Chuyên canh cà phê vối TRS1
Cà phê vối TRS1 là giống cà phê mới có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao. Để sản xuất hiệu quả, bà con cần nắm vững kỹ thuật chuyên canh.
Cà phê vối TRS1 là giống cà phê do Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên tạo ra từ 4 dòng vô tính TR4, TR9, TR11, TR12 có các ưu điểm như kháng bệnh gỉ sắt, tuyến trùng hại rễ, sinh trưởng khỏe, kích thước hạt lớn và năng suất cao. Tuy nhiên, cà phê TRS1 khả năng chịu hạn kém.
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cây cà phê vối TRS1 không đòi hỏi khắt khe về đất, nó có thể phát triển trên nhiều loại đất khác nhau như: đất đỏ nâu, nâu vàng hoặc đất xám. Yêu cầu cơ bản là tầng đất sâu từ 70cm trở lên, tơi xốp, giàu chất hữu cơ, dễ thấm nước, thoát nước tốt trong mùa mưa…
Cây giống ươm bằng hạt, khi đưa ra trồng phải đạt các tiêu chuẩn sau: 5-7 cặp lá, cây cao 25-30cm, thân mọc thẳng đứng (đường kính gốc thân: ≥3 mm), màu lá đậm, không bị cong, chẻ ngọn, không bị sâu bệnh và từ 6-8 tháng tuổi. Cây được đưa ra ánh sáng 10 -15 ngày trước khi trồng.
|
Thời vụ trồng cà phê vối TRS1 từ tháng 5- 6 khi đất đủ ẩm. Trồng sớm trong khoảng thời gian này, cây con có thời gian phát triển mạnh trong mùa mưa. Trồng cà phê vối TRS1 với mật độ trồng 3m x 3m (hàng cách hàng 3m và cây cách cây 3m) tương ứng 1.111 cây/ha. Trên đất có độ dốc lớn, hố trên các hàng đào lệch nhau tạo thành nanh sấu.
Đối với cây che bóng, cây chắn gió thích hợp là cây muồng đen, bời lời. Bên cạnh đó, nhiều hộ nông dân đã trồng cây lâu năm như sầu riêng, bơ, nhãn, quế… làm cây che bóng để hỗ trợ thêm hiệu quả kinh tế.
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, trước khi trồng, bà con đào hố theo kích thước dài 60cm x rộng 60cm x sâu 60cm. Khi đào để riêng đất mặt một bên, bón mỗi hố 5- 10kg phân hữu cơ (phân chuồng) hoai mục, 0,5kg phân lân, 0,2 - 0,3kg vôi bột (nếu đất chua) trộn đều với đất rồi lấp vào hố trước khi trồng ít nhất 1 tháng.
Khi trồng, bà con phải trộn đất và phân trong hố 1 lần nữa, sau đó cuốc ở chính giữa hai hố nhỏ sâu 25 - 30cm, rộng 15-20cm; dùng dao cắt ngang sát đáy bầu để loại bỏ phần rễ cọc bị xoắn cong ở dưới đáy bầu, đặt bầu cây chính giữa hố, cách mặt đất 10 - 15cm và xé bỏ túi bầu ni lông. Đồng thời, bà con đưa đất từ từ vào hố, dùng tay chèn chặt xung quanh thành bầu cây, lấp đầy đất ngang mặt bầu và dùng chân dẫm nhẹ xung quanh cho chặt.
Chú ý, bà con không được làm bể bầu, mỗi hố nhỏ chỉ trồng 1 cây; trồng âm cho mặt bầu thấp hơn mặt đất nền tự nhiên từ 15-20cm. Đối với đất dốc, sau khi trồng xong tiến hành tạo ổ gà ở quanh gốc, nén chặt thành để tránh đất lấp cây cà phê, ổ gà rộng hơn hố cà phê.
Đối những cây bị chết, cây yếu, bà con tiến hành trồng dặm vào đầu mùa mưa và chấm dứt trước kết thúc mùa mưa 1 tháng. Khi trồng dặm, bà con cần móc đất và trồng lại trên hố cũ. Cây giống trồng dặm cũng phải chọn cây tốt đủ tiêu chuẩn, cùng lứa với cây trồng chính.
Đối với cà phê kiến thiết cơ bản, bà con làm cỏ 5 - 6 lần/năm. Cà phê kinh doanh, bà con làm cỏ 3 - 4 lần/năm. Việc làm cỏ theo băng dọc hàng cà phê. Cỏ lâu năm khó diệt như cỏ tranh, cỏ gấu…, bà con có thể dùng thuốc Nufarm, Roudrup để phun.
Việc tủ gốc, bà con dùng nguyên liệu rơm, rạ, cỏ khô, thân cây đậu đỗ… tủ gốc cho cây cà phê có tác dụng như làm tăng hàm lượng mùn, độ ẩm cho đất, hạn chế cỏ dại, giảm xói mòn, rửa trôi đất. Khi trồng cà phê, bà con có thể trồng xen cây họ đậu vừa cho thu nhập, hạn chế cỏ dại, vừa có tác dụng cải thiện độ phì đất, vừa tạo vật liệu tủ gốc cà phê trong mùa khô.
Định mức phân bón cho 1ha cà phê như sau: năm đầu bón 150kg urê, 550kg lân Văn Điển và 100kg kali; năm thứ hai bón 200kg urê, 100kg SA (đạm Sulphat), 550kg lân Văn Điển, 150kg kali; năm thứ ba bón 250kg urê, 150kg SA, 550kg lân Văn Điển, 200kg kali; năm thứ tư bón 400-500kg urê, 200-250kg SA, 550kg lân Văn Điển, 350-400kg kali.
Năm trồng mới, sau khi bón lót, bà con chia đều các loại phân lân, phân urê và kali theo định lượng trên bón 2 lần trong mùa mưa (lần đầu sau trồng 30 ngày; lần hai vào cuối mùa mưa-khoảng tháng 9 - 10). Bón cách gốc 20 – 25cm theo hình vòng tròn, sau đó lấp đất lại.
Từ năm thứ 2 trở đi, bà con bón 4 lần trong năm như sau: lần 1 bón vào mùa khô, khi tưới nước đợt 2 (tháng 1- 2) toàn bộ lượng SA; lần 2 bón vào đầu mùa mưa (tháng 3- 5) toàn bộ lượng lân, 1/3 urê, 1/3 kali; lần 3 bón vào giữa mùa mưa (tháng 7-8) 1/3 urê, 1/3 kali; lần 4 bón trước khi mùa mưa kết thúc khoảng 1 tháng (tháng 10- 11) 1/3 urê, 1/3 kali.
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, nắm vững kỹ thuật chuyên canh, cây cà phê vối TRS1 sẽ cho hiệu quả kinh tế cao hơn các giống cà phê khác.
Đào Nguyên