra các tờ trình do UBND tỉnh trình.
|
|
HĐND tỉnh đã tập trung thảo luận, xem xét kỹ lưỡng, thống nhất biểu quyết thông qua 9 nghị quyết chuyên đề để cụ thể hóa các quy định, chủ trương của Trung ương, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và xử lý những vấn đề phát sinh từ thực tiễn quản lý, điều hành, tạo cơ sở pháp lý để chính quyền các cấp triển khai thực hiện nhiệm vụ được đồng bộ, thống nhất, kịp thời.
Đó là các nghị quyết: Nghị quyết Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết ban hành Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước cho các ngành, các cấp và tỷ lệ vốn đối ứng của địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết ban hành Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước trung hạn và hằng năm cho các ngành, các cấp của địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: 2021-2025 trên địa bàn; Nghị quyết về kế hoạch vốn đầu tư phát triển thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết về giao dự toán ngân sách trung ương năm 2022 thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; Nghị quyết về phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây mới, cải tạo, nâng cấp, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị và nâng cao năng lực tuyến đầu cơ sở trợ giúp xã hội (cơ sở I, II) tỉnh Kon Tum; Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án sửa chữa, nâng cấp hồ chứa nước (Đắk Chà Mòn I, Đắk Pret, Kon Tu, Đắk Loh); Nghị quyết về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết về phân bổ kế hoạch năm 2022 từ nguồn thu tiền sử dụng đất năm 2021 chưa phân bổ.
|
Phát biểu bế mạc Kỳ họp, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Văn Trang khẳng định: Các nghị quyết mà HĐND tỉnh thông qua, nhất là các nghị quyết liên quan đến Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; Chương trình xây dựng nông thôn mới và kế hoạch vốn đầu tư phát triển thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 đã trao cho các huyện, thành phố và các sở, ngành với số vốn trên 2.752 tỷ đồng. Đây là nguồn lực rất lớn và rất quan trọng cho tỉnh và các huyện, thành phố để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra. Đồng thời, cũng đặt ra yếu cầu rất cao cho các ngành, các địa phương tronng việc chuẩn bị và tổ chức triển khai thực hiện các chương trình này từ nay đến hết năm 2025.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh, để phát huy cao nhất hiệu quả nguồn lực quan trọng này, ngay sau kỳ họp, đề nghị UBND tỉnh khẩn trương chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương có giải pháp, biện pháp thật cụ thể, quyết liệt, gắn với phân công trách nhiệm rõ ràng cho từng tổ chức, người đứng đầu; có cơ chế kiểm tra, giám sát thường xuyên, định kỳ, bảo đảm phát hiện và xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc để nguồn vốn được bố trí cho từng dự án, chương trình được thực hiện đúng mục đích, đạt yêu cầu, tiến độ đã xác định.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu, trong quá trình tổ chức thực hiện, cần quan tâm lựa chọn đầu tư đúng, trúng các dự án, công trình thật sự trọng tâm, trọng điểm; đồng thời lồng ghép chặt chẽ các dự án của 3 chương trình này với các chương trình, dự án khác trên cùng một địa bàn để phát huy cao nhất hiệu quả sử dụng vốn, góp phần tháo gỡ được điểm nghẽn ở từng địa phương và tạo ra xung lực mới để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa và thực hiện tốt hơn mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Quang Định