Quốc hội tiếp tục thảo luận Tổ các dự án luật, nghị quyết
Chiều 21/5, các ĐBQH tỉnh Kon Tum tiếp tục thảo luận tại Tổ16 cùng các ĐBQH các tỉnh An Giang, Hà Nam và Lai Châu đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm Viện kiểm sát nhân dân khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công;...
|
Tham dự Phiên thảo luận có đồng chí Võ Thị Ánh Xuân - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Đồng chí U Huấn - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Tổ trưởng chủ trì Phiên thảo luận.
Tại Phiên thảo luận này, ĐBQH tỉnh Tô Văn Tám và 5 ĐBQH các Đoàn khác đã phát biểu ý kiến tham gia xây dựng luật.
Đại biểu Tô Văn Tám phát biểu tham gia 3 ý kiến đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở về việc cần tiếp tục nghiên cứu để cụ thể hóa những quy định về Mặt trận trong Hiến pháp để làm rõ hơn vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận, nhất là những nhiệm vụ cụ thể của Mặt trận; Luật cần quy định rõ hơn, cụ thể hóa rõ hơn các Kết luận số 126-KL/TW ngày 14/02/2025 và Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/02/2025 của Bộ Chính trị; rà soát lại quy định dự kiến sửa đổi, bổ sung tại khoản 2, Điều 14 cho phù hợp với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), hoặc đưa nội dung này vào trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương(sửa đổi).
|
Tham gia ý kiến đối với Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm Viện kiểm sát nhân dân khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương, hoặc bảo vệ lợi ích công, theo đại biểu Tô Văn Tám tại khoản 2 Điều 13 (Thông báo và kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, trách nhiệm thực hiện việc khởi kiện) cần điều chỉnh lại từ “2. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, kiến nghị của Viện kiểm sát, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho Viện kiểm sát về việc thực hiện quyền, trách nhiệm khởi kiện” bằng quy định “2. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, kiến nghị của Viện kiểm sát, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phải thực hiện quyền, trách nhiệm khởi kiện”.
Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm không khởi kiện thì Viện kiểm sát khởi kiện, đồng thời Viện kiểm sát kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đã được kiến nghị, thông báo nhưng không khởi kiện. Quy định như vậy thì mới nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao quyền, trách nhiệm khởi kiện;...
Phát biểu kết thúc Phiên thảo luận, đồng chí U Huấn đề nghị Tổ thư ký tổng hợp đầy đủ ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội gửi về Tổng thư kí Quốc hội, Ban soạn thảo để nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện các dự án luật, nghị quyết này.
Đồng thời phát biểu tham gia 4 ý kiến đối với Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm Viện kiểm sát nhân dân khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công.
Hồ Nam