• Thời sự - Chính trị
    • Xây dựng Đảng
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao - Du lịch
  • Pháp luật & Đời sống
    • An toàn giao thông
  • Đất & Người Kon Tum
  • Tòa soạn & Bạn đọc
    • Nhịp cầu bạn đọc
THƯ TÒA SOẠN    Quảng ngãi công bố tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính tỉnh    [EMAGAZINE] Báo Kon Tum điện tử - Khép lại hành trình để mở ra chặng đường mới    SỨC MẠNH CỦA ĐOÀN KẾT    Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy kiểm tra vận hành thử nghiệm bộ máy chính quyền cấp xã tại thành phố Kon Tum   

Kinh tế

Đầu năm bàn chuyện thoát nghèo

26/02/2018 12:58

Không nhớ bắt đầu từ khi nào, nhưng nhiều năm rồi, tôi vẫn giữ được thú vui nho nhỏ của mình là xuất hành năm mới bằng một chuyến lang thang nhiều nơi để nghe, để ngắm chuyện làm ăn của "thiên hạ". Thích nhất là sà vào một bếp lửa nào đó, háo hức nghe lỏm chủ nhà và khách bàn chuyện thoát nghèo, làm giàu...

1. Cách đây 2 năm, trong một chuyến đi như vậy, tôi đã gặp được anh bạn thời chăn trâu cắt cỏ ở quê. Hôm ấy, cũng vào ngày 6 tết, đang chuẩn bị vượt cầu treo để qua thôn Đăk Ri Pen (xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô) thì nghe tiếng gọi tên thảng thốt, nhìn lên thì thấy một gương mặt vừa quen vừa lạ đang nhìn mình cười...

Thế là líu ríu theo chân bạn về nhà, lòng thấp thỏm nhìn ngôi nhà mái tôn, vách thưng ván ọp ẹp. Đêm xuân ấy cứ dài dằng dặc theo tiếng thở dài của chị vợ, tiếng anh chồng trầm đục nói về sự nghèo. Rồi 2 vợ chồng quyết định chọn hướng đột phá bằng việc cải tạo mấy chân ruộng dưới thấp, thuận lợi nguồn nước thành ao nuôi cá; xây cái chuồng bên bờ ao thả đàn heo; chuyển 3 sào đất trồng lúa nước bên bờ sông sang trồng bắp...

Quan trọng nhất là 2ha đất đồi chuyên trồng mì sẽ trồng cà phê. Kinh nghiệm, kỹ thuật thì không lo mấy, vì lâu nay đi làm thuê, cả vợ lẫn chồng đều "học lỏm" được nhiều. Gay nhất là khoản vốn đầu tư. Xem nào, hôm nọ ông bà ngoại hứa cho vay một ít, cô em chồng hứa cho con bò, bán đi; làm thủ tục xin vay vốn từ ngân hàng chính sách... Những phần việc rối rắm dần dần rõ ràng theo những tiếng rì rầm đêm ấy...

Và mùng 6 tết năm nay, tôi ngỡ ngàng nhìn ngôi nhà cấp 4 rộng rãi nằm bên đường Hồ Chí Minh, được bao quanh bởi cà phê và ao cá. Dù anh không kể nhiều, nhưng ngắm cơ ngơi ấy, nhìn dáng người gầy sắt, đen đúa của anh cũng hiểu được phần nào quá trình vươn lên. Vậy là anh đã thực hiện được kế hoạch vạch ra 2 năm trước.

Chị vợ chuẩn bị mâm cơm đãi khách. Nhưng không phải tất tả như năm ngoái, bởi cá dưới ao, gà vịt trong chuồng, rau ngoài vườn… nhoáng cái là có bữa nhậu tươm tất.

Tôi nói với bạn về sự ngỡ ngàng của mình, và không quên bày tỏ sự cảm phục, anh cười hiền lành, pha lẫn chút ngượng nghịu: Ông nói vậy thì tôi biết vậy, chứ cũng không phải tài giỏi gì đâu. Chung quy lại là tại mình mụ mị đầu óc, không nghĩ ra được cái mới, mà có nghĩ ra thì nhát gan, không dám làm. Với lại, nói thật, một phần cũng vì lười ông ạ.

Đấy, cả nghìn mét vuông ao kia, một tay tôi hì hục đào đắp cả, ngày trước cũng nghĩ đến đào ao nuôi cá, nhưng rồi tự "phỉnh" mình: Phải thuê máy chứ sức người sao làm được, mà thuê máy thì lấy đâu ra hàng chục triệu, thế là lại thôi. Sau này nghĩ thông, lại quyết tâm, nên làm được. Suy cho cùng, muốn chiến thắng đói nghèo thì phải chiến thắng mình trước đã - anh nói đầy thấm thía.

Trong bữa cơm đầu năm, tôi lại được nghe vợ chồng anh và hàng xóm láng giềng bàn với nhau góp vốn mua máy cày; bê tông hóa con mương dẫn nước vào tận chân đồi để bơm nước tưới cà phê. Anh chia sẻ dự định vay vốn để phát triển chăn nuôi bò.

Dù còn bộn bề khó khăn, nhưng đã thấy mùa xuân mới tươi sáng trong ánh mắt, nụ cười của vợ con anh.

2. Nhiều năm rồi, tôi vẫn giữ được thú vui nho nhỏ của mình là xuất hành năm mới bằng một chuyến lang thang để nghe, để ngắm chuyện làm ăn của "thiên hạ". Thích nhất là "nghe lỏm" chủ nhà và khách bàn chuyện thoát nghèo, làm giàu. Háo hức, quyết tâm, cầu mong, tin tưởng... Đủ cả.

Thật ra, cái nghèo, và bàn chuyện thoát nghèo của người dân xứ mình thì năm nào chẳng có, ngày nào chẳng có, nhưng nghe vào mùa xuân, vào những ngày đầu năm mới, khi tết đã qua nhưng không khí tết chưa hết hẳn, thì vẫn thú vô cùng.

Và tôi thấy vui vui với ý nghĩ, hẳn đã có rất nhiều gia đình, rất nhiều  phận nghèo đã vươn lên, đã rũ bỏ cái nghèo từ những câu chuyện rì rầm bên mâm cơm, bên bếp lửa hay những lúc vắt tay lên trán đêm khuya.

Điều quan trọng là phải chiến thắng chính mình - một lần nữa trong ngày tôi được nghe câu nói tâm huyết ấy, trước là của anh bạn ở Tân Cảnh, giờ là của anh Nguyễn Hữu Sơn - Bí thư Chi bộ thôn Đăk Rơ Wang, xã Đăk Psi (huyện Đăk Hà).

Mùng 6 tết, làng Đăk Rơ Wang (xã Đăk Psi) vắng vẻ. Mấy cây mai đầu làng vẫn treo tầng hoa vàng rực đón nắng, xen những chùm lá non hươm hươm tím. Thấp thoáng bóng người kéo máy, rải ống để tưới cà phê; tiếng máy nổ giòn tan trong nắng chiều.

Phải gọi điện thoại mới gặp được Bí thư Chi bộ Nguyễn Hữu Sơn. "Hôm nay là ngày toàn thôn ra quân đầu năm. Buổi sáng dân trong thôn tập trung dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm, buổi chiều đi thăm đồng, thăm rẫy cả, nên trong thôn vắng lắm. Nghỉ tết như thế là đủ" - anh Sơn cho biết.

Theo anh Sơn, thôn Đăk Rơ Wang có 112 hộ (474 khẩu), trong đó có 45 hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Với sự quan tâm của các cấp, các ngành, bà con đón tết an toàn, tiết kiệm nhưng vui tươi, đầm ấm. Tuy nhiên, trong bữa cơm tất niên, bà con cũng nhận thấy rằng, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, tới 47 hộ. Với 190ha cà phê, ruộng nước đủ để đảm bảo lương thực, thì như vậy là chưa được, còn phải phấn đấu nhiều nữa.

Chính bà con chỉ ra rằng, vẫn còn nhiều hộ chưa chí thú làm ăn, thiếu mạnh dạn đổi mới cách nghĩ, cách làm. Năm nay, thôn quyết tâm giảm mạnh hộ nghèo, muốn vậy, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, các hộ khá, giàu giúp đỡ, bản thân hộ nghèo phải có ý chí vươn lên, tích cực lao động sản xuất, phải chiến thắng chính mình - Bí thư Chi bộ Nguyễn Hữu Sơn bộc bạch.    

Từ thôn Đăk Rơ Wang, chúng tôi qua cầu treo vượt sông Đăk Psi đến UBND xã đúng lúc Chủ tịch xã Nguyễn Phúc Đoan đang "bù đầu" tìm hướng phát triển cho sản phẩm đặc trưng măng le Đăk Psi; rồi chuyện nước tưới cà phê, sản xuất vụ đông; triển khai cho hộ nghèo đăng ký thoát nghèo, từ đó phát huy tính tự giác, tự lực của từng hộ...

Đấy, bộn bề lắm chứ. Đâu phải tháng Giêng cứ phải là “tháng ăn chơi” đâu? Kể cả trong tết, UBND xã đã đưa cán bộ về từng thôn định hướng cho bà con phát triển đàn gia súc, gia cầm; phát triển nghề phụ, tận thu lâm sản dưới tán rừng hợp lý - Chủ tịch xã Nguyễn Phúc Đoan chia sẻ.

Rời xã Đăk Psi, tôi quyết định vòng qua hướng Đăk Ngọk, Đăk Ui, rẽ qua Ngọc Wang, Ngọc Réo (huyện Đăk Hà), xuôi xuống Đăk Cấm - một trong những vựa lúa của thành phố Kon Tum. Xe lướt qua những vườn cao su đang vươn những tán lá non; những triền cà phê đang bung hoa trắng; rồi những cánh đồng mướt xanh lúa đông xuân, thoảng mùi hương ngan ngát.

Người dân xã Đăk Ngọk chuẩn bị đất trồng rau màu

 

Và dù không đi được hết, nghe được hết câu chuyện tìm hướng thoát nghèo của bà con nông dân ở các ngả Kon Rẫy, Kon Plông, Sa Thầy, nhưng tôi tin rằng, ở đâu bà con cũng mong ước và tin tưởng vào những điều tốt đẹp phía trước…

Bài, ảnh: Thành Hưng

   

Các tin khác

  • Cộng đồng chung tay bảo vệ rừng
  • Tương lai xanh từ những tán rừng
  • Hướng mở cho việc xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường sâm Ngọc Linh
  • Hiệu quả khi doanh nghiệp đổi mới sáng tạo
  • Trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm củ cho các tổ chức, cá nhân
  • Nhà thuê ở trung tâm hành chính Quảng Ngãi: Nhu cầu lớn, thị trường nhộn nhịp
  • Các trường Chính trị khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên hội thảo về công tác tài chính
  • Kiến nghị khắc phục, bàn giao công trình tuyến đường tránh ngập lòng hồ khu vực huyện Kon Plông
  • “Cấp bừa” giấy chứng nhận mã số vùng trồng sâm Ngọc Linh
  • Tu Mơ Rông: Hàng chục cây sâm Ngọc Linh bị cây đổ gẫy, hư hỏng
Gửi bình luận của bạn
   
Đang xử lý

Tin Mới Nhất

  • THƯ TÒA SOẠN
  • Báo Kon Tum điện tử - Khép lại hành trình để mở ra chặng đường mới
  • THƯ CẢM ƠN
  • Thông báo về việc hợp nhất các ấn phẩm báo in, báo điện tử; chương trình phát thanh, truyền hình của Báo Quảng Ngãi và Trung tâm Truyền thông tỉnh Kon Tum
  • Danh sách Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi sau sáp nhập
  • Vững niềm tin, xây khát vọng
  • Quảng ngãi công bố tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính tỉnh
  • Hợp nhất để đi xa hơn, bền vững hơn

Chùm ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Ghi chép - Phóng sự

  • [EMAGAZINE] Báo Kon Tum điện tử - Khép lại hành trình để mở ra chặng đường mới
  • Kon Tum: Sự hào sảng của đất và nét hiền hòa của người
  • Chùm ảnh: Đồi chè ở vùng Đông Trường Sơn
  • Điểm tựa yêu thương

Đất & Người Kon Tum

  • Người truyền lửa cồng chiêng cho thế hệ trẻ ở thôn Kon Hia 1
  • Chiều tối thứ Sáu hằng tuần, sân nhà ông A Bi ở thôn Kon Hia 1 (xã Đăk Rơ Ông, huyện Tu Mơ Rông) lại vang lên tiếng cồng chiêng rộn ràng. Đó là lớp học dành cho các em nhỏ trong thôn do ông A Bi mở và duy trì đều đặn suốt nhiều mùa hè để truyền dạy những nhịp chiêng truyền thống của dân tộc mình. Từ niềm đam mê thuở nhỏ, ông A Bi trở thành người thắp lên tình yêu cồng chiêng cho thế hệ sau, góp phần gìn giữ văn hóa truyền thống dân tộc.
  • Rượu ghè men lá H’nham
  • Gìn giữ kho tàng Sử thi Kon Tum
  • Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam
  • Khuyến nông - Khuyến lâm
Thông tin cần biết
  • Tỉ giá
  • Chứng khoán
  • Giá vàng
  • Kết quả xổ số
  • Thời tiết
  • Lịch cúp điện
  • Lao động việc làm
  • Thời sự - Chính trị
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao - Du lịch
  • Pháp luật & Đời sống
  • Đất & Người Kon Tum
  • Tòa soạn & Bạn đọc
Báo Kon Tum điện tử
• Phó tổng Biên tập: Phạm Minh Bảo, Nguyễn Thị Liễu Hạnh
• Tòa soạn: 258A Phan Đình Phùng, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum
• Điện thoại: 0260 3862531; Email: toasoanbaokontum@gmail.com
• Giấy phép số: 460/GP-BTTTT, do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 06/9/2022
Liên hệ tòa soạn
Thông báo bảng giá quảng cáo mới
Developed by