Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến tham gia các dự án luật trình Kỳ họp thứ 7
Đoàn ĐBQH tỉnh vừa tổ chức Hội nghị lấy ý kiến tham gia 5 dự án Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV. Đồng chí Phạm Đình Thanh - Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì Hội nghị.
Các đại biểu dự Hội nghị thống nhất cao về sự cần thiết xây dựng và ban hành luật; cơ bản thống nhất với nội dung, bố cục của các dự án luật này; đồng thời đã có 7 đại biểu tham dự phát biểu, gửi văn bản tham gia 32 ý kiến cụ thể vào dự án Luật.
|
Đối với dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, theo đại biểu, tại Điều 7 quy định các chủ thể là các cơ sở giáo dục, các cấp học phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo trong nhiệm vụ giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; tuy nhiên trong Điều 86 quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ (trong đó có quy định trách nhiệm của Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ) nhưng không đề cập đến trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Vì vậy, cần xem xét bổ sung nội dung quy định trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo; bởi vì việc hình thành ý thức tuân thủ luật giao thông là yêu cầu rất cần thiết, được hình thành bởi một quá trình lâu dài, cần được xây dựng ngay từ nhỏ, thông qua quá trình tuyên truyền, giáo dục trong các chương trình giáo dục của các cấp học;… Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là dự án Luật được tách ra từ Luật Giao thông đường bộ năm 2008, do đó tại Điều 87 về hiệu lực thi hành cần bổ sung hiệu lực pháp lý đối với Luật Giao thông đường bộ;…
Đối với dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, theo đại biểu tại Điều 28 quy định về Người chỉ huy chữa cháy cần bổ sung thêm nội dung Chữa cháy rừng là "Cháy rừng nếu chủ rừng là cơ quan, tổ chức thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức hoặc người được ủy quyền là người chỉ huy chữa cháy, trưởng thôn, trưởng bản tại nơi xảy ra cháy có trách nhiệm tham gia huy động lực lượng chữa cháy; nếu chủ rừng là hộ gia đình hoặc cá nhân thì trưởng thôn, trưởng bản hoặc người được ủy quyền tại nơi xảy ra cháy là người chỉ huy chữa cháy. Người đứng đầu đơn vị Kiểm lâm hoặc người được ủy quyền tại nơi xảy ra cháy có trách nhiệm tham gia chỉ huy chữa cháy;…
Phát biểu tại Hội nghị, Phó trưởng chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Phạm Đình Thanh ghi nhận và tiếp thu ý kiến tham gia của các đại biểu để nghiên cứu, chuyển đến Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan chủ trì soạn thảo. Đồng thời, thông tin thêm một số vấn đề về công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội và các cơ quan có liên quan đối với một số dự án luật này.
Hồ Nam