Chế biến sâu, góp phần nâng cao giá trị nông sản
Phát triển công nghiệp chế biến là giải pháp tối ưu để nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh cho hàng hóa nông sản. Từ đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Sản xuất nông nghiệp của tỉnh ngày càng phát triển, diện tích các loại cây trồng không ngừng được mở rộng với khoảng 29.962ha cà phê, 79.018 ha cao su, 3.589ha mắc ca, 11.469ha trồng cây ăn quả, 2.436ha sâm Ngọc Linh và 8.239 ha trồng cây dược liệu khác, 1.755 ha cây mía.
Bước đầu trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, quy mô lớn phục vụ cho công nghiệp chế biến. Cụ thể như vùng chuyên canh cà phê vối tại huyện Đăk Hà, Đăk Tô, Ngọc Hồi; vùng chuyên canh cà phê chè tại huyện Kon Plông, Đăk Glei. Hay như vùng sản xuất tập trung cây cao su tại thành phố Kon Tum, huyện Sa Thầy và một số địa bàn khác. Hoặc vùng trồng cây ăn quả tại các huyện Đăk Hà, Sa Thầy, Ia H’Drai, thành phố Kon Tum; vùng chuyên canh Sâm Ngọc Linh tại 2 huyện Đăk Glei và Tu Mơ Rông.
|
Với định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến, mở rộng thị trường tiêu thụ, thời gian qua, tỉnh ta quan tâm thu hút, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản.
Chẳng hạn như Công ty TNHH APANAX (huyện Đăk Hà), nhận thấy lợi thế vùng nguyên liệu trái cây, đặc biệt là chuối và mít dồi dào, chất lượng tại địa phương, từ năm 2020, Công ty đầu tư hệ thống nhà xưởng, máy móc hiện đại sản xuất các loại trái cây sấy giòn, sấy dẻo. Trung bình mỗi tháng Công ty này thu mua 30-50 tấn chuối và khoảng 100 tấn mít của bà con nông dân. Hiện, 2 dòng sản phẩm chuối sấy JOY và mít sấy OHJOY của Công ty đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao và là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Kon Tum năm 2024.
Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp, sản xuất và thương mại Sáu Nhung (huyện Đăk Hà) có vùng nguyên liệu 300ha cà phê được sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng cao, an toàn thực phẩm như VietGap, UTZ, 4C. HTX đã đầu tư nhà xưởng sơ chế, máy móc thiết bị hiện đại chế biến cà phê nhân xô thành các sản phẩm như cà phê bột nguyên chất, cà phê hòa tan, tinh cà phê. Hiện, HTX đã có 5 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3- 4 sao, 1 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2024. Các sản phẩm cà phê Sáu Nhung từng bước khẳng định được “chỗ đứng” trên thị trường cà phê Việt. Điều đáng nói, so với việc bán cà phê nhân xô, sản phẩm cà phê chế biến cho hiệu quả kinh tế cao hơn trên 25%, giúp nâng cao giá trị hạt cà phê và tăng thu nhập cho người sản xuất.
Thực tế cho thấy, việc phát triển chế biến sâu đã góp phần làm gia tăng giá trị cho các nông sản, nâng cao thu nhập cho người sản xuất trên cùng một đơn vị diện tích.
|
Trên địa bàn tỉnh hiện có 8 nhà máy chế biến tinh bột sắn đang hoạt động, với tổng công suất thiết kế đạt trên 1.300 tấn tinh bột/ngày; 13 dự án chế biến mủ cao su tổng công suất thiết kế của các nhà máy đạt trên 90.000 tấn/năm; 1 nhà máy sản xuất đường với công suất thiết kế 2.500 tấn/ngày.
Toàn tỉnh hiện 40 cơ sở sản xuất, chế biến cà phê bột, cà phê hòa tan, trong 3 cơ sở với quy mô vừa là Công ty TNHH MTV Nguyên Huy Hùng, Công ty xuất nhập khẩu cà phê Đăk Hà, HTX nông nghiệp, sản xuất và thương mại Sáu Nhung (Đăk Hà) và 37 cơ sở nhỏ lẻ, hoặc quy mô hộ gia đình. Sản lượng cà phê bột chế biến đạt 150 tấn /năm. Cà phê Kon Tum được xuất khẩu sang nhiều thị trường Singapore, Bỉ, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha, Mê-Hi-Cô.
Bên cạnh đó, thời gian gần đây, ngành nghề chế biến dược liệu, rau củ quả cũng thu hút được một số doanh nghiệp quan tâm, đầu tư, như Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum, Công ty TNHH MTV Sim Thiên Sơn, Công ty TNHH Thái Hòa Kon Tum, Công ty Biophap, Công ty Cổ phần Nước giải khát Ngọc Linh. Các doanh nghiệp kể trên đã góp phần sản xuất ra nhiều dòng sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng như tinh chất sâm SK5, trà túi lọc sâm SK5, Cà phê Sâm Ngọc Linh, Trà Ô Long Sâm Ngọc Linh; Cao Sâm Ngọc Linh, Sâm dây Ngọc Linh sấy giòn.
Dù đã có những chuyển biến tích cực, song theo đánh giá của ngành chức năng, việc phát triển công nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của địa phương, các sản phẩm nông nghiệp qua chế biến còn hạn chế. Các cơ sở, nhà máy chế biến nông sản chưa nhiều, quy mô nhỏ. Hoạt động liên kết giữa các vùng sản xuất nguyên liệu và đầu tư phát triển công nghiệp chế biến còn rời rạc, công tác phát triển thị trường tiêu thụ chưa được chú trọng.
Để thúc đẩy công nghiệp chế biến phát triển, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đang tích cực kêu gọi, thu hút đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất; tập trung ưu tiên cho một số ngành hàng như chế biến sữa, chế biến trái cây, dược liệu. Đồng thời, tỉnh đã đề ra mục tiêu phấn đấu phát triển ngành công nghiệp chế biến sâu đến năm 2025 với kế hoạch cụ thể, chi tiết. Từ đó, nâng cao giá trị những sản phẩm nông nghiệp mà tỉnh có lợi thế, nâng cao thu nhập cho nông dân, đưa kinh tế nông nghiệp phát triển, đóng góp vào phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Thiên Hương