Chủ động phòng ngừa, ứng phó với thiên tai
Thiên tai ngày càng cực đoan, diễn biến khó lường, nguy cơ rủi ro thiên tai ngày càng gia tăng, khó dự báo. Trước tình hình đó, tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp chủ động nhằm giảm thiểu thiệt hại và bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân.
|
Năm 2024, ảnh hưởng của mưa bão, lũ lụt đã làm 84 nhà, 13 điểm trường, 1 trụ sở y tế, 8 nhà văn hóa, 3 trụ sở làm việc bị hư hỏng, tốc mái; khoảng 12,5ha cây trồng bị ngập úng, cuốn trôi; 25 công trình thủy lợi bị ảnh hưởng; nhiều quốc lộ, tỉnh lộ bị sạt lở nghiêm trọng ước tính thiệt hại hơn 120 tỷ đồng.
Từ đầu năm đến nay, hạn hán làm 3ha lúa bị khô hạn, nhiều diện tích cà phê bị thiếu nước, giảm năng suất; dông lốc, mưa, lũ làm 3 người chết, 7 người bị thương, 84 nhà dân bị tốc mái, 5 điểm trường bị ảnh hưởng.
Tỉnh Kon Tum đã bước vào mùa mưa, tình hình thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp. Với địa hình đồi núi cao, hệ thống sông, suối nhiều nên tỉnh đối diện với nhiều nguy cơ xảy ra lũ, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống.
Ông Nguyễn Văn Huy- Giám đốc Đài Khí tượng- Thủy văn tỉnh cho biết: Từ tháng 5-11, trên địa bàn tỉnh khả năng xảy ra khoảng 7-9 đợt mưa lớn diện rộng, mỗi đợt kéo dài từ 1-3 ngày, gây lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất. Từ tháng 7-12, khả năng có 3-4 cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến tỉnh, gây mưa lớn trên diện rộng, khiến cho mực nước trên các sông tăng, khả năng xuất hiện từ 4-5 đợt lũ.
Vì vậy, tăng cường công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn là nhiệm vụ quan trọng để bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân, góp phần đảm bảo ổn định đời sống và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
|
Nhằm nâng cao trách nhiệm, năng lực chỉ đạo, xử lý tình huống, triển khai các giải pháp phòng ngừa, ứng phó với các sự cố thiên tai, ngày 6/5/2025, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025 trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu đề ra là chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, hiệu quả, trong đó, lấy phòng tránh là chính. Các đơn vị, địa phương trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh chủ động xây dựng phương án, tổ chức thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn.
Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi hiện quản lý 172 công trình đập, hồ chứa nước, trong đó, có 20 công trình quy mô lớn, 28 công trình quy mô vừa và 124 công trình nhỏ cùng 7 trạm bơm điện .
Ông Nguyễn Văn Dẫn- Phó Giám đốc Công ty cho biết: Để đảm bảo an toàn cho các đập, hồ chứa nước trong mùa mưa năm 2025, Công ty đã chỉ đạo kiểm tra, rà soát phương án ứng phó thiên tai của tất cả các công trình thủy lợi do đơn vị quản lý, khai thác; đánh giá, xác định mức độ an toàn của công trình để triển khai phương án vận hành điều tiết phù hợp và tiến hành sửa chữa, khắc phục các hạng mục bị hư hỏng. Thực hiện vận hành công trình theo quy trình, phối hợp với chính quyền địa phương nơi có công trình để chủ động huy động nhân lực, vật tư, trang thiết bị để kịp thời ứng phó khi có sự cố xảy ra.
Thời gian qua, trên địa bàn huyện Đăk Hà thường xuyên chịu ảnh hưởng của các loại thiên tai như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, mưa đá, lốc xoáy, dông sét, hạn hán gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sản xuất và sinh hoạt của người dân, nguy cơ mất an toàn cho các công trình hạ tầng.
Theo ông Nguyễn Minh Vương- Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà, huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn, xã, thị trấn theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, ứng phó với thiên tai với tinh thần “Chủ động phòng, tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả. Trong đó, lấy phòng, tránh là chính”; phát huy vai trò, trách nhiệm của ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của địa phương, thực hiện tốt phương châm “Bốn tại chỗ”. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức về phòng, chống thiên tai, đặc biệt là lũ quét, sạt lở đất để nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng tránh của người dân. Vận động các doanh nghiệp, tiểu thương tham gia dự trữ lương thực, thuốc men, các loại nhu yếu phẩm để sẵn sàng cung ứng cho người dân khi cần thiết.
Trong công tác phòng, chống thiên tai, việc phản ứng nhanh, ngay từ đầu sẽ giúp giảm đến mức thấp nhất thiệt hại, do đó, việc xây dựng các đội xung kích phòng, chống thiên tai của các xã, phường được UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai- Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh chú trọng triển khai. Đến nay, tỉnh đã thành lập và duy trì được đội xung kích phòng, chống thiên tai với khoảng 5.200 người tham gia. Đây là lực lượng tuyến đầu trong hỗ trợ và sơ tán khẩn cấp người dân tại các khu vực xảy ra ngập lụt, chia cắt, cô lập đến nơi an toàn, canh gác, hướng dẫn tại những nơi bị ngập sâu, sạt lở, chia cắt; hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, có vai trò nòng cốt thực hiện phương châm “4 tại chỗ” ở cơ sở.
Thiên tai xảy ra bất thường, khó lường và không thể kiểm soát hoàn toàn. Nhưng chắc chắn với sự chủ động, chuẩn bị chu đáo của các cấp, ngành của tỉnh sẽ góp phần giảm thiểu thiệt hại.
Thiên Hương