Chuyện về những người mong được “thất nghiệp”
Có lẽ hiếm nghề nào mà khi thất nghiệp lại làm cho những người làm nghề thấy… vui, thấy hạnh phúc như nghề chữa cháy. Điều mong muốn lớn nhất của anh em chúng tôi là được… thất nghiệp dài dài- Thượng tá Đặng Việt Dũng - Phó Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh) cười hóm hỉnh.
|
“Người ta chạy ra, mình xông vào”
Một ngày “3 cùng” với các chiến sĩ Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) - Công an tỉnh đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng sâu sắc và những câu chuyện vui bất tận. Có thể ở những lĩnh vực công tác khác, được ngày rảnh rỗi thì thư giãn, nghỉ ngơi, chăm chút nơi ở…, còn với các anh, đó lại là khoảng thời gian quý báu để huấn luyện, để thực hành những bài tập tình huống, phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Vì hơn ai hết, chính những người thường xuyên phải đối đầu với lửa mới hiểu sự hung tàn của nó, và để chiến thắng, để giảm thiệt hại đến mức thấp nhất thì ngoài tinh thần dũng cảm, gan dạ, thậm chí sẵn sàng hy sinh, người chiến sỹ PCCC còn phải khổ luyện hàng ngày.
Đi tham quan một vòng, tôi cảm nhận được sự nghiêm túc trong tập luyện của các chiến sĩ. Mặc cái nắng gay gắt của buổi chiều, các anh vẫn tích cực luyện tập các thao tác cơ bản dưới sự chỉ huy thống nhất, mạch lạc của lãnh đạo Phòng. Nắng cháy da và mồ hôi ướt đẫm trang phục, nhưng những động tác vẫn chuẩn xác, thành thục. Nóng như lửa còn không mùi mẽ gì, huống chi là nắng trời - một chàng Trung úy trẻ tếu táo.
Bất kể giờ nghỉ, giờ ăn… chỉ cần nghe chuông báo động, ngay lập tức các chiến sĩ có mặt trên chiếc xe màu đỏ chói, tức tốc tiếp cận hiện trường để tìm cách tiêu diệt "bà hỏa". Theo điều lệnh chiến đấu của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH thì trong vòng 1 phút sau khi nghe tiếng kẻng báo động, xe chữa cháy phải lên đường. Vì thế, dù đang làm bất cứ việc gì, nghe tiếng kẻng báo động cháy là anh em phải chạy liền. Nhiều khi đang tắm, người còn xà bông nhưng cũng phải xỏ quần áo vào mà chạy; có khi đang ăn cũng lập tức buông chén, vừa chạy vừa… nhai cơm.
|
Những tình huống “dở khóc dở cười” của lính cứu hỏa có kể cả ngày cũng không hết. Vui nhất là chuyện một anh chàng đi “ra mắt” bố mẹ bạn gái. Khá bảnh bao với quần tây, áo sơ mi, giày đen, nhưng anh chàng vẫn “trồng cây nêu” khi cô em cứ “nhìn trộm” mãi nước da đen cháy; còn bà mẹ thì nhìn ngờ ngợ: Cậu nhìn quen lắm. Hôm nọ cháy dưới phố, tôi thấy mọi người chạy ra hết, còn cậu lại quẳng xe, nhảy vào là sao? Cũng may được ông bố vợ tương lai “chấm”: Tuy hơi… đen nhưng khỏe mạnh, hiền lành… Cô bạn gái nghe vậy cười như hoa.
Có thể chỉ là một câu chuyện vui do anh em “sáng tác” ra để trêu chọc nhau trong những phút giải lao giữa buổi tập, nhưng nghe sao yêu lạ. Nhiều khi, anh em cũng “tự trào” rằng mình làm cái nghề kỳ lạ: “người ta chạy ra, còn mình thì xông vô”.
“Mong sao… thất nghiệp dài dài”
Luôn trong chế độ trực chiến 24/24, nhưng với những người lính cứu hỏa, điều mong muốn nhất lại là được… thất nghiệp. Không phải vì ngại khó, ngại khổ, mà vì “mỗi lần nghe tin báo cháy là ruột lại thấy đau”- như lời tâm sự của Đại úy Lê Phước Thống. Sau mỗi lần khống chế được ngọn lửa, dù đã hoàn thành nhiệm vụ, nhưng nhìn cảnh tan hoang vì ngọn lửa quái ác, nhìn cảnh người dân thẫn thờ vì của cải bị thiêu rụi, ai cũng đau. Vì vậy, nếu thất nghiệp dài dài là sướng nhất.
“Làm bạn” với nước, với lửa, khói hàng ngày, khổ luyện hàng ngày nên anh em chiến sĩ đều rèn cho mình bản lĩnh nghề nghiệp dạn dày, phản xạ nhạy bén và khả năng “đọc” tình huống chính xác. Khi nhận lệnh tiếp cận hiện trường, chỉ cần quan sát khói, mùi khét là đã có thể xác định sơ bộ chất cháy chủ yếu, ví dụ khi thấy khói nhiều thì đám cháy lớn; màu khói đen kịt là cháy xăng dầu, còn có thêm mùi khét hắc là cháy chất cao su... để từ đó nhanh chóng đưa ra phương án khống chế đám cháy trong thời gian sớm nhất.
Trong các cuộc chiến diệt "giặc lửa", việc phải “chiến đấu” ở các khu dân cư là gian khổ nhất. Bởi khi thấy nhà cháy, người dân thường hoảng loạn, bỏ chạy ra ngoài, mạnh nhà nào nhà nấy lo, ai cũng lo quẳng đồ đạc ra, khiến việc tiếp cận đám cháy của lực lượng PCCC gặp trở ngại. Hơn thế, nhiều người dân hiếu kỳ, tập trung đứng xem làm ách tắc cả một khu vực. Muốn tiếp cận được, trước hết lính cứu hỏa phải vượt qua chướng ngại vật người và đồ đạc dày đặc, mất rất nhiều thời gian để triển khai chữa cháy.
Điển hình là cuối năm 2013, xảy ra một vụ cháy lớn tại đường Hoàng Văn Thụ, đám cháy bắt đầu từ một nhà sau đó lan sang các cửa hàng bên cạnh. Vì là gần khu trung tâm thương mại nên mọi ngả đường rất đông người đổ về xem, thêm nữa người dân muốn giúp các chủ cửa hàng nên đã nhiệt tình xông vào khiêng giúp các hàng hoá chất đầy ở bên đường gây khó khăn cho việc chữa cháy.
Giữa những gian khổ trong luyện tập, công việc, đôi khi cũng xen lẫn những phút giây chạnh lòng đời thường. Luôn trực chiến ở những ngày bình thường, lính cứu hỏa còn phải chịu nhiều áp lực trong những ngày lễ, tết. Đây là thời điểm rất dễ xảy ra hỏa hoạn nên “lính cứu hỏa” phải trực chiến 24/24. Trong khi người người, nhà nhà sum họp, cả gia đình cùng đi chợ Tết, đón giao thừa, thì anh em lại phải thức suốt đêm, căng thẳng chờ thời gian trôi qua... Nhưng rồi những phút chạnh lòng ấy chỉ thoảng qua rồi tan biến. Sáng ra, anh em lại hăng say tập luyện. Lại sẵn sàng lên đường trong vòng một phút sau báo động, sẵn sàng lao vào biển lửa.
Với các anh, những cái siết tay thật chặt sau khi dập tắt một đám cháy chính là phần thưởng quý giá nhất cho lòng quả cảm và tinh thần trách nhiệm khi vượt qua muôn vàn hiểm nguy và những tháng ngày luyện tập gian khổ... Và, vì vậy, dù khó khăn, gian khổ đến mấy, vẫn rất hiếm người rời bỏ vị trí, rời bỏ nhiệm vụ.
Hương Đào