Đổi thay kết cấu hạ tầng
Sau 50 năm ngày đất nước thống nhất, vượt qua bao khó khăn, thiếu thốn, trở ngại, Kon Tum - vùng đất lửa kiên cường trong kháng chiến năm xưa đã nỗ lực đi lên cùng đất nước, tạo nên những bước tiến mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, kết cấu hạ tầng là một trong những dấu ấn đậm nét về sự đổi thay trên mảnh đất Bắc Tây Nguyên này.
|
Ngày 30/4/1975 đất nước hoàn toàn giải phóng mang về niềm vui vô bờ bến với nhân dân cả nước, nhưng hậu quả của chiến tranh để lại rất nặng nề, nhất là hạ tầng bị tàn phá, đời sống của nhân dân cả nước nói chung, tỉnh Kon Tum nói riêng khó khăn, đói nghèo.
Để hàn gắn vết thương chiến tranh, Nhà nước đã quan tâm bố trí nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng như điện, đường, trường, trạm phục vụ nhu cầu của nhân dân. Đồng thời, vận động nhân dân trên địa bàn tỉnh phát huy truyền thống, tích cực lao động sản xuất, cải thiện đời sống. Với sự nỗ lực không ngừng, sau 50 năm giải phóng, hạ tầng của tỉnh có sự phát triển mạnh mẽ, nhất là hạ tầng giao thông.
Từ chỗ chỉ có một con đường duy nhất là Quốc lộ 14 nối Kon Tum với các tỉnh, thành khác, với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, sau 50 năm giải phóng, hạ tầng giao thông Kon Tum đã có bước đột phá mạnh mẽ, mở rộng đến khắp các xã vùng sâu trong tỉnh. Mạng lưới giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh được đầu tư xây dựng và phân bổ tương đối hợp lý. Hệ thống giao thông từ quốc lộ, tỉnh lộ đến đường giao thông nông thôn được xây dựng khá hoàn chỉnh, đã xóa thế ngõ cụt, xóa dần khoảng cách giữa Kon Tum với các tỉnh trong cả nước, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh như ngày hôm nay.
Đến nay, hệ thống giao thông đường bộ tỉnh có gần 5678,3km, trong đó, quốc lộ 501,5km; đường tỉnh 382,7km; đường huyện 715,6km; đường xã 615,7km; đường thôn 2488,5km; đường đô thị 489km; đường chuyên dùng 51,4km; đường tuần tra biên giới 434km. Đến nay, 100% các xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã; có 82/85 xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông.
Việc đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đã hình thành các tuyến vận tải mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực tuyến đường đi qua, hình thành và phát triển các đô thị mới, điểm dân cư mới, liên kết giữa các vùng được thuận lợi. Những tuyến đường vươn tới vùng sâu, vùng xa không những góp phần hình thành làng định cư mới, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác xây dựng kết cấu hạ tầng trong từng cụm dân cư mà còn góp phần giao lưu, buôn bán, trao đổi hàng hóa, nâng cao trình độ dân trí cho người dân.
Như ở vùng căn cứ cách mạng Tu Mơ Rông - một trong những huyện nghèo, trước đây, quanh năm cái đói cái nghèo đeo bám thì nay đã khác nhiều. Sau 50 năm giải phóng, những con đường đất, lầy lội ngày nào khiến việc đi lại xa xôi, cách trở vắng bóng xe cộ trước đây giờ đã được thay thế bằng những con đường nhựa phẳng lì vươn đến tất cả trung tâm xã và đến nhiều thôn, làng vùng sâu. Nhiều ngôi trường từ mầm non đến THCS, THPT được xây dựng khang trang ở tất cả các xã vùng sâu, vùng xa. Tại đây, các em được chăm lo học hành, ăn ở bán trú, được đảm bảo đầy đủ các điều kiện để rèn luyện, phát triển một cách toàn diện.
Chia sẻ niềm vui này, cựu chiến binh A Nia (ở thôn Đăk Song, xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông) tâm sự: Trước đây muốn từ xã đi ra trung tâm huyện phải đi bộ mất cả ngày thì ngày nay đường ô tô đã đến tận các thôn. Điện lưới quốc gia đã về đến từng nhà. Ốm đau có bác sĩ chăm sóc, hỗ trợ thuốc, các cháu đi học đến trường ngay ở thôn. Người dân còn được hỗ trợ vay vốn, được tham gia các mô hình khuyến nông khuyến lâm để phát triển kinh tế, cuộc sống gia đình ấm no hơn.
Không chỉ đổi thay mạnh mẽ hạ tầng giao thông mà hạ tầng đô thị ở trên địa bàn tỉnh cũng có sự phát triển mạnh mẽ sau 50 năm giải phóng. Đến nay, tỉnh có 8 đô thị, trong đó, thành phố Kon Tum là đô thị loại II (được công nhận tháng 1/2023); 1 đô thị loại IV (thị trấn Plei Kần); 6 đô thị loại V (gồm các thị trấn Đăk Hà, Đăk Tô, Sa Thầy, Đăk Glei, Đăk Rve, Măng Đen) và 3 trung tâm huyện lỵ đang được đầu tư xây dựng (huyện lỵ Tu Mơ Rông, huyện lỵ Kon Rẫy và huyện lỵ Ia H’Drai).
Trong đó, đô thị trung tâm tỉnh là thành phố Kon Tum có sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện trên mọi lĩnh vực. Diện mạo kiến trúc và cảnh quan đô thị thay đổi theo hướng khang trang và hiện đại. Hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị được đầu tư khá đồng bộ, khang trang. Nhiều ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát tạo vẻ đẹp cho đô thị văn minh, hiện đại. Đặc biệt, nhiều khu đô thị và dân cư được nhà nước, doanh nghiệp đã và đang triển khai đầu tư xây dựng như: Khu dân cư Hoàng Thành; Trung tâm thương mại kết hợp nhà phố, đường Bà Triệu, thành phố Kon Tum; Khu nhà ở xã hội khu đô thị phía Nam cầu Đăk Bla; Khu trung tâm hành chính của tỉnh... góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo diện mạo đô thị khang trang và khởi sắc hơn.
Ông Trịnh Công Sơn - Trưởng Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị thành phố Kon Tum cho biết: Đến nay, 100% các tuyến đường trung tâm nội thành và các tuyến đường liên xã đều đã đầu tư hệ thống điện sáng công lộ. Các tuyến đường phố chính được trang hoàng hệ thống đèn trang trí và cải tạo lại vỉa hè; hệ thống thoát nước, đường sá, hạ tầng đô thị được đầu tư sửa chữa, nâng cấp, đưa vào sử dụng góp phần tạo diện mạo đô thị khang trang, hiện đại. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng nâng cao.
|
Sau 50 năm giải phóng, đồng bào các dân tộc Kon Tum có quyền tự hào về những thành tựu của tỉnh. Không chỉ kết cấu hạ tầng từ thành thị đến nông thôn đổi thay mạnh mẽ mà đời sống người dân được cải thiện, nâng cao về mọi mặt. Công tác xóa đói, giảm nghèo đạt nhiều kết quả tích cực.
Trong niềm hân hoan mừng 50 năm giải phóng, đồng bào các dân tộc tỉnh Kon Tum luôn sắt son niềm tin với Đảng. Tin rằng, với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đất nước sẽ vươn mình phát triển, sánh vai với các cường quốc năm châu như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn.
Phúc Nguyên