Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội: Khảo sát thực tế Dự án Luật Viễn thông (sửa đổi)
Ngày 6/9, Đoàn công tác Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCN&MT) của Quốc hội do đồng chí Nguyễn Phương Tuấn-Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT làm Trưởng đoàn khảo sát thực tế tại tỉnh ta về Dự án Luật Viễn Thông (sửa đổi).
|
Tiếp và làm việc với Đoàn công tác có đồng chí Y Ngọc-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh; UBND huyện Đăk Glei, UBND thành phố Kon Tum, Công ty Điện lực Kon Tum và các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.153 trạm thu, phát sóng thông tin di động mặt đất với 8.120 km cáp quang, trong đó 525 km cáp hạ ngầm thuộc khu vực đô thị và 38.171 cột treo cáp, trong đó 29.540 cột của Điện lực các doanh nghiệp viễn thông thuê để treo cáp. Hạ tầng sóng băng rộng di động và hạ tầng băng rộng cố định đã phủ đến 100% số xã trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, chất lượng vẫn chưa được ổn định, một số thôn thuộc vùng sâu, vùng xa chất lượng sóng di động mặt đất còn thấp. Hiện toàn tỉnh còn 48/666 thôn chưa có hạ tầng băng rộng cố định và 3/666 thôn chưa có hạ tầng băng rộng di động.
Toàn tỉnh có 8 doanh nghiệp viễn thông hoạt động (bao gồm hạ tầng và dịch vụ). 100% số xã, phường, thị trấn của tỉnh đã phủ sóng thông tin di động và đường truyền cáp quang, đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc và truy cập internet cho người dân và chính quyền các cấp, phục vụ khoảng 410.550 thuê bao điện thoại các loại. Tổng số thuê bao internet băng rộng cố định hiện có 80.056 thuê bao.
Ngoài việc cung cấp dịch vụ viễn thông phục vụ nhu cầu đời sống của nhân dân, các doanh nghiệp viễn thông đã tham gia cung cấp các dịch vụ phục vụ nhu cầu của cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh, như: Mạng truyền số liệu chuyên dùng, kết nối hội nghị truyền hình trực tuyến, thư công vụ, hệ thống quản lý văn bản và điều hành...
Trong thời gian qua, UBND tỉnh đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp viễn thông hoạt động trên địa bàn tỉnh phát triển cơ sở hạ tầng theo hướng bền vững, hiện đại, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Đồng thời, đôn đốc các doanh nghiệp viễn thông đề xuất với Tổng Công ty Viễn thông đầu tư, phát triển hạ tầng mạng thông tin di động 5G nhằm từng bước phát triển, nâng cao chất lượng hạ tầng viễn thông, phục vụ phát triển nền kinh tế số, xã hội số. Đến nay, toàn tỉnh có 4 trạm thông tin di động mặt đất phát thử nghiệm sóng 5G do Viettel Kon Tum triển khai.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Ngọc tiếp thu những ý kiến góp ý của Đoàn công tác để tiếp tục chỉ đạo tập trung cụ thể hóa các cơ chế, chính sách, ưu tiên triển khai thực hiện Chương trình Viễn thông công ích đến các đối tượng được hưởng hỗ trợ và phát triển hạ tầng viễn thông đến khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh, qua đó nhằm từng bước nâng cao chất lượng hạ tầng viễn thông, phục vụ cho đời sống nhân dân. Đồng thời, mong nhận được sự quan tâm từ các cấp, các ngành, nhất là Bộ Thông tin và Truyền thông, trong việc hỗ trợ tỉnh tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của tỉnh, cùng như của các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh.
Trưởng đoàn công tác Uỷ ban KHCN&MT của Quốc hội Nguyễn Phương Tuấn đánh giá cao công tác chuẩn bị báo cáo tham gia góp ý vào Dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) của UBND tỉnh. Đồng thời, thống nhất với các ý kiến, kiến nghị của UBND tỉnh để tổng hợp trình Quốc hội xem xét bổ sung chính sách về viễn thông trong thời gian tới.
Trần Văn Phúc