Huyện Đăk Tô xử lý tình trạng khai thác khoáng sản trái pháp luật
Từ đầu năm 2011 đến tháng 9/2014, qua kiểm tra, truy quét, huyện Đăk Tô phát hiện 48 vụ khai thác vàng sa khoáng trái pháp luật; trong đó, 36 vụ đã xử lý (8 vụ do UBND tỉnh ra quyết định xử phạt và 28 vụ do UBND huyện trục xuất đối tượng ra khỏi địa bàn); 12 vụ do các đối tượng bỏ trốn, lực lượng chức năng đã thu giữ các phương tiện, tang vật vi phạm.
|
Thời gian trước đây, Đăk Tô là một trong những điểm nóng về khai thác khoáng sản trái pháp luật, những địa danh Đăk Ri Peng, Đăk Ri Dốp... từng là nơi dân làm vàng sa khoáng “tung hoành” đào bới. Nhưng với nỗ lực của chính quyền địa phương, sự quyết liệt của các ngành chức năng trong việc truy quét, xử lý, những vùng “đất nóng” này đã trở lại bình yên...
Chỉ cách đây vài năm thôi, những thửa ruộng, những vạt đồi ở Đăk Ri Peng bị đào bới nham nhở; dân làm vàng đổ về dựng lán trại ngổn ngang. Con suối Đăk Tô Har lúc nào cũng đục ngầu, khiến dân làng không thể lấy nước để sử dụng; nhiều ruộng lúa nước phải bỏ hoang vì đất bùn từ hoạt động đào đãi vàng trôi xuống ngập đến đầu gối.
Trở lại Đăk Ri Peng lần này, dù vẫn còn những hố đào sâu hoắm, đất đá ngổn ngang, những tấm bạt căng lều vương vãi- dấu tích tàn phá của “vàng tặc” ngày nào, nhưng không còn cảnh dân làm vàng chen chúc dưới những mái lều bạt cắm xiêu vẹo. Dù không dám chắc chắn rằng đã vắng bóng người lén lút làm vàng, nhưng rõ ràng vùng “đất nóng” đã bình yên hơn. Phải chăng chính quyền huyện Đăk Tô đã tìm được “lời giải” cho “bài toán” quản lý khoáng sản trên địa bàn?
Theo đánh giá của UBND huyện Đăk Tô, có được kết quả trên là nhờ địa phương đã triển khai đồng bộ công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật với việc siết chặt công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản. Từ năm 2011 đến nay, cùng với việc ban hành các văn bản chỉ đạo các ban, ngành tăng cường quản lý nguồn tài nguyên khoáng sản, UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn thường xuyên triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Khoáng sản năm 2010 và các văn bản liên quan đến các tầng lớp nhân dân, nhất là ở những “điểm nóng”, với các hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng. Vì vậy, đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người dân và các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoáng sản.
Với quyết tâm “dẹp” nạn khai thác vàng trái pháp luật, các cơ quan chức năng và chính quyền từ huyện đến xã đã tiến hành nhiều đợt kiểm tra, truy quét nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những trường hợp khai thác khoáng sản trái pháp luật trên địa bàn.
Đặc biệt, sau các đợt truy quét, UBND huyện đã chỉ đạo chính quyền các xã, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra, bám nắm địa bàn, tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi”, khi lự c lượng truy quét rút đi thì tình trạng khai thác vàng trái pháp luật xuất hiện lại sau mỗi đợt truy quét. Công tác phối hợp giữa các ngành, các địa phương trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản được tăng cường. Chính quyền các xã, thị trấn đã phát huy vai trò quản lý Nhà nước ở địa bàn nên từng bước hạn chế tình trạng chậm phát hiện, hoặc xử lý không kịp thời các trường hợp vi phạm. Đến nay, các “điểm nóng” về khai thác vàng trái pháp luật đều đã ngừng hoạt động.
Tuy nhiên, việc tiếp tục duy trì những kết quả đã đạt được trong công tác quản lý, bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện Đăk Tô vẫn còn nhiều gian nan. Bên cạnh một số tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản đã nghiêm túc chấp hành các quy định pháp luật của Nhà nước về hoạt động khảo sát, thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản còn có không ít cá nhân, tổ chức không thực hiện các thủ tục theo đúng quy định của pháp luật; tình trạng khai thác khoáng sản trái pháp luật vẫn còn xảy ra ở một số nơi, gây lãng phí tài nguyên, thất thu nguồn thuế, gây hậu quả xấu về môi trường...
Để làm tốt công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn, huyện Đăk Tô đang tăng cường công tác tập huấn, phổ biến pháp luật về tài nguyên khoáng sản và pháp luật liên quan bằng nhiều hình thức để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cộng đồng; nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương cấp xã; vận động người dân không tham gia khai thác khoáng sản trái pháp luật, không tiếp tay, bao che các hoạt động phạm pháp, báo cáo kịp thời cho các cấp có thẩm quyền khi phát hiện các hoạt động khai thác khoáng sản trái pháp luật.
Trong công tác quản lý khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, UBND huyện Đăk Tô đã chọn 5 điểm mỏ để đưa vào đấu giá quyền khai thác khoáng sản năm 2014 và UBND tỉnh đã chọn 2 điểm mỏ (1 điểm mỏ đá tại thôn 1, xã Tân Cảnh và 1 điểm mỏ cát tại thôn 6, xã Kon Đào) đưa vào Kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Bên cạnh đó, UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tổ chức kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời những trường hợp khai thác cát, sỏi trái pháp luật. Từ đầu năm 2011 đến nay, đã phát hiện và xử lý 4 vụ khai thác cát, sỏi trái pháp luật; cả 4 vụ UBND tỉnh đã ra quyết định xử phạt
Bên cạnh đó, huyện Đăk Tô cũng thực hiện việc tăng cường nhân lực làm công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản ở cấp huyện, xã; chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung sau cấp phép của các đơn vị tham gia hoạt động khai thác khoáng sản; bố trí nguồn kinh phí hợp lý cho công tác quản lý, bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản chưa khai thác; xây dựng kế hoạch kiểm tra, truy quét, phát hiện và xử lý những hoạt động khai thác khoáng sản trái pháp luật…
Mai Ly