Trường Sa: Vững vàng nơi đầu sóng - Kỳ II: “Hòn ngọc” xanh giữa biển Đông
Xác định việc phủ xanh quần đảo Trường Sa có ý nghĩa rất lớn trong ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế quốc phòng, tạo cảnh quan môi trường, là phên giậu che chắn gió bão và góp phần vào khả năng phòng thủ, chiến đấu, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đã triển khai một chương trình chiến lược mang tên “Xanh hóa Trường Sa” bắt đầu từ năm 2022, để các đảo trở thành những “hòn ngọc” xanh giữa biển Đông.
|
Từ Nghị quyết…
Ngày 28/1/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó xác định xây dựng và phát triển huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước và là “pháo đài” vững chắc bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.
Đại tá Lê Đình Hải - Phó Lữ đoàn 146, Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) cho biết, thực hiện Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đã triển khai ngay Chương trình “Xanh hóa Trường Sa” trên tất cả các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Để đạt mục tiêu đến năm 2030 trồng mới được 1,5 triệu cây xanh, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh đã tích cực tuyên truyền, phối hợp hiệp đồng, vận động hỗ trợ cây giống, vật tư từ nhiều nguồn.
“Chúng tôi xác định việc phủ xanh các đảo có ý nghĩa rất lớn, đó là để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế quốc phòng; xây dựng cảnh quan môi trường, điều hòa khí hậu, tạo bóng mát, những phên giậu che, chắn gió, bão, góp phần trực tiếp vào khả năng phòng thủ, chiến đấu, tăng gia, bảo đảm rau xanh cho quân và dân trên đảo” - Đại tá Lê Đình Hải chia sẻ.
Thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, các đảo đã đồng loạt ra quân, khắc phục mọi khó khăn về thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng và cả nguồn giống với quyết tâm đạt kết quả cao nhất.
Thượng tá Phạm Tiến Điệp - Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên đảo Trường Sa cho biết: Mặc dù trồng cây xanh, trồng rau gặp vô vàn khó khăn, nhưng đây là một chủ trương đúng, lợi ích mang lại là không thể đong đếm nên được toàn thể cán bộ, chiến sĩ và người dân ủng hộ rất nhiệt tình.
Cũng theo Thượng tá Điệp, đảo đã triển khai trồng cây xanh, trồng rau từ nhiều năm trước, tuy nhiên khi có Chương trình “Xanh hóa Trường Sa” thì việc phủ xanh đảo được tập trung triển khai hiệu quả hơn. Tất cả các cơ quan, đơn vị, lực lượng được huy động vào cuộc. Riêng Đảng bộ đã ban hành Nghị quyết chuyên đề riêng về “Xanh hóa Trường Sa”, trong đó giao chỉ tiêu mỗi chiến sĩ trồng, chăm sóc sống được ít nhất từ 5-10 cây/năm; đối với cán bộ, đảng viên thì số lượng cây trồng nhiều hơn.
Còn tại đảo Đá Tây A, chương trình cũng được Đảng ủy, Ban Chỉ huy đảo quan tâm và có nghị quyết lãnh đạo sát, đúng với tình hình thực tế. Thượng tá Nguyễn Tường Tín - Chỉ huy trưởng đảo Đá Tây, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa cho biết: Chúng tôi đã xem xét lại tổng thể quy hoạch chung của đảo, tính toán trồng thay thế một số loại cây, hướng đến đa dạng chủng loại và mang tính đặc trưng, phát triển bền vững.
Chương trình “Xanh hóa Trường Sa” nhận được sự quan tâm, ủng hộ của toàn quân, toàn dân trong cả nước. Tại các đảo, chỉ tiêu trồng cây được giao cụ thể cho các hộ gia đình, các đơn vị phối thuộc. Những cây trồng được gắn tên từng cá nhân, tập thể để hàng tháng, quý, năm, Ban Chỉ huy các đảo nghiệm thu và đánh giá. Đây là một tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong năm của cán bộ, chiến sĩ.
|
… đến “Xanh hóa Trường Sa”
Từ xa nhìn lại, đảo Trường Sa, Đá Tây A, Sinh Tồn Đông hay Song Tử Tây… như những “hòn ngọc” xanh giữa biển Đông. Có được kết quả này là do công sức của bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ và người dân Trường Sa từ bao năm qua, nhất là từ khi Chương trình “Xanh hóa Trường Sa” được triển khai.
Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và đồng bào, chiến sĩ trên cả nước, hàng ngàn cây bóng mát, cây ăn trái và các loại hạt rau đã được gửi ra các đảo theo những chuyến tàu mang tình cảm, hơi ấm đất liền.
Đồng thời, để chủ động nguồn giống, các đảo đã làm mới và mở rộng vườn ươm với diện tích 3.500m2 để nhân giống các loại cây bản địa như phi lao, bàng ta, tra, mù u, xoài, bàng vuông… Sau hơn 2 năm, các đảo đã chiết, ươm và huy động hỗ trợ được gần 450.000 cây (riêng đảo Trường Sa và Đá Tây A ươm trồng được hàng trăm ngàn cây để phủ xanh đảo và gửi tặng các đảo), hơn 150 tấn phân bón và gần 600 tấn đất dinh dưỡng; đã trồng mới được hơn 80 ngàn cây xanh trên toàn quần đảo Trường Sa.
Trò chuyện với chúng tôi dưới tán cây bàng vuông, thân chi chít những vết “sẹo”, Thượng tá Trần Quang Phú - nguyên Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa, nguyên Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa giãi bày: Để trồng được cây xanh ở Trường Sa rất gian nan bởi thời tiết khắc nghiệt và đất nghèo dinh dưỡng. Có những cây chăm sóc nhiều năm mới lớn lên được, nhưng cứ mỗi đợt bão là hàng loạt cây lại gãy đổ, bật gốc. Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân lại thu dọn, dựng lại cây rồi chăm sóc, và mầm xanh lại mọc lên từ chính vết gãy đổ. Chính vì vậy mà các cây xanh ở đây, nhất là cây bàng vuông luôn có hình thù lạ.
Để “chống” lại sự khắc nghiệt của thời tiết và thổ nhưỡng, cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo đã cùng nhau nghiên cứu ra nhiều giải pháp.
“Ở đây chủ yếu là cát và san hô nên chúng tôi đã nhờ các chuyến tàu mang đất từ đất liền ra đảo để trộn lẫn với cát và san hô đập vụn. Đặc thù nơi đây chỉ có mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa thích hợp trồng cây nhưng lại hay có gió lớn, triều cường và hơi mặn của nước biển, gặp nắng chỉ sau vài tiếng lá cây sẽ bị cháy, nên việc trồng, chăm sóc phải kỹ lưỡng. Đối với cây nhỏ phải dùng bạt, lưới che chắn; dùng dây, cây, cọc để cột giữ cây, đồng thời phải rửa mặn cho lá. Để giải “bài toán” thiếu nước vào mùa khô, nước sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ được tận dụng để tưới cho cây. Ngoài ra, căn cứ vào lượng mưa và loại cây mà xuống giống cho phù hợp” - Thượng tá Trần Quang Phú chia sẻ.
Với phương pháp này, những mầm xanh đã từ từ lớn lên, cứng cáp, khỏe mạnh, chống chọi với phong ba, bão táp. Không chỉ ở đảo Trường Sa mà “bí kíp” này đã được nhân rộng tại các đảo, nâng độ phủ xanh tại các đảo hiện nay lên gần 90%.
Không chỉ trồng cây xanh, cây bóng mát, các đảo còn phát động trồng cây ăn trái và trồng rau xanh vừa cải thiện bữa ăn vừa kết hợp xanh hóa đảo. Đủ các loại hạt giống rau, quả được mang ra từ đất liền như mồng tơi, cải, muống, cúc tần, bầu, bí, mướp. Hiện rau xanh cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu trên đảo. Tùy thuộc vào đặc điểm thổ nhưỡng của từng đảo mà các loại cây ăn quả được lựa chọn trồng phù hợp. Ví dụ như đảo Niêm Yết, Sơn Ca thì trồng dừa, đảo Trường Sa trồng chuối và đu đủ...
|
Đến từ thành phố “hoa phượng đỏ” Hải Phòng, Thượng tá Nguyễn Tường Tín - Chỉ huy trưởng đảo Đá Tây mỗi lần về phép lại mang ra đảo vài cây phượng vĩ, bằng lăng.
Anh tâm sự, ở đây cây phi lao được trồng sớm nhất và nhiều nhất với hàng vạn cây bao quanh đảo. Từ khi có Chương trình “Xanh hóa Trường Sa” cây phi lao tiếp tục được trồng mới thay thế những cây già cỗi, bị gãy hoặc sâu bệnh. Ngoài các cây trồng quen thuộc như bàng vuông, tra, mù u…, đảo đang nghiên cứu trồng thử nghiệm một số loài cây có giá trị kinh tế như giáng hương, sao đen…
Chương trình “Xanh hóa Trường Sa” mới “đi” được hơn ¼ chặng đường nhưng đã góp phần tích cực thay đổi diện mạo quần đảo Trường Sa; xây dựng Trường Sa “Mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường, mẫu mực về đoàn kết quân dân”.
Kỳ III: Thiêng liêng lời thề giữa trùng khơi
Dương Nương