Chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp ở Ngọc Hồi
Những năm qua, phát triển nông nghiệp trên địa bàn huyện Ngọc Hồi đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Trong lĩnh vực trồng trọt, huyện Ngọc Hồi triển khai thực hiện trình diễn, khảo nghiệm một số mô hình trồng giống lúa lai, lúa mới có chất lượng, năng suất (ST 24, 25, Nhị ưu 838, Hương thơm, RVT...); mô hình trồng cây bắp lai trên đất lúa thiếu nước (giống bắp CP989, LVN 10); mô hình trồng rau an toàn theo hướng VietGap; mô hình trồng cà phê vối (giống cà phê xanh lùn, cà phê lai đa dòng); Đề án cao su tiểu điền. Các mô hình này bước đầu đem lại kết quả tích cực, nâng cao giá trị kinh tế, thu nhập cho hộ sản xuất trên cùng một đơn vị diện tích, mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp.
Ngành chức năng và các địa phương trên địa bàn huyện Ngọc Hồi tích cực tuyên truyền vận động, hướng dẫn để hình thành một số tổ hợp tác chăn nuôi phát triển hiệu quả và triển khai nhiều mô hình chăn nuôi như: mô hình nuôi heo an toàn; mô hình nuôi cá an toàn; nuôi gà thả vườn; thụ tinh nhân tạo để cải tạo đàn bò; áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
|
Từ nguồn vốn khác nhau của các chương trình MTQG, nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp, vốn khoa học và công nghệ, huyện Ngọc Hồi xây dựng các mô hình điểm, hỗ trợ người dân liên kết phát triển sản xuất, góp phần thay đổi phương thức canh tác và tăng thu nhập.
Tổ hợp tác trồng rau an toàn 365 tại thôn Ngọc Yên Phúc (xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi) hiện có 12 thành viên. Năm 2018, với mong muốn hợp tác, liên kết trong sản xuất, các hộ dân tại đây đã được ngành chức năng huyện hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật, vật tư, nhà giàn tưới tự động để trồng rau, màu công nghệ cao, theo hướng hữu cơ được thị trường ưa chuộng. Mô hình không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn giúp các thành viên trong Tổ hợp tác thay đổi tư duy sản xuất, nhân rộng trên địa bàn.
Chị Hà Thị Dung (29 tuổi), thành viên tổ hợp tác cho biết: Tham gia tổ hợp tác, tôi được hỗ trợ cải tạo 1,2 sào đất làm nhà màng để trồng rau, củ quả công nghệ cao, lại có thị trường tiêu thụ nên mang lại thu nhập ổn định 100 triệu đồng/năm (đã trừ chi phí).
Tham quan trang trại rộng hơn 10,5ha của ông Nguyễn Văn Thành (63 tuổi, thôn Ngọc Thư, xã Đăk Xú) chúng tôi ấn tượng bởi mô hình sản xuất, chăn nuôi theo phương thức khép kín tuần hoàn, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Là tấm gương tiêu biểu, nông dân sản xuất giỏi tại địa phương, ông Thành còn tích cực truyền đạt kinh nghiệm, hướng dẫn người dân cùng nhau phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng; đóng góp cho nhiều phong trào xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, an sinh xã hội tại địa phương.
|
Ông Nguyễn Văn Thành chia sẻ: Gia đình tôi hiện nay chủ yếu chăn nuôi giống heo siêu nạc Greenfeed Việt Nam (cả heo thịt và heo giống); ngoài ra còn trồng các loại cây như cà phê, tiêu, cau, trồng sen và nuôi ốc nhồi, cá, ba ba…; tổng lợi nhuận hàng năm gia đình khoảng từ 1- 1,2 tỷ đồng.
Những chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp thời gian qua góp phần đưa ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện Ngọc Hồi có bước tăng trưởng khá, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế. Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện Ngọc Hồi trong năm 2023 đạt 1.527 tỷ đồng; thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác đạt 69,9 triệu đồng (đạt và vượt kế hoạch đề ra).
Toàn huyện có 9 trang trại chăn nuôi heo với quy mô 7.800 con, liên kết với Công ty Chăn nuôi CP Việt Nam nuôi gia công, bao tiêu sản phẩm; có 19 cơ sở chăn nuôi gia cầm với quy mô tập trung khoảng 45.000 con.
Người dân huyện Ngọc Hồi đã chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật vào chế biến nông sản nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Huyện Ngọc Hồi hiện có 2 cơ sở chế biến cà phê, 5 cơ sở xay xát sản xuất cà phê nhân, 2 cơ sở chế biến hạt mắc ca, 3 cơ sở chế biến đóng gói thịt heo địa phương và 5 nhà máy chế biến mủ cao su,; 1 nhà máy chế biến tinh bột sắn.
Ông Võ Văn Út- Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ngọc Hồi cho biết:“Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, huyện Ngọc Hồi tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tích cực thay đổi tư duy trong sản xuất, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, triển khai và nhân rộng các mô hình hiệu quả. Qua đó, kinh tế nông nghiệp phát triển theo hướng “xanh, bền vững, hiệu quả” gắn với xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và đưa nông nghiệp trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trên địa bàn.”
Hoàng Thanh