Phiên họp thứ nhất Tổ công tác cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ
Sáng 8/9, tại Thủ đô Hà Nội, Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Thủ tướng Chính phủ (viết tắt là Tổ công tác) họp Phiên thứ nhất bằng hình thức trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Lưu Quang- Phó Thủ tướng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác.
|
Dự họp tại điểm cầu tỉnh Kon Tum có đồng chí Nguyễn Ngọc Sâm- Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh.
Tại Phiên họp, đại diện Văn phòng Chính phủ công bố Quyết định số 932/QĐ-TTg, ngày 6/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc thành lập Tổ công tác, theo đó phân công Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang giữ chức vụ Tổ trưởng Tổ công tác. Đồng thời, triển khai nhiệm vụ trọng tâm cải cách TTHC cần tập trung trong những tháng cuối năm 2023.
Tổ công tác là tổ chức phối hợp liên ngành, thực hiện chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về cải cách TTHC, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao năng lực phản ứng chính sách.
Nhiệm vụ của Tổ công tác là giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về cải cách TTHC tại các bộ, ngành, địa phương theo các văn bản, chương trình, kế hoạch, đề án được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Nhiệm vụ trọng tâm các tháng cuối năm 2023 của Tổ công tác là tập trung thực hiện tốt việc đánh giá tác động, thẩm định TTHC tại đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm các TTHC được quy định đúng thẩm quyền, cần thiết, hợp lý. Công bố, công khai kịp thời, đầy đủ, chính xác các TTHC trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC để đội ngũ cán bộ, công chức và người dân, doanh nghiệp biết, thực hiện và giám sát việc thực hiện. Định kỳ hàng tháng, thống kê đầy đủ những TTHC được ban hành mới, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ để kiểm soát chặt chẽ việc ban hành và thực hiện TTHC.
Các bộ, ngành, địa phương trong cả nước tổ chức rà soát, làm sạch toàn bộ TTHC thuộc phạm vi quản lý đã được công bố, công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC, bảo đảm chính xác, đầy đủ, kịp thời, đúng quy định. Đồng thời, thực hiện việc rà soát, tái cấu trúc quy trình TTHC cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh để cắt giảm các thông tin phải khai báo khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đối với các phương án vượt thẩm quyền; bảo đảm mục tiêu cắt giảm ít nhất 20% thông tin phải khai báo.
Tổ chức thực hiện nghiêm việc tiếp nhận, xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về quy định TTHC. Tổ chức kiểm tra, xác minh, làm rõ hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn trong giải quyết TTHC theo phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng và của người dân, doanh nghiệp qua các kênh thông tin khác nhau. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Kịp thời chấn chỉnh việc giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền của bộ, cơ quan, địa phương. Trước mắt, các bộ, cơ quan ngang bộ tập trung xử lý dứt điểm 342 phản ánh, kiến nghị tại mục IX, Nghị quyết số 97/NQ-CP, ngày 8/7/2023 của Chính phủ.
Định kỳ hàng tháng, công khai kết quả đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp theo Quyết định số 766/QĐ-TTg, ngày 23/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh và Cổng thông tin điện tử của bộ, cơ quan, địa phương để tổ chức, cá nhân theo dõi, giám sát.
Kết luận Phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ghi nhận, biểu dương kết quả đạt được của các bộ, ngành, địa phương trong công tác cải cách TTHC thời gian qua. Đồng thời, đề nghị trong thời gian tới, các thành viên Tổ công tác bám sát quy chế hoạt động, các nhiệm vụ trọng tâm đề ra để triển khai thực hiện nhiệm vụ cụ thể được giao. Đẩy mạnh phân cấp mạnh mẽ hơn nữa, thực hiện chuyển đổi số, áp dụng công nghệ thông tin, tập trung rà soát, cắt giảm TTHC để tạo điều kiện hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân.
Trần Văn Phúc