Xây dựng ý thức tham gia giao thông cho học sinh
Từ ngày 1/10 -31/10/2024, Cục Cảnh sát giao thông triển khai Kế hoạch cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong cả nước. Thông tin này đã được các giáo viên chủ nhiệm ở các trường học trên địa bàn tỉnh đưa lên các nhóm Zalo phụ huynh, học sinh như một lời nhắc nhở cả phụ huynh lẫn học sinh trong bối cảnh tai nạn giao thông trong lứa tuổi học sinh có chiều hướng tăng.
Thấy cu cậu học sinh mới học lớp 9 trong xóm thỉnh thoảng vẫn lấy chiếc xe máy của bố (bố đi làm bằng ô tô) chạy ngoài đường, tôi vừa lo ngại, vừa lấy làm thắc mắc. Không lẽ cu cậu lén lấy xe đi, bố mẹ không biết. Mà cu cậu có lén lấy đi thì cũng chỉ một lần, hai lần, xe máy còn phải có chìa khóa, còn xăng, nhà còn có camera, sao thấy hết lần này đến lần khác vẫn thấy cu cậu dắt xe ra trước cổng, nổ máy đi hiên ngang thế.
Đem chuyện trao đổi với bố mẹ cu cậu mới được biết, cũng chẳng biết cu cậu tập tành đi xe máy từ bao giờ. Bố mẹ đi làm, xe máy để ở nhà, lúc đầu cu cậu lén lấy đi, tới lúc phát hiện ra thì đã nhiều lần, cu cậu đi lại thành thạo, nên thôi thỉnh thoảng có đi học thêm hay qua nhà ông bà gần gần là cho chạy xe luôn. Thấy tôi thắc mắc về độ tuổi chưa được điều khiển xe máy phân khối lớn, lại thông báo sắp tới có kế hoạch cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh, bố cậu bé cười trừ và nói rằng, chỉ cho cháu chạy loanh quanh gần nhà thôi, nên cũng không lo ngại chuyện xử phạt.
|
Chạy loanh quanh nên không lo chuyện xử phạt - câu trả lời của bố cậu bé khiến tôi băn khoăn. Vậy lo xử phạt hay lo tai nạn? Thực ra có những điều còn quan trọng hơn cả xử phạt, đó chính là an toàn giao thông, là tính mạng của chính con trẻ.
Không phải ngẫu nhiên mà Luật Giao thông đường bộ quy định độ tuổi điều khiển xe máy. Trong trường hợp này, cu cậu mới 15 tuổi, sức khỏe, nhận thức, hiểu biết, khả năng xử lý các tình huống còn hạn chế và tất nhiên nếu không may xảy ra sự cố đáng tiếc sẽ có những hệ lụy khó tránh khỏi.
Không chỉ là chuyện chưa đủ tuổi nhưng vẫn điều khiển xe máy, xe máy điện, công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trong lứa tuổi học sinh còn nhiều vấn đề rất đáng quan tâm. Đó là tình trạng học sinh không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, xe điện, lạng lách, đánh võng, chở quá số người quy định…
Như trong câu chuyện của cu cậu học lớp 9 như vừa nêu, không ít học sinh và cả các bậc phụ huynh xem chuyện chưa đủ tuổi điều khiển xe máy, không đội mũ bảo hiểm, chở ba, chở bốn là đơn giản, là bình thường, là chuyện đã rồi. Kiểu như làm sao chỉ để trốn tránh nhằm mục đích khỏi bị xử phạt. Kiểu như xem tai nạn giao thông là việc ngoài mình, thuộc trách nhiệm của ai đó, và hồn nhiên như tai nạn giao thông sẽ xảy ra với ai đó, ở đâu đó, nhưng chừa mình ra, chừa con mình ra.
Thế nhưng, ở lứa tuổi chưa đủ độ chín chắn, vẫn còn những nông nổi, bốc đồng, chỉ cần một giây bất cẩn, một tích tắc chủ quan, một quyết định sai lầm, mà có không ít học sinh đã bị thiệt mạng, bị thương và không ít trong số đó trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội.
|
Theo thống kê trong 9 tháng đầu năm 2024, tình trạng học sinh vi phạm pháp luật về an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn ra, tai nạn giao thông trong lứa tuổi học sinh có chiều hướng tăng. Cụ thể, toàn tỉnh xảy ra 31 vụ tai nạn giao thông trong lứa tuổi học sinh, làm chết 11 người, bị thương 19 người, so với cùng kỳ năm 2023 tăng 12 vụ, tăng 5 người chết, tăng 3 người bị thương. Tai nạn giao thông đã khép lại những giấc mơ dang dở, để lại bao nỗi tiếc thương, xót xa trong mỗi gia đình. Có những em không đến mức tử vong, bị thương nhẹ thì cũng phải thuốc men, gia đình chăm sóc, nặng thì để lại di chứng suốt đời và cả những tổn thương về tâm lý, tinh thần, chập chờn những nỗi sợ hãi, âu lo…
Cũng ngay thời điểm các giáo viên chủ nhiệm gửi đến các nhóm lớp thông tin Cục Cảnh sát giao thông triển khai kế hoạch cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong cả nước thì mới đây (ngày 29/9), trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông trong lứa tuổi học sinh, khiến 1 học sinh tử vong và 1 học sinh bị thương nặng. Nguyên nhân của vụ tai nạn đang được lực lượng chức năng điều tra làm rõ, điều mà bao người tiếc nuối, xót xa chính là các em còn quá trẻ, bao ước mơ dang dở, bao dự định không thành.
Tai nạn giao thông trong lứa tuổi học sinh ngày càng gia tăng và đi cùng với đó là bao hệ lụy. Phụ huynh, học sinh không thể tồn tại quan niệm đối phó như chỉ loanh quanh gần nhà nên không lo bị xử phạt, con chưa đủ tuổi vẫn cho chạy xe, không đội mũ bảo hiểm vẫn hiên ngang lên xe ra đường, lại thêm phóng nhanh, vượt ẩu, để rồi mà vấp phải đá, mà quàng phải xe. Giáo dục, xây dựng cho học sinh ý thức, thói quen tốt trong tham gia giao thông vì thế không thể mãi là những bài học lý thuyết, những lời nhắc nhở từ phía nhà trường mà rất cần sự sát sao, nghiêm khắc của chính các bậc phụ huynh.
Nguyên Phúc