Trường Sa: Vững vàng nơi đầu sóng - Kỳ IV: “Điểm tựa” cho ngư dân vươn khơi bám biển
Cùng với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và bảo đảm an ninh trên biển, thời gian qua, công tác dân vận luôn được cán bộ, chiến sĩ trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa quan tâm triển khai hiệu quả, thực sự trở thành “điểm tựa” vững chắc để ngư dân an tâm vươn khơi bám biển.
Giúp đỡ ngư dân gặp nạn
Sáng 28/12/2024, Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa tiếp nhận bệnh nhân là thuyền viên Nguyễn Sang, 51 tuổi, trú tại phường Tam Quan, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định bị đau ruột thừa khi đang cùng 14 thuyền viên khác vươn khơi đánh bắt hải sản. Ngay sau khi tiếp nhận, bác sĩ- Đại úy Hồ Sỹ Ngọc đã thăm khám, hội chẩn với các bác sĩ tại Trung tâm Y tế và tiến hành phẫu thuật ngay.
Sau hơn 1 ngày nhập viện, sức khỏe ông Sang đã hồi phục tốt. “Tôi cảm ơn các bác sĩ rất nhiều, không có các bác sĩ cứu chữa kịp thời thì không biết tôi sẽ như thế nào” - ông Sang rưng rưng nói.
Thuyền viên Trương Văn Lâm, người được cử ở lại đảo chăm sóc ông Sang kể lại: Chuyến ra khơi đánh bắt cá lần này chúng tôi dự kiến đi chừng một tháng, sát tết âm lịch mới về, nhưng mới ra khơi được 2 hôm thì ông Sang bị đau bụng dữ dội. Chúng tôi đã cho tàu tăng tốc để có thể tới đảo Trường Sa nhanh nhất, nhờ các bác sĩ giúp đỡ. Các bác sĩ chăm sóc tận tình lắm. Toàn bộ chi phí điều trị, ăn uống cho bệnh nhân và cả cho tôi đều được miễn phí.
“Làm nghề đánh bắt xa bờ, mỗi năm chúng tôi ra khơi hàng chục chuyến tại vùng biển này. Mỗi khi ra khơi, bám ngư trường đánh bắt xa bờ, giữa mênh mông sóng nước biết bao là nguy hiểm, gian nan nhưng chúng tôi lại rất yên tâm vì ở đây đã có các chiến sĩ Hải quân như những người anh em ruột thịt, luôn đồng hành cùng chúng tôi, bảo vệ, giúp đỡ khi chúng tôi cần. Với chúng tôi “Đảo là nhà, biển là quê hương””- ông Lâm xúc động bày tỏ.
|
Bác sĩ- Đại úy Hồ Sỹ Ngọc từ Bệnh viện Quân y 175 ra đảo Trường Sa công tác được hơn 1 năm, anh cho biết: Ngư dân đánh bắt xa đất liền, thiếu thốn thiết bị y tế trên thuyền nên khi ngư dân cần là chúng tôi hỗ trợ giúp đỡ hết mình, đảm bảo sức khỏe cho ngư dân và gắn kết tình cảm quân dân để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển đánh bắt hải sản, vừa phát triển kinh tế, vừa khẳng định chủ quyền của đất nước ta.
Không chỉ hỗ trợ y tế, cán bộ, chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa còn tích cực giúp đỡ ngư dân trong những tình huống nguy hiểm. Anh Nguyễn Văn Nhớ - Thuyền trưởng tàu PY96179TS kể lại, vào ngày 20/9/2024 trong lúc đang dong thuyền ra khơi đánh bắt cá, khi tới vùng biển gần đảo Đá Tây A do sóng to, gió lớn nên đã đẩy thuyền đi lệch làn dạt vào khu vực bãi san hô và mắc kẹt luôn không thể nào ra được. Khi nhận thấy tàu không thể tự thoát khỏi khu vực nguy hiểm, chúng tôi đã liên hệ đội cứu hộ trên đảo nhờ hỗ trợ.
Ngay khi nhận được thông tin, lực lượng trên đảo Đá Tây A nhanh chóng xác định vị trí tàu đánh bắt cá gặp nạn cách đảo khoảng hơn 3 hải lý. “ Xác định được mức độ nguy hiểm nếu không được cứu hộ kịp thời thì rất có thể tàu sẽ bị sóng to đánh bục nên chúng tôi đã nhanh chóng triển khai các biện pháp ứng cứu. Song song với huy động lực lượng, chúng tôi đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá điều một thuyền lớn ra cứu hộ và gọi điện hướng dẫn thuyền trưởng và các thuyền viên triển khai ngay các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản. Sau gần 1 ngày chúng tôi đã kéo được chiếc tàu của ngư dân ra khỏi bãi cạn an toàn” - Trung tá Trần Văn Phúc - Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng đảo Đá Tây kể lại.
Trên đây chỉ là 2 trong rất nhiều vụ việc giúp đỡ ngư dân gặp nạn của cán bộ, chiến sĩ Trường Sa. Riêng trong 10 năm gần đây, Vùng 4 Hải quân đã thực hiện hơn 650 lượt tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn hơn 6.000 ngư dân, cứu kéo gần 200 lượt tàu cá bị nạn trên biển; tiến hành cấp cứu, phẫu thuật cho hàng trăm ngư dân...
Đồng hành cùng ngư dân
Trên quần đảo Trường Sa, những người lính Hải quân không chỉ là những người bảo vệ chủ quyền biển, đảo, mà còn là điểm tựa vững chắc, đồng hành cùng ngư dân vươn khơi. Việc đồng hành, hỗ trợ ngư dân không chỉ dừng lại ở việc cung cấp thông tin thời tiết, hướng dẫn khai thác hải sản theo quy định, mà còn bao gồm cứu hộ cứu nạn, hỗ trợ y tế, lương thực, thực phẩm. Những câu chuyện cứu nạn, những chuyến tàu được tiếp tế trên biển đã trở thành những ký ức đẹp trong lòng mỗi ngư dân, làm sống động tinh thần đoàn kết quân dân.
Thượng tá Trần Quang Phú - nguyên Chỉ huy trưởng Đảo Trường Sa kể, nhiều câu chuyện về tình quân dân và về sự đồng hành của lực lượng Hải quân, Biên phòng trên biển được chúng tôi luôn nhớ. Như vào cuối năm 2022, có một ngư dân ở tỉnh Bình Định ghé đảo Trường Sa nhờ giúp đỡ trong tình trạng bàn tay phải bị máy xay đá cắt nát. Bác sĩ ở đây đã tiến hành nối gân với 103 mũi. Sau 2 năm, ngư dân này có chuyến đánh bắt cá ngang qua đảo, đã ghé tặng cán bộ, chiến sĩ cá đánh bắt được và dưa hấu mang từ đất liền ra như một lời tri ân. Hay những chuyến tàu vừa ra khơi đã gặp nạn nên ghé âu tầu, ghé đảo nhờ hỗ trợ lương thực, thực phẩm, sửa chữa; có những chuyến tàu gặp nạn hoặc do thời tiết xấu không kịp về đón Tết, cán bộ, chiến sĩ trên đảo đều tới thăm, tặng quà, chúc tết và hỗ trợ hết sức có thể.
Tại quần đảo Trường Sa, đội ngũ y, bác sĩ quân y không ngại khó khăn, sẵn sàng cứu chữa bệnh nhân như người thân. Hàng trăm ngư dân được chăm sóc sức khỏe, an tâm bám biển. Các ca bệnh ngư dân thường gặp là chấn thương hoặc đau bụng cấp. Đối với các ca bệnh khó, đội ngũ y, bác sĩ sẽ hội chẩn với các bác sĩ ở Bệnh viện Quân y 175 trong đất liền đưa ra phương án chữa trị phù hợp. Đối với những trường hợp vượt quá khả năng của các y bác sĩ trên đảo, bệnh nhân sẽ được chuyển về đất liền bằng đường biển nếu tình trạng không quá nguy hiểm, hoặc bằng trực thăng trong trường hợp khẩn cấp.
Tuy xa đất liền nhưng nhờ sự quan tâm, chăm lo chu đáo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, các cơ sở y tế tại các đảo đều được đầu tư trang thiết bị đồng bộ, hiện đại, trở thành nơi tiếp nhận, chữa trị các ca bệnh trên các đảo, điểm đảo. Trong đó, Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa được xem như bệnh viện tuyến trên bởi được đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị, dụng cụ y tế; được tăng cường đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn cao từ Bệnh viện Quân y 175, 108. Trong năm 2024, trung tâm đã làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ, người dân trên đảo và ngư dân. Cụ thể đã khám, phát thuốc điều trị cho gần 2.000 lượt cán bộ, chiến sĩ, người dân trên đảo và ngư dân; cấp cứu 98 ca, tiến hành phẫu thuật 168 ca và chuyển 3 ca bằng trực thăng về đất liền, trong đó bệnh nhân chủ yếu là ngư dân.
|
Cùng với việc hỗ trợ y tế, cứu hộ, cứu nạn trên biển, tại các đảo có các âu tàu làm nơi neo đậu an toàn cho hàng trăm tàu cá của ngư dân mỗi khi biển động, có làng chài với sức chứa hàng trăm ngư dân tránh trú bão khi gặp thời tiết xấu trên biển. Tại các đảo có người dân sinh sống đều có Trung tâm Dịch vụ hầu cần kỹ thuật hoặc Trạm Dịch vụ hậu cần nghề cá chuyên sửa chữa, cung cấp dầu cho tàu cá của ngư dân với giá bán bằng giá trong đất liền. Ngư dân được cung cấp nước ngọt miễn phí và được hỗ trợ một phần lương thực, thực phẩm.
Đại tá Phạm Văn Thọ - Chính ủy Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân cho biết: Với phương châm “Cứu giúp nhân dân là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình, là mệnh lệnh từ trái tim người lính”, “Khi dân cần, khi dân khó có bộ đội Hải quân”, Vùng 4 Hải quân đã và đang triển khai có hiệu quả Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển” và các hoạt động dân vận trên địa bàn đóng quân. Lực lượng Hải quân luôn nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành đặc biệt xuất sắc nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ, bảo vệ ngư dân bằng tất cả tình cảm, trách nhiệm và khả năng cao nhất. Trong bất luận điều kiện, hoàn cảnh nào, lực lượng và phương tiện của Vùng luôn sẵn sàng cơ động, xuất phát, có mặt kịp thời để cứu giúp ngư dân khi bị nạn.
Mỗi đảo, điểm đảo, mỗi con tàu và mỗi cán bộ, chiến sĩ của Vùng 4 Hải quân đã và đang thực sự là “điểm tựa” vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển phát triển kinh tế và cùng góp sức với các lực lượng bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng nơi tiền tiêu của Tổ quốc.
Dương Nương