Quốc hội thảo luận Tổ các Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức VKSND và Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi)
Tiếp tục chương trình kỳ họp, chiều 8/5, các ĐBQH tỉnh Kon Tum tiếp tục thảo luận tại Tổ ĐBQH đối với 3 Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).
|
Đồng chí U Huấn - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum chủ trì phiên thảo luận.
Tại Phiên làm việc này, các ĐBQH Trần Thị Thu Phước và Tô Văn Tám đã phát biểu ý kiến tham gia xây dựng luật.
Đại biểu Trần Thị Thu Phước thống nhất cao với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân nhằm tiếp tục thể chế hóa các chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp, xây dựng hệ thống Tòa án tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đồng thời, tham gia 3 ý kiến đối với dự án luật.
Thứ nhất, về việc tái cấu trúc căn bản hệ thống tổ chức Tòa án nhân dân theo mô hình 3 cấp. Theo đại biểu, đây là một bước đột phá, phù hợp với chủ trương tinh gọn bộ máy và nâng cao chất lượng xét xử. Việc không tổ chức Tòa án nhân dân cấp cao và Tòa án nhân dân cấp huyện, thay vào đó là Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân khu vực, sẽ giúp cho tổ chức bộ máy Tòa án được tinh gọn hơn, xác định rõ hơn về chức năng, nhiệm vụ của từng cấp Tòa án, khắc phục sự chồng chéo, rút ngắn quy trình tố tụng, từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống Tòa án các cấp.
Thứ hai, đại biểu Trần Thị Thu Phước đánh giá cao việc thành lập và xác định vai trò của Tòa án nhân dân khu vực. Đây không chỉ là sự thay đổi tên gọi từ Tòa án cấp huyện mà là sự cơ cấu lại toàn diện, với thẩm quyền được mở rộng và đặc biệt là chủ trương thành lập các Tòa chuyên trách như Tòa Phá sản, Tòa Sở hữu trí tuệ tại một số Tòa án nhân dân khu vực có điều kiện... Đồng thời, việc tổ chức Tòa án nhân dân khu vực cần được tính toán kỹ lưỡng, khoa học về phạm vi địa giới hành chính để đảm bảo phù hợp với điều kiện từng địa phương và số lượng biên chế của Tòa án nhân dân từng khu vực.
Thứ ba, để những đổi mới căn bản này đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, đại biểu Trần Thị Thu Phước đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan đặc biệt quan tâm đến việc bảo đảm nguồn lực và các điều kiện thi hành Luật. Các quy định chuyển tiếp trong Dự thảo Luật cần được hướng dẫn chi tiết, cụ thể để quá trình chuyển giao nhiệm vụ, quyền hạn giữa các Tòa án diễn ra thông suốt, không gây xáo trộn hay ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
|
Bên cạnh đó, việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ Thẩm phán, cán bộ Tòa án đáp ứng yêu cầu của mô hình mới; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại cho các Tòa án, nhất là Tòa án nhân dân khu vực, là yếu tố rất quan trọng quyết định sự thành công của Dự án Luật này.
Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, theo đại biểu Trần Thị Thu Phước việc xây dựng Dự thảo Luật dựa trên các căn cứ chính trị, pháp lý quan trọng như Nghị quyết số 18-NQ/TW, các Kết luận số 126-KL/TW, 127-KL/TW, 136-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Nghị quyết số 60-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII là hoàn toàn phù hợp, đặt ra yêu cầu khách quan về việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống Viện kiểm sát nhân dân theo mô hình 3 cấp (Tối cao, cấp tỉnh, khu vực) nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Đại biểu thống nhất với những nội dung đã được trình bày trong Tờ trình và Dự thảo.
Tuy nhiên, để Luật khi được ban hành đạt hiệu quả cao nhất, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu thực tiễn, đề nghị cần xem xét, làm rõ thêm một số nội dung:
Thứ nhất, mục tiêu sắp xếp lại hệ thống Viện kiểm sát theo mô hình 3 cấp, bãi bỏ Viện kiểm sát nhân dân cấp cao và Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, là một chủ trương lớn. Điều này tất yếu sẽ dẫn đến những thay đổi trong mối quan hệ tố tụng và các quy định liên quan. Do đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiến hành rà soát, đánh giá toàn diện để xác định cụ thể những quy định nào trong các văn bản pháp luật khác có liên quan sẽ phát sinh mâu thuẫn, chồng chéo hoặc tạo ra khoảng trống pháp lý sau khi Luật này được ban hành, từ đó, khẩn trương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản này một cách đồng bộ.
Thứ hai, việc tái cấu trúc tổ chức bộ máy với quy mô lớn như dự kiến chắc chắn sẽ phát sinh những khó khăn, vướng mắc trong giai đoạn đầu triển khai. Do đó, cần phân tích, dự báo cụ thể hơn một số khó khăn, thách thức tiềm ẩn như: Việc chuyển giao nhiệm vụ, quyền hạn, hồ sơ, tài liệu; những xáo trộn về cơ cấu tổ chức, biên chế, tâm tư của đội ngũ cán bộ, công chức; nguy cơ quá tải công việc tại một số đơn vị mới được hình thành hoặc được giao thêm nhiệm vụ. Đồng thời, cần đề xuất những giải pháp mang tính định hướng để chủ động khắc phục những khó khăn này.
Đại biểu Tô Văn Tám đã phát biểu tham gia 3 ý kiến đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân về sự cần thiết; cần làm rõ từ “cấp trên” trong đoạn “Quyết định giải quyết khiếu nại của Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên là quyết định có hiệu lực pháp luật”; vấn đề bổ nhiệm Kiểm sát viên trong trường hợp đặc biệt;...
Phát biểu kết thúc Phiên thảo luận, đồng chí U Huấn đề nghị Tổ thư ký tổng hợp đầy đủ ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội gửi về Tổng Thư ký Quốc hội, Ban soạn thảo để nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện các dự án luật.
Hồ Nam