Sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính: Nhìn vào lịch sử viết tiếp tương lai
Trong ngàn năm lịch sử hào hùng, dân tộc chúng ta đã có nhiều thành tựu đáng kinh ngạc mà cho đến tận bây giờ vẫn chưa thể lý giải bằng logic thông thường. Ai có thể tin được một đất nước nhỏ bé có thể ba lần liên tiếp chiến thắng đội quân Mông- Nguyên hùng mạnh? Bằng cách nào mà người anh hùng áo vải Quang Trung- Nguyễn Huệ có cuộc hành quân “thần tốc” đưa hàng vạn quân qua ngàn dặm đường hiểm trở để đánh đuổi quân xâm lược trong thời gian vỏn vẹn 40 ngày?... Và, những ngày này, việc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đang là nội dung được nhân dân cả nước quan tâm theo dõi, bàn luận.
|
Tuy nhiên, nhìn vào lịch sử xây dựng đất nước ngàn năm qua; đặc biệt là những thành tựu xuất sắc mà quân và dân ta đạt được trong gần một thế kỷ dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chúng ta có thể tin tưởng rằng “Cuộc cách mạng” về sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính nhất định sẽ thắng lợi, góp phần viết tiếp tương lai với tầm nhìn trăm năm, đưa chúng ta bước vào kỷ nguyên mới, “kỷ nguyên vươn mình” của dân tộc Việt Nam.
Như một sự trùng hợp ngẫu nhiên của lịch sử, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám hy sinh, đặc biệt trong thực hiện các cuộc cách mạng về sắp xếp tổ chức bộ máy tinh-gọn-mạnh; hiệu năng-hiệu lực-hiệu quả như quán triệt của Tổng Bí thư Tô Lâm khiến chúng ta nhớ về những sự kiện, thành tựu lịch sử có một không hai mà quân và dân nước Việt đã đạt được dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng cũng trên tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Trở lại những tháng năm lịch sử của cuộc kháng chiến chống Pháp. Năm 1953, nắm rõ vị trí quan trọng của Điện Biên Phủ, Pháp đã xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất ở Đông Dương, là một “pháo đài bất khả xâm phạm” với 49 cứ điểm, chia thành ba phân khu yểm hộ lẫn nhau, có cơ cấu phòng ngự vững chắc. Địch đã cho tập trung ở đây hơn 16.200 quân, gồm: 21 tiểu đoàn, trong đó có 17 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng, 1 phi đội không quân, 1 đại đội vận tải cơ giới, với ý đồ thách thức quân và dân ta, nghiền nát quân chủ lực của ta. Việc chinh phục Điện Biên Phủ được giới chuyên gia quân sự coi là nhiệm vụ “bất khả thi” đối với quân đội của một đất nước vốn bị tàn phá bởi chiến tranh như Việt Nam chúng ta.
Trước thách thức ấy, Đảng, Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng dân tộc Việt Nam đã cho thế giới câu trả lời vào ngày 7/5/1954. Sau 56 ngày đêm chiến đấu ngoan cường, khoét núi, ngủ hầm, quân và dân ta đã vượt mọi khó khăn, thử thách, làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Tướng Đờ Cát cùng toàn bộ Bộ Tham mưu của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị bắt sống. Chúng ta đã đập tan tham vọng của thực dân Pháp, tạo ra thế mạnh và thắng lợi của Việt Nam tại Hội nghị Giơnevơ.
Lại nhớ đến thời điểm nước ta mới bước vào thời kỳ đổi mới, đầu những năm 90 của thế kỷ trước, ngành điện nước ta vẫn mang tính chất chắp vá 3 lưới điện của 3 miền Bắc - Trung - Nam và không cân đối. Miền Bắc thừa điện còn miền Nam kinh tế đang phát triển khá mạnh, nhu cầu năng lượng cao nhưng không cân đối đủ. Lúc ấy, chủ trương xây dựng đường dây 500kV với độ dài trên 1.500km từ Bắc vào Nam trong thời gian 2 năm của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng bị nhiều người đánh giá là chủ trương phiêu liêu, mạo hiểm và lãng phí; từng có cả thư “bàn lùi” từ chuyên gia nước ngoài; từng bị hoài nghi về tính khả thi bởi đó là công trình mang tính tiên phong, chưa từng có tiền lệ trên thế giới trong khi nước ta còn nghèo, lạc hậu…
Tuy nhiên, sau 730 ngày đêm gian nan vất vả không thể diễn tả bằng lời, đúng 19 giờ 7 phút 59 giây ngày 27/5/1994, dòng điện Bắc - Nam đã chính thức “lưu thông” trên toàn tuyến. Sự kiện đường dây 500kV với độ dài trên 1.500km được hoàn thành trong thời gian 2 năm đã trở thành “huyền thoại”, là đường dây dài nhất thế giới lúc bấy giờ.
Từ cuộc hành quân thần tốc của vua Quang Trung, đến tinh thần quật cường trong chiến thắng Điện Biên Phủ, hay ý chí sắt đá, quyết tâm cao độ hoàn thành đường dân điện dài nhất thế giới trong thời gian không tưởng đều là khởi nguồn, là minh chứng cho tư duy dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đối diện với cái mới với nhiều chông gai thử thách để đưa đất nước lên tầm cao mới, đưa dân ta lên một cuộc sống mới ngày một tươi đẹp hơn, hạnh phúc hơn.
Chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp là một định hướng lớn, mang tầm chiến lược. Mục tiêu cao nhất của việc sắp xếp ĐVHC là nhằm phát triển đất nước, mở rộng không gian phát triển cho ĐVHC mới, phát huy vai trò dẫn dắt của các vùng động lực, hành lang kinh tế phục vụ tăng trưởng.
Sắp xếp ĐVHC và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp là yêu cầu cấp thiết, tất yếu nhằm tái định vị không gian phát triển tự nhiên và kinh tế, gắn kết về lịch sử, văn hóa, địa lý để hình thành nên một thực thể hành chính - kinh tế có quy mô đủ lớn; từ đó, mở rộng tầm phát triển đi đôi với đổi mới, nâng cao năng lực quản trị đủ mạnh, có sức cạnh tranh cao để hội nhập chuỗi giá trị quốc gia và toàn cầu. Tạo điều kiện để địa phương và đất nước ta phát triển đồng đều hơn, hình thành các trung tâm kinh tế mới có sức cạnh tranh cao hơn ở cả tầm khu vực và quốc tế.
Quan trọng hơn là để hướng tới mục tiêu hình thành chính quyền số, quản trị số, phát triển đô thị thông minh, vùng kinh tế tích hợp và hành chính linh hoạt giúp giao dịch hành chính được xử lý nhanh, minh bạch, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân và doanh nghiệp theo quan điểm “cái mới phải tốt hơn cái cũ”, nhân dân phải được phục vụ tốt hơn.
Thực hiện Nghị quyết số 60-NQ/TW, ngày 12/4/2025 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết 18 đã ban hành Kế hoạch số 47-KH/BCĐ, ngày 14/4/2025 về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW về thực hiện sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và tổ chức hệ thống chính quyền địa phương 2 cấp. Theo đó, các nhiệm vụ của bộ, ngành, địa phương được quy định rõ ràng, cụ thể về nội dung, tiến độ thực hiện, tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng” và quyết tâm chính trị cao nhất. Để thực hiện tốt các nhiệm vụ Trung ương giao trong việc sắp xếp, tổ chức lại ĐVHC. Ngay từ bây giờ các cấp ủy, địa phương, cơ quan, đơn vị xác định tầm quan trọng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung về sắp xếp, tổ chức lại ĐVHC các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp gắn với tuyên truyền thực hiện các nhiệm vụ chính trị và tuyên truyền về đại hội đảng bộ các cấp, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng; tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và định hướng tư tưởng, dư luận xã hội về việc sắp xếp, tổ chức lại ĐVHC trước, trong và sau khi triển khai thực hiện các đề án được Trung ương và tỉnh phê duyệt; xác định đây là trách nhiệm gắn liền với thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi tổ chức đảng, chính quyền, địa phương, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh.
Chủ trương sắp xếp ĐVHC là một định hướng lớn, mang tầm chiến lược của Trung ương đang được triển khai khẩn trương, kiên quyết, dứt khoát; là một cuộc cách mạng, là bước đột phá về thể chế, chuẩn bị cho “tầm nhìn 100 năm” phát triển đất nước. Nhìn vào lịch sử của dân tộc ta, của Đảng ta, chúng ta hoàn toàn có thể tự tin rằng, bằng ý chí, nghị lực, quyết tâm và tinh thần làm việc không mệt mỏi, dân tộc Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ giành chiến thắng trong cuộc cách mạng này.
Như tinh thần của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi làm đường dây điện 500kV ngày nào: "Ai ủng hộ thì đứng vào hàng ngũ, ai không ủng hộ thì đứng sang một bên", đối với chủ trương sắp xếp, tổ chức lại ĐVHC hiện nay, chúng ta cũng cần nắm vững, hiểu và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: “Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, Nhân dân ủng hộ, thì chỉ bàn làm, không bàn lùi”; tất cả vì mục tiêu đưa đất nước vươn mình, sánh vai với thế giới như ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và toàn dân tộc.
Đào Hiền