Phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch
Xác định phát triển kết cấu hạ tầng là một trong những nhiệm vụ chiến lược quan trọng, tỉnh đã tập trung nguồn lực đầu tư, xây dựng đồng bộ hạ tầng giao thông, viễn thông, đô thị, môi trường, văn hó. để góp phần tạo đà phát triển du lịch, từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
|
Hạ tầng giao thông là lĩnh vực được tỉnh ưu tiên đầu tư mạnh, quan tâm đầu tư những tuyến đường đóng vai trò chiến lược trong kết nối các khu, điểm du lịch của tỉnh với các vùng lân cận như Gia Lai, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng. Nhiều công trình cụ thể, hàng loạt tuyến đường quan trọng đã và đang được triển khai như Quốc lộ 24, các Tỉnh lộ 671, 675, 676.
Bên cạnh giao thông, lĩnh vực viễn thông - hạ tầng số được tỉnh quan tâm, đầu tư bài bản. Đến nay có 100% xã được phủ sóng viễn thông băng rộng, gần 60% hộ dân tiếp cận internet tốc độ cao; tại thành phố Kon Tum – trung tâm kinh tế, du lịch mạng 5G đã phủ 99% địa bàn dân cư, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi số trong ngành du lịch. Tại các điểm du lịch trọng điểm được trang bị hệ thống wifi công cộng, lắp đặt tại các khu vực du lịch, nhà rông phục vụ nhân dân và du khách.
Tại thôn Kon Chênh, xã Măng Cành (huyện Kon Plông), chính quyền địa phương đang đẩy mạnh xây dựng làng du lịch cộng đồng gắn liền với bảo tồn văn hóa, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật để phục vụ du lịch. Hiện thôn Kon Chênh đã có 6 homestay hoạt động hiệu quả, góp phần giúp thôn từng bước trở thành điểm đến hấp dẫn của du lịch sinh thái và trải nghiệm.
Có thể kể đến homestay của chị Y The ở thôn Kon Chênh, sau khi cải tạo khuôn viên nhà ở thành cơ sở lưu trú, từ đầu năm 2025 đến nay, homestay của chị đã thu hút nhiều lượt khách gần xa, nhất là vào dịp cuối tuần.
Chị Y The cho biết, với sự định hướng của địa phương, cùng sự quan tâm đầu tư về giao thông, hạ tầng viễn thông đã giúp mô hình homestay của gia đình từng bước đạt hiệu quả. Đặc biệt, sóng điện thoại và internet mạnh mẽ, ổn định là một trong những yếu tố giúp chị thuận lợi trong kinh doanh homestay từ việc nhận đặt phòng, quảng bá hình ảnh, kết nối với khách hàng, livestream giới thiệu đặc sản, chia sẻ văn hóa của dân tộc mình đến du khách gần xa.
Chị Huỳnh Thị Phương - du khách đến từ thành phố Đà Nẵng cho biết: “Chuyến đi đến thôn Kon Chênh mang lại cho tôi những trải thú vị và đáng nhớ. Thôn vừa yên bình, nguyên sơ nhưng không kém phần tiện lợi, hiện đại, kết hợp hài hòa giữa bản sắc văn hóa và điều kiện hạ tầng, cơ sở vật chất tiện nghi. Đường vào thôn đẹp, đi lại dễ dàng, mạng internet và sóng điện thoại ổn định nên trong suốt thời gian lưu trú, tôi vẫn có thể làm việc từ xa, kết nối, chia sẻ với người thân qua mạng xã hội. Điều này giúp tôi thấy thoải mái và yên tâm”.
|
Ông Nguyễn Văn Bình – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Chúng tôi xác định hạ tầng phải đi trước một bước. Hạ tầng giao thông, viễn thông và các quy hoạch bài bản sẽ là chìa khóa để thu hút nhà đầu tư, tạo điều kiện hình thành các sản phẩm du lịch chất lượng, góp phần thu hút nhiều nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực du lịch – dịch vụ”.
Hiện, tỉnh đã hoàn thiện danh mục 153 dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư giai đoạn 2021–2025, trong đó có 40 dự án thuộc lĩnh vực dịch vụ, du lịch, thương mại. Nhiều nhà đầu tư đã đăng ký triển khai các dự án quy mô lớn như: Khách sạn Đông Dương (48,8 tỷ đồng), Nhà hàng Đông Dương ven sông Đăk Bla (90 tỷ đồng), Khách sạn Đăk Bla (hơn 421 tỷ đồng). Các công trình không chỉ góp phần nâng cao chất lượng hệ thống lưu trú, dịch vụ mà còn gia tăng sức hấp dẫn cho du lịch của tỉnh, đặc biệt tại khu vực trung tâm thành phố và một số điểm đến trọng điểm khác.
Bên cạnh đó, tỉnh quan tâm đầu tư, mở rộng không gian du lịch mới, xây dựng các khu dịch vụ du lịch phức hợp, du lịch sinh thái, cơ sở vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng cao cấp phù hợp với nhu cầu và xu hướng du lịch mới. Trong năm 2024 đã bố trí hơn 238 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương để triển khai 5 dự án đầu tư hạ tầng du lịch trọng điểm gồm: Trưng bày Bảo tàng ngoài trời; Dự án đầu tư chỉnh trang đô thị, tạo quỹ đất để thực hiện quy hoạch Tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại, dịch vụ tại phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum; Đầu tư hạ tầng Khu du lịch văn hóa, lịch sử Ngục Kon Tum; Khai thác quỹ đất để phát triển kết cấu hạ tầng Khu du lịch Ngục Kon Tum; Dự án đầu tư chỉnh trang đô thị, tạo quỹ đất để thực hiện quy hoạch Khu du lịch - đô thị sinh thái nghỉ dưỡng kết hợp thể thao tại xã Đăk Rơ Wa.
Tỉnh còn chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường; đặc biệt là khuyến khích người dân gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, xem đây là “hạ tầng văn hóa” quan trọng để góp phần phát triển du lịch.
Với những giải pháp được triển khai quyết liệt của các cấp, ngành và sự đồng hành tích cực của người dân, doanh nghiệp, kết cấu hạ tầng du lịch trên địa bàn tỉnh đang từng bước được nâng tầm, tạo nền móng vững chắc để ngành du lịch phát triển bền vững.
Hoàng Thanh