Đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới là nội dung rất quan trọng trong 10 nhiệm vụ xây dựng Đảng mà Văn kiện Đại hội XIII đã đề ra.
Căn cứ vào các phương thức lãnh đạo của Đảng và thực tiễn, có thể xác định nội dung đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị hiện nay gồm những nội dung chính: Đổi mới việc ban hành và tổ chức thực hiện nghị quyết, chủ trương của Đảng; đổi mới công tác tuyên truyền, vận động; đổi mới công tác tổ chức, cán bộ; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn, phát huy mạnh mẽ vai trò của các tổ chức đảng và tính tiền phong, gương mẫu của đảng viên; đổi mới, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát tổ chức đảng và đảng viên.
Đảng bộ tỉnh Kon Tum hiện có 665 tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ), 1.810 chi bộ và 1 đảng bộ, bộ phận trực thuộc đảng ủy cơ sở với 30.637 đảng viên. Những năm qua, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum luôn xác định việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị là một trong những yếu tố quyết định đối với công tác xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị, là “chìa khóa” cho sự phát triển ổn định của địa phương.
|
Trong đó, Tỉnh ủy Kon Tum đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới việc nghiên cứu, quán triệt, học tập và triển khai thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Qua đó, nâng cao nhận thức, xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy các cấp đối với việc quán triệt, học tập các nghị quyết, chỉ thị của Đảng.
Đồng thời, xem việc quán triệt, học tập và tuyên truyền nghị quyết, quy định, chỉ thị của Đảng là tiêu chí quan trọng trong việc đánh giá, phân loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tập thể, cá nhân đảng viên hàng năm. Từng đồng chí bí thư cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương phải chịu trách nhiệm việc tổ chức quán triệt, học tập nghị quyết, chỉ thị của Đảng tại cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương mình.
Tỉnh ủy Kon Tum đã chỉ đạo đổi mới, cải tiến nâng cao chất lượng công tác xây dựng, ban hành nghị quyết của cấp ủy các cấp. Các cấp ủy không ban hành nhiều nghị quyết mà chọn vấn đề trọng tâm, bức xúc cần giải quyết ở địa phương mình để ra nghị quyết và nghị quyết phải đảm bảo tính khả thi.
Trong công tác cán bộ, việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển cán bộ được thực hiện có hiệu quả, đúng kế hoạch. Đã cử đi đào tạo, bồi dưỡng 9.935 lượt cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện kịp thời, đúng quy định việc nhận xét, đánh giá cán bộ, thực hiện chính sách cán bộ, thi đua khen thưởng.
Triển khai nghiêm túc việc lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo thuộc diện cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy quản lý, qua đó làm cơ sở cho việc điều động, bố trí cán bộ
Đẩy mạnh đổi mới phương pháp, phong cách, lề lối làm việc theo hướng khoa học, dân chủ, bám sát thực tiễn, nói đi đôi với làm. Trong lãnh đạo, chỉ đạo phải nắm chắc tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên, tích cực đổi mới tư duy, phương pháp và phong cách làm việc của cấp ủy đảng từ tỉnh đến cơ sở; từng bước khắc phục tình trạng quan liêu, xa dân, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của nhân dân.
Thực hiện việc phân công nhiệm vụ cho các đồng chí cấp ủy viên phụ trách các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc và theo dõi, hướng dẫn, dự sinh hoạt chi bộ đối với các tổ chức cơ sở đảng, các chi bộ thôn, tổ dân phố. Bí thư cấp ủy hàng tháng phải tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với nhân dân; định kỳ tổ chức các đoàn công tác nắm bắt tình hình, giải quyết những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở.
Trong công tác kiểm tra, giám sát, những năm qua, Tỉnh ủy Kon Tum chỉ đạo đổi mới theo hướng kiểm tra có trọng tâm, giám sát ngày càng mở rộng về nội dung, đối tượng và dần đi vào nề nếp, đảm bảo quy định. Nhiệm kỳ 2015-2020, cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, tổ chức đảng các cấp đã kiểm tra đối với 2.019 lượt đảng viên và 1.361 lượt tổ chức đảng; giám sát 722 lượt đảng viên và 692 lượt tổ chức đảng. Trong đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tiến hành 28 cuộc kiểm tra đối với 123 lượt tổ chức đảng và 31 lượt đảng viên; giám sát 24 cuộc đối với 101 lượt tổ chức đảng và 28 đảng viên.
Các cấp ủy cơ sở cũng đã nâng cao chất lượng các cuộc kiểm tra, giám sát, giải quyết các đơn, thư khiếu nại, tố cáo. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, các cấp ủy cơ sở chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát hàng năm một cách khoa học; đội ngũ làm công tác kiểm tra thường xuyên được củng cố, tăng cường, đảm bảo trình độ, năng lực và kinh nghiệm trong công tác.
Nhiệm kỳ 2015-2020, cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy các cấp đã xem xét xử lý kỷ luật 21 tổ chức đảng (tăng 16 tổ chức đảng so với nhiệm kỳ 2010-2015); cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra các cấp đã xem xét thi hành kỷ luật 887 đảng viên (tăng 381 đảng viên so với nhiệm kỳ 2010-2015).
Qua kiểm tra, giám sát đã phát huy ưu điểm, khắc phục các khuyết điểm, ngăn ngừa sai phạm, đề xuất sửa đổi, bổ sung những vấn đề còn bất cập, xử lý kỷ luật nghiêm đối với tổ chức đảng và đảng viên vi phạm, góp phần giữ vững kỷ cương, kỷ luật trong Đảng.
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025) xác định tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động của các cấp ủy, tổ chức đảng theo hướng xác định rõ những vấn đề cấp ủy quyết định, những vấn đề cấp ủy cho ý kiến và những vấn đề chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội chủ động triển khai thực hiện, tránh tình trạng cấp ủy bao biện, làm thay hoặc buông lỏng lãnh đạo.
Phương thức lãnh đạo của Đảng là yếu tố “động”, luôn luôn cần phải hoàn thiện để phù hợp với điều kiện mới. Trước yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng hiện nay, đòi hỏi Đảng bộ tỉnh tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng để lãnh đạo tỉnh phát triển nhanh và bền vững.
Sông Côn