Dân khổ vì mỳ rớt giá
Sau thời gian dài trồng và chăm sóc cây mỳ, mong ngóng đến ngày thu hoạch, nhưng nhiều người dân trên địa bàn tỉnh lại rầu rĩ, thậm chí chẳng buồn để mắt tới vì giá mỳ quá thấp. Người nông dân đã khổ lại càng thêm khổ…
Chúng tôi đi thực tế tại huyện Kon Rẫy, một trong những địa phương có diện tích mỳ lớn của tỉnh và đây cũng là địa phương người dân có thu nhập chính chủ yếu từ mỳ. Toàn huyện Kon Rẫy có hơn 3.100ha mỳ.
Những năm trước, thời điểm này, di dọc tuyến Quốc lộ 24, hai bên đường người dân tập kết mỳ khá nhiều để bốc lên xe chở đi bán, nhưng năm nay đi mãi chúng tôi mới thấy một vài người dân thu hoạch mỳ tập kết bên đường chờ xe.
Tiếp xúc với người dân, chúng tôi cảm nhận thấy rõ sự buồn rầu, lo âu vì giá mỳ quá thấp. Đã vậy, lại do ảnh hưởng hạn hán nên năng suất cũng giảm nhiều so với những năm trước.
|
Vừa lúi húi bốc mỳ lên xe, ông A Đem (thôn 7 xã, Đăk Tờ Re) vừa nói: Nhà tôi trồng được khoảng 1ha nhưng năm nay chỉ thu được khoảng hơn chục tấn. Giá mỳ như vậy thấp quá. Tôi bán tại rẫy thì họ mua có 800 đồng/kg mỳ tươi, chỉ chưa bằng một nửa năm trước. Còn nếu bán tại nhà máy thì giá cũng được gần 1.400 đồng/kg, thậm chí thấp hơn tùy theo trữ lượng bột.
“Mới đầu tôi cũng định không thu, nhưng mỳ đã 2 năm nếu để lâu thì trữ lượng bột càng giảm. Hơn nữa, nếu không thu thì để sang năm thứ 3 cũng hư” - anh Đem nói thêm.
Ông Huỳnh Quốc Thái - Chủ tịch UBND xã Đăk Tờ Re cho biết: Người dân ở xã chủ yếu là trồng cây mỳ và cao su, nhưng mấy năm nay giá cao su xuống thấp người dân đã không muốn thu, thì năm nay giá mỳ lại quá thấp như vậy, điều này làm cuộc sống của người dân thêm phần khó khăn.
Tìm hiểu thực tế tại xã Đăk Ruồng, địa phương có gần 1.000ha mỳ, nhưng chúng tôi cũng chỉ thỉnh thoảng thấy có vài hộ đi thu hoạch mỳ. Theo tìm hiểu được biết, đa số mỳ của các hộ đang tiến hành thu hoạch là mỳ đã trồng được 2 năm không thể để thêm.
Ông Đinh Ngọc Hải - Chủ tịch UBND xã Đăk Ruồng cho biết: Giá mỳ xuống thấp làm cho người nông dân bị thiệt thòi. Ở Đăk Ruồng hiện người dân không thu hoạch vì mỳ ở đây nhiều diện tích là mỳ một năm. Giá thấp nên người dân không vội thu. Những hộ có điều kiện thì họ để sang năm mới thu.
Người dân ở huyện Kon Rẫy còn đỡ, với người dân ở Tu Mơ Rông, đã khó lại còn khó hơn vì giá mỳ được thương lái mua tại địa bàn cao nhất cũng chỉ được 1.200 đồng/kg, còn mua tại rẫy thì chưa đến 700 đồng/kg tươi.
Chị Y Liễu (thôn Mô Pah, xã Đăk Hà) cho biết: Thấy giá mỳ thấp quá buồn chẳng muốn thu hoạch, nhưng không thu thì sợ hư, để sang năm thì chất lượng bột càng thấp…
Còn tại xã Ngọc Yêu, theo Chủ tịch UBND xã- Trần Thanh Hiếu, thông tin nắm được từ người dân thì giá thu mua mỳ tươi tại rẫy trên địa bàn cũng chỉ 500-600 đồng/kg. Thương lái mua giá thấp như vậy là do đường sá xa xôi, chi phí cho việc vận chuyển tốn kém hơn nhiều so với địa phương khác.
Theo ông Nguyễn Hải Nam- Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tu Mơ Rông, giá thu mua mỳ trên địa bàn huyện thường bao giờ cũng thấp hơn vài ba giá so với các địa bàn khác hoặc so với giá thu mua bình quân vì Tu Mơ Rông là địa bàn xa xôi, giao thông lại khó đi… Năm nay, toàn huyện trồng hơn 1.700ha mỳ, tăng khoảng 200ha so với kế hoạch năm.
Theo thống kê, diện tích mỳ hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng hơn 50.000ha, tăng hơn 10.000ha so với kế hoạch đề ra.
Giá mỳ xuống thấp ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân và gần như chắc chắn là người nông dân sẽ gặp khó khăn khi cả giá mỳ và cao su đều ở mức thấp như hiện nay.
Phúc Nguyên