Triển khai nhiệm vụ Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn năm 2023
Chiều 10/4, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai- Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (PCTT-TKCN&PTDS) tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến với các huyện, thành phố nhằm Tổng kết công tác PCTT-TKCN năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023. Đồng chí Nguyễn Hữu Tháp- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT- TKCN&PTDS tỉnh chủ trì Hội nghị.
|
Dự Hội nghị tại đầu cầu của tỉnh có các thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS tỉnh.
Thời gian qua, công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn được UBND tỉnh thường xuyên quan tâm chỉ đạo, các ngành, địa phương chú trọng thực hiện, qua đó góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Báo cáo trình bày tại Hội nghị khẳng định, trong năm 2022, trên địa bàn tỉnh không xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước. Tuy nhiên, một số cơn bão gây ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến tỉnh và các đợt mưa lớn gây ra trên diện rộng. Qua đó đã làm 3 người chết; 157 nhà dân, 9 điểm trường, 1 cơ sở y tế, 2 trụ sở cơ quan bị hư hỏng; khoảng 569,5 ha đất sản xuất bị ảnh hưởng, 31,1 ha ao nuôi cá bị ngập; 26 công trình thủy lợi, nước sinh hoạt bị xói lở. Mưa lũ cũng làm các tuyến Quốc lộ 14, 14C, 24, 40B, đường Trường Sơn Đông; Tỉnh lộ 671, 672, 673, 674 (Mới), 675, 676, 677, đường Ngọc Hoàng- Măng Bút- Tu Mơ Rông- Ngọc Linh, đường Nam Quảng Nam và các tuyến đường liên thôn, liên xã thuộc các huyện Đăk Glei, Kon Plông, Tu Mơ Rông, Ngọc Hồi, Kon Rẫy... bị sụt ta luy dương, ta luy âm ở nhiều vị trí.
Trong năm 2022, tổng giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh ước khoảng 319,233 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, hiện tượng động đất đã xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông và một số vùng lân cận. Theo số liệu thống kê của Viện Vật lý Địa cầu từ tháng 1/2022-3/2023, trên địa bàn này đã ghi nhận trên 316 trận động đất có độ lớn từ 2,5 đến 4,7 độ richter cấp độ rủi ro thiên tai từ cấp 0 đến cấp 1.
Theo nhận định của Đài Khí tượng- Thủy văn tỉnh Kon Tum, năm 2023, tình hình thời tiết, khí hậu, thủy văn trên địa bàn tỉnh tiếp tục có những diễn biến phức tạp, thiên tai xảy ra bất thường, cực đoan, trái quy luật. Những tháng đầu năm nắng nóng, hạn hán kéo dài; gió lốc, mưa đá; mùa mưa bão, có khoảng từ 3- 4 cơn bão, áp thấp nhiệt đới gây ra mưa lớn, lũ quét và sạt lở đất.
Để chủ động trong công tác phòng ngừa, ứng phó hiệu quả với các sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Hội nghị đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục củng cố, kiện toàn Ban chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS các cấp; tăng cường triển khai hoạt động truyền thông, hướng dẫn kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với các loại hình thiên tai phổ biến, bảo đảm thông tin về thiên tai đến được người dân tại khu vực chịu ảnh hưởng. Tập trung chỉ đạo, huy động mọi lực lượng, phương tiện phục vụ cho công tác cứu hộ, cứu nạn, đặc biệt thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”; chuẩn bị đầy đủ các loại vật tư, nhu yếu phẩm cần thiết, các lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ khi có sự cố thiên tai xảy ra...
|
Kết luận Hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp đề nghị các sở, ban ngành, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các quy định về phòng chống thiên tai; làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai cho cán bộ, công chức, viên chức các cấp, nhất là ở cơ sở nhằm nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành, ứng phó khi có tình huống xảy ra. Tiến hành kiện toàn, phân công nhiệm vụ cụ thể cho thành viên Ban chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS gắn với trách nhiệm người đứng đầu; rà soát, kiện toàn Đội xung kích phòng, chống thiên tại cấp xã để ứng phó thiên tại kịp thời theo phương châm “bốn tại chỗ”.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, các ngành, địa phương nhanh chóng rà soát, cập nhật, bổ sung và hoàn chỉnh các phương án chủ động phòng chống, ứng phó thiên tai; xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn, diễn tập về phòng chống, ứng phó thiên tai cấp huyện, thành phố sát với tình hình thực tế của địa phương, không để bị động, lúng túng trong mọi tình huống. Các cấp, các ngành tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết; tăng cường thông tin, tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng tránh, ứng phó kịp thời đến cộng đồng dân cư. Khi có thiên tai xảy ra, cần huy động tổng hợp các lực lượng thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ; đánh giá chính xác thiệt hại có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ người dân.
Thùy Hương