Xây dựng dân chủ xã hội chủ nghĩa
Những năm qua, quan điểm của Đảng, Nhà nước ta về dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân đang được vận dụng, cụ thể hóa ở tỉnh Kon Tum một cách sâu rộng.
Dân chủ xã hội chủ nghĩa được thực hiện thông qua nhiều hình thức với nhiều cơ chế phù hợp với thực tiễn. Trong đó, hình thức dân chủ đại diện, được thực hiện thông qua hoạt động của hệ thống chính trị, bao gồm Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, theo cơ chế Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ.
Dân chủ trực tiếp của nhân dân được phát huy thực hiện quyền bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp; thực hiện quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND khi họ không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của cử tri. Tham gia ý kiến khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân; tham gia quản lý nhà nước và xã hội, thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Những năm qua, quan điểm của Đảng, Nhà nước ta về dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân đang được vận dụng, cụ thể hóa ở tỉnh Kon Tum một cách sâu rộng.
|
Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quán triệt, cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về thực hiện cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, phát huy quyền làm chủ của nhân dân thành các quy định, chỉ thị, chương trình hành động, kế hoạch cụ thể.
Trên cơ sở đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức quán triệt và xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện phù hợp với đặc điểm, tình hình, nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị.
Công khai các nội dung dân biết về những chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của công dân và địa phương theo quy định.
Đi đôi với việc công khai chủ trương, chính sách, các địa phương, đơn vị thực hiện mở rộng dân chủ để nhân dân tham gia bàn bạc và quyết định trực tiếp về chủ trương và mức đóng góp toàn bộ hoặc một phần kinh phí; tạo mọi điều kiện để dân bàn bạc, thảo luận và quyết định nhiều công việc ở khu dân cư, đặc biệt là trong xây dựng nông thôn mới, thu hồi đất, đền bù, tái định cư.
Dân chủ được phát huy, đi liền với tăng cường pháp chế, kỷ cương xã hội; phê phán và nghiêm trị những hành vi vi phạm quyền làm chủ của nhân dân, những hành vi lợi dụng dân chủ làm tổn hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc, gây mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Chỉ trong năm 2022, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã tiến hành kiểm tra 1.776 đảng viên và 614 tổ chức đảng; giám sát 1.696 đảng viên và 479 tổ chức đảng; xem xét thi hành kỷ luật 206 đảng viên và 3 tổ chức đảng (giảm 8 đảng viên, tăng 2 tổ chức đảng so cùng kỳ năm trước).
Lực lượng Công an các cấp đã phát hiện 3.216 vụ phạm pháp hình sự; đã khởi tố 1.832 vụ; đề nghị truy tố 1.400 vụ (tỷ lệ trung bình đạt khoảng 75%, trong đó án hình sự nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt 95%); đã tiếp nhận giải quyết 3.462 tin báo tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố, đã giải quyết 3.140 tin, đạt 90,7%.
Quá trình phát triển kinh tế luôn đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, thể hiện ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển. Mỗi chính sách kinh tế đều hướng tới mục tiêu phát triển xã hội, ngược lại, mỗi chính sách xã hội tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Người dân không chỉ bình đẳng về quyền mà còn bình đẳng về điều kiện, cơ hội để làm chủ Nhà nước, làm chủ xã hội. Các tầng lớp nhân dân được tạo điều kiện vươn lên làm chủ trong đời sống kinh tế; phát huy các nguồn lực và khả năng sáng tạo để thực hiện quyền “tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình xây dựng, thực thi dân chủ xã hội chủ nghĩa ở địa phương vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định.
Đó là nhận thức về dân chủ trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân còn hạn chế. Quyền làm chủ của nhân dân có lúc, có nơi, có lĩnh vực còn bị vi phạm, nhất là trong đền bù, giải phóng mặt bằng.
Có lúc, có nơi, việc thực hiện dân chủ còn hạn chế hoặc mang tính hình thức. Có tình trạng lợi dụng dân chủ gây chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ, gây rối, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội. Có cấp ủy đảng, cơ quan nhà nước, cán bộ, đảng viên, công chức chưa là tấm gương về phát huy dân chủ trong xã hội.
Vì vậy trong thời gian tới, để phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, cấp ủy, chính quyền các cấp cần xác định rõ dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Tiếp tục thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở; bảo đảm để nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của nhân dân, từ nêu sáng kiến, tham gia thảo luận, tranh luận đến giám sát quá trình thực hiện.
Phát huy dân chủ phải đi liền với tăng cường pháp chế, đề cao trách nhiệm công dân, giữ vững kỷ cương và đề cao đạo đức xã hội. Phê phán những biểu hiện dân chủ cực đoan, dân chủ hình thức; xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng dân chủ và những hành vi vi phạm quyền dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân.
Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải tăng cường nghiên cứu, vận dụng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trong đó có quan điểm về xây dựng dân chủ xã hội chủ nghĩa vào công việc hàng ngày. Từ đó tạo bước chuyển biến về nhận thức cũng như thực hiện quyền làm chủ ở từng cơ quan, tổ chức, đơn vị và trong nhân dân, góp phần xây dựng địa phương, đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Sông Côn