HỘI CHỢ GIAO THƯƠNG DOANH NGHIỆP NĂM 2014
Doanh nghiệp Kon Tum chưa chiếm ưu thế trên sân nhà
Với số lượng 18 doanh nghiệp tham gia hội chợ lần này, dù đông hơn các hội chợ lần trước, nhưng đây vẫn là con số rất khiêm tốn so với số lượng cả ngàn doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.
|
Tại Hội chợ giao thương doanh nghiệp năm 2014 vừa được tổ chức tại thành phố Kon Tum, số lượng doanh nghiệp trong tỉnh tham gia đông hơn so với các hội chợ lần trước. Tuy nhiên, với số lượng cả nghìn doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, thì con số 18 doanh nghiệp tham gia hội chợ lần này là quá ít. Không chỉ thế, trên sân nhà nhưng lại thiếu vắng những doanh nghiệp lớn và những sản phẩm đặc trưng của tỉnh.
Hội chợ giao thương doanh nghiệp năm 2014 diễn ra tại thành phố Kon Tum từ ngày 22 – 28/11, với sự góp mặt của 180 doanh nghiệp; trong đó, Kon Tum có 18 doanh nghiệp tham gia với gần 40 gian hàng, chủ yếu là đồ gỗ mỹ nghệ, hoá mỹ phẩm, đồ gia dụng, trang trí nội thất… Có thể nói, đây là hội chợ đầu tiên có số lượng doanh nghiệp trong tỉnh tham gia đông hơn hẳn các lần trước.
Sở dĩ có được điều này, một phần do UBND thành phố Kon Tum (đơn vị tổ chức) đã có những cố gắng trong việc kêu gọi, vận động doanh nghiệp tham gia. Bên cạnh đó, việc ưu đãi về giá thuê gian hàng với mức giảm giá từ 30 – 50% so với mặt bằng chung cũng đã phần nào tạo động lực để thu hút doanh nghiệp trong tỉnh đến với hội chợ lần này. Tuy nhiên, yếu tố chính là các doanh nghiệp Kon Tum đã có những thay đổi về quan niệm, mạnh dạn, tự tin hơn khi bước vào sân chơi hội chợ.
Ông Lương Bá Hoàng – Chủ cơ sở sản xuất gỗ mỹ nghệ Hoàng Ánh (Làng nghề Hnor, thành phố Kon Tum) cho biết: Tôi đã từng tham gia các hội chợ triển lãm quốc tế ở Campuchia, Lào; nhưng đây là lần đầu tiên tham gia hội chợ được tổ chức ngay tại tỉnh mình. Đơn giản, vì trước đây tôi thường nghĩ “bụt chùa nhà không thiêng”, mang hàng gỗ mỹ nghệ đi trưng bày ngay tại địa bàn có rất nhiều người làm nghề, hàng hoá bán đầy trên thị trường thì biết bán cho ai. Song lần này, nghe các anh em trong nghề động viên, phân tích, mới thấy nếu mình cứ rụt rè thì doanh nghiệp ngoài tỉnh như Bình Dương, Gia Lai họ sẽ lấn át ngay trên sân nhà; vả lại, tham gia hội chợ mục đích chính không phải là để bán được hàng, mà quan trọng đây là cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm cơ hội hợp tác mới.
Cũng suy nghĩ đó, cơ sở gỗ mỹ nghệ Trường Uyên (làng nghề Hnor, thành phố Kon Tum) đến với Hội chợ lần này không đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu, mà chủ yếu học hỏi các doanh nghiệp ngoài tỉnh về mẫu mã, phương thức tiếp thị, quảng cáo; từ đó xây dựng mối quan hệ, hợp tác…
Bên cạnh đó, một vài doanh nghiệp cũng có suy nghĩ rằng, các doanh nghiệp ngoài tỉnh không được hưởng cơ chế ưu đãi về giá thuê mặt bằng; chi phí vận chuyển hàng hoá, ăn ở tốn kém hơn, vậy mà họ vẫn tham gia, thì không có lý gì mà doanh nghiệp trong tỉnh lại không tìm được chỗ đứng tại hội chợ.
Những thay đổi trong quan niệm và sự tự tin khi tiếp cận hội chợ của các doanh nghiệp trong tỉnh đã đưa số lượng doanh nghiệp chủ nhà tham gia nhiều hơn tại hội chợ lần này...
Tuy nhiên, với số lượng 18 doanh nghiệp tham gia hội chợ lần này, dù đông hơn các hội chợ lần trước, nhưng đây vẫn là con số rất khiêm tốn so với số lượng cả ngàn doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Điều đáng nói, tại hội chợ, người tiêu dùng không tìm thấy các gian hàng trưng bày, giới thiệu, bán các sản phẩm chủ lực của tỉnh như cà phê, hàng thủ công truyền thống…, trong khi đó, có rất nhiều gian hàng bày bán, giới thiệu các mặt hàng nông sản, đặc sản của các tỉnh khác như Cao Bằng, Bình Thuận, Bình Dương…
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Kon Tum, nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh vẫn có quan niệm hội chợ là để bán được hàng, chưa coi đây là cơ hội giới thiệu sản phẩm, học hỏi và mở ra cơ hội làm ăn, vì thế không mặn mà tham gia. Một số doanh nghiệp lớn, do đã có “chỗ đứng” trong lòng người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh, nên cũng chỉ chú trọng đến các hội chợ quốc tế, quốc gia, chứ ít màng tới hội chợ trên sân nhà.
Ngoài ra, cũng phải nói rằng, cách tổ chức của nhiều hội chợ thời gian qua chưa thực sự bài bản, nhạt nhẽo, khiến hội chợ không thu hút được đông đảo người tiêu dùng, nên kênh tiếp thị này không có sức hấp dẫn với nhiều doanh nghiệp. Vả lại, nhiều hàng hoá kém chất lượng vẫn được “chen chân” trong hội chợ, nên những doanh nghiệp làm ăn chân chính, sản phẩm chất lượng khó cạnh tranh, vì thế có những doanh nghiệp tham gia một lần đã không còn tha thiết với hội chợ lần sau.
Bài toán làm sao để thu hút nhiều doanh nghiệp trong tỉnh tham gia vào hội chợ tổ chức tại tỉnh đã đặt ra từ lâu, nhưng lời giải vẫn chưa thuyết phục. Công tác tuyên truyền đã thực hiện, chính sách ưu đãi cũng đã được áp dụng nhiều lần, nhưng vì sao các doanh nghiệp Kon Tum vẫn không mặn mà khi tham gia vào các kỳ hội chợ trên sân nhà? Phải chăng cơ chế ưu đãi và cách thức tổ chức hội chợ thiếu sự hấp dẫn; hay vì doanh nghiệp đặt lợi ích tức thời lên trên mục tiêu phát triển lâu dài của doanh nghiệp mình; hay vì cả 2? Câu hỏi này chỉ có người trong cuộc mới trả lời thấu đáo.
Riêng người tiêu dùng, họ kỳ vọng được thấy nhiều hơn các doanh nghiệp trong tỉnh tham gia tại các kỳ hội chợ tổ chức tại tỉnh, đa dạng hơn các mặt hàng được quảng bá, giới thiệu, nhất là các mặt hàng chủ lực, truyền thống của tỉnh.
Thuỳ Hương