Người trẻ bảo vệ môi trường
Từ những việc làm thiết thực, các bạn trẻ đã lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường, để mỗi người tự giác, nâng cao ý thức, chung tay vì một môi trường xanh, sạch, đẹp.
Năm nào cũng vậy, gần đến Ngày Môi trường thế giới, chị Trương Thị Hải Yến lại nhắn tin, mời chúng tôi tham gia các hoạt động nhặt rác, trồng cây cũng như chia sẻ những thông điệp bảo vệ môi trường. Là người từ nơi khác đến, yêu Măng Đen, xem Măng Đen là quê hương thứ 2, chị Yến đã kết nối và trở thành một trong những người “truyền lửa” chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường.
Hằng tháng, chị đều tích cực tham gia và kết nối mọi người cùng chung chí hướng thực hiện nhặt rác trên địa bàn thị trấn Măng Đen (huyện Kon Plông). Với từng khu vực cụ thể: các điểm du lịch, trung tâm thị trấn, chợ dân sinh..., mọi người phân lịch và triển khai thực hiện, góp phần giúp các địa điểm sạch đẹp.
Đặc biệt, chị thường vận động mọi người xách giỏ đi chợ, hạn chế sử dụng túi nilong, các đồ dùng nhựa dùng một lần. “Những sản phẩm nhựa mọi người bỏ đi, tôi thường tái chế, làm thành những vật dụng tiện ích hàng ngày. Cũng có đợt tôi may những chiếc túi bằng vải bố và bán với giá 5 ngàn đồng/cái để cho mọi người xách đi chợ, hạn chế sử dụng túi nilong. Thay đổi thói quen sử dụng túi nilong, các đồ dùng nhựa dùng một lần với mọi người không đơn giản, nhưng tôi cố gắng góp sức, thay đổi từng việc nhỏ để hạn chế rác thải nhựa ra môi trường” – chị Yến chia sẻ.
|
Ngoài ra, chị Yến còn thường xuyên vận động người dân tích cực tham gia các hoạt động trồng cây xanh, trồng rừng. Chị bày tỏ niềm vui khi được tham gia bảo vệ môi trường. Và chị vui mừng khi hiện nay, các hoạt động nhặt rác, trồng cây xanh đã được nhiều bạn trẻ tham gia nhiệt tình.
“Có thời điểm khách du lịch đến Măng Đen rất đông, nhiều du khách chưa có ý thức nên vứt rác lung tung. Những lúc như thế, mình và các bạn lại cặm cụi đi nhặt rác, làm những biển báo nhỏ nhỏ, xinh xinh và đặt những vị trí hợp lý để nâng cao ý thức cho người dân. Từ những hành động, thông điệp nhỏ, khách du lịch đã có ý thức hơn, hạn chế vứt rác bừa bãi”- chị Yến nói.
Mỗi người sẽ có một suy nghĩ và hành động khác về bảo vệ môi trường. Người thì trồng cây xanh, người sử dụng ống hút giấy, ly giấy... Còn anh Nguyễn Huy Hoàng ở khối phố 2, thị trấn Đăk Tô lại hướng đến giúp người dân thay đổi thói quen sử dụng các chất hóa học trong sản xuất nông nghiệp để bảo vệ môi trường.
Anh Hoàng bày tỏ: Việc sử dụng thuốc hóa học, phân hóa học tràn lan gây ô nhiễm môi trường nước, đất cũng như cuộc sống của chính con người mình. Do đó, mình muốn hướng mọi người sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, vừa đảm bảo hiệu quả trong sản xuất, vừa an toàn và hạn chế tác hại với môi trường.
Nghĩ và làm, anh tìm kiếm, kết nối những người cùng đam mê để triển khai cho người nông dân các hoạt động sản xuất nông nghiệp bền vững. “Trong các buổi tập huấn, mình truyền thông, vận động, hướng dẫn người dân tự sản xuất phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ sinh học; học cách ủ các loại cỏ, cây trong vườn để tạo thành chất dinh dưỡng cho cây trồng...” - anh Hoàng nói.
Năng động, ham tìm hiểu, anh đã biến mạng xã hội thành kênh thông tin và giao tiếp quan trọng. Thông qua facebook, anh khởi xướng, kết nối các bạn trẻ có hướng sản xuất hữu cơ, chia sẻ những mô hình hay, cách làm hiệu quả để mọi người cùng áp dụng, triển khai vào thực tế. “Từ mạng xã hội đến đời thật, hiện nay đã có nhiều bạn trẻ đăng ký, cùng tham gia thực hiện các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã, xây dựng Làng sinh thái trên địa bàn tỉnh” - anh Hoàng cho biết.
Xác định bảo vệ môi trường là phong trào trọng tâm, cốt lõi, thường xuyên và lâu dài, các bạn trẻ trên địa bàn huyện Đăk Hà đã có nhiều hoạt động sinh động, chuyển tải những thông điệp kêu gọi bảo vệ môi trường đến đoàn viên thanh niên và người dân trên địa bàn. Trong đó, ngoài các hoạt động phát quang bụi rậm, dọn vệ sinh ở các kênh mương, đoàn viên thanh niên tại các tổ dân phố thường xuyên bám sát những địa điểm “nóng” về ô nhiễm môi trường, tích cực dọn dẹp, tuyên truyền, nhắc nhở để nâng cao nhận thức của người dân.
Đặc biệt, để thay đổi thói quen, giúp người tiêu dùng, tiểu thương hạn chế sử dụng túi nilong, cuối tháng 2/2020, Huyện đoàn Đăk Hà đã triển khai xây dựng mô hình “Chợ dân sinh hạn chế rác thải nhựa”. Đơn vị đã phối hợp với Hội LHPN huyện, đoàn viên thanh niên trên địa bàn thường xuyên tuyên truyền, có nhiều hoạt động truyền thông, từng bước giúp người dân thay đổi thói quen sử dụng các sản phẩm nhựa 1 lần.
Người trồng cây, người dọn vệ sinh, người tuyên truyền cách thức sống xanh..., qua những việc thiết thực, các bạn trẻ đã lan tỏa thông điệp hay, để mỗi người tự giác, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sống của chính mình.
Hoài Tiến