Nâng cao uy tín và giá trị sâm Ngọc Linh
Trong dòng chảy sự kiện của tuần qua, nhiều người đặc biệt quan tâm đến Hội thảo khoa học “Các nghiên cứu mới về Sâm Ngọc Linh - Thành tựu và ứng dụng” do UBND tỉnh tổ chức chiều 15/5.
|
Có nhiều lý do để quan tâm đến sự kiện này, trong đó có 2 lý do chính, thứ nhất, Hội thảo quy tụ các nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu, có nhiều tâm huyết, nhiều năm nghiên cứu về sâm Ngọc Linh từ các trường đại học, các viện nghiên cứu, bệnh viện lớn trong cả nước. Vì vậy, tại Hội thảo, chắc chắn sẽ có những tham luận chuyên sâu, cung cấp cái nhìn đa chiều về sâm Ngọc Linh.
Thứ hai, muốn biết về thực trạng bảo tồn và xây dựng thương hiệu sâm Ngọc Linh hiện nay. Hay đúng hơn là muốn biết những giải pháp và chiến lược để nâng cao uy tín và giá trị sâm Ngọc Linh, để sâm Ngọc Linh xứng danh cây “Quốc bảo”, cây “quốc kế dân sinh”.
Kể từ 9 giờ ngày 18/3/1973, khi nhóm nghiên cứu của dược sĩ Đào Kim Long phát hiện ra sâm Ngọc Linh và bước đầu định danh (Panax articulatus Kim Long Đào), đến nay đã 52 năm trôi qua.
Sau một thời gian dài bị săn lùng, khai thác tận diệt, sâm tự nhiên trên núi Ngọc Linh gần như tuyệt diệt. 108 vùng sâm tự nhiên (theo kết quả điều tra, khảo sát trong các năm 1978-1979) gần như bị xóa sổ. Sâm Ngọc Linh đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
May thay, từ những năm đầu của thập niên 90, lãnh đạo tỉnh Kon Tum đã tính toán đến việc cứu cây sâm Ngọc Linh khỏi nguy cơ tuyệt chủng, thông quá việc khoanh vùng bảo vệ diện tích sâm ít ỏi còn lại, đồng thời tiến hành đầu tư bảo tồn và phát triển cây sâm.
Đến năm 2013, UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch phát triển sâm Ngọc Linh giai đoạn 2012 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025 với tổng diện tích quy hoạch 31.742ha.
|
Đặc biệt, tỉnh đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất để doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh, trong đó có Phương án cho thuê rừng để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, kết hợp phát triển cây sâm Ngọc Linh; ban hành chính sách ưu đãi đặc thù về giống, đất đai; cấp phát miễn phí cây sâm giống cho các hộ nghèo, hộ người DTTS ở vùng sâm.
Tỉnh cũng quy hoạch vùng trồng sâm Ngọc Linh rộng 16.988ha, trong đó rừng đặc dụng 8.807,3ha; rừng phòng hộ 4.156,7ha, rừng sản xuất 4.024,3ha. Theo báo cáo từ Sở Tài nguyên và Môi trường, đến nay, các doanh nghiệp và người dân trồng được khoảng 2.922ha sâm Ngọc Linh.
Vùng địa lý trồng sâm Ngọc Linh cũng đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, với các quy định về quy trình, kỹ thuật canh tác, thu hoạch và chế biến, cùng quy chế về quản lý, sử dụng biểu trưng chỉ dẫn địa lý trên sản phẩm.
Tháng 6/2017, sâm Ngọc Linh chính thức được Thủ tướng Chính phủ công nhận là sản phẩm quốc gia. Theo Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 (Quyết định 611/QĐ-TTg ngày 1/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ), sâm Ngọc Linh là một trong số đối tượng bảo tồn, phát triển, chế biến, thương mại ở quy mô hàng hóa.
Trong chặng đường hơn 50 năm qua, bên cạnh tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo tỉnh trong việc hoạch định chính sách phát triển sâm Ngọc Linh, sự tham gia tích cực của doanh nghiệp, người dân, luôn có bóng dáng của các nhà khoa học.
Nhiều công trình nghiên cứu khoa học trên các lĩnh vực thực vật, hóa học, tác dụng sinh học - dược lý, phân tích kiểm nghiệm, bào chế đã được công bố trong nước và quốc tế, qua đó khẳng định sâm Ngọc Linh là một cây sâm quý, không chỉ của Việt Nam mà của cả thế giới.
Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra là, sâm Ngọc Linh đã phát triển xứng tầm với vị thế và tiềm năng hay chưa? Câu trả lời được chính các nhà khoa học trả lời là: Chưa.
Bởi chúng ta vẫn chưa có một ngành công nghiệp sâm thực sự, và sâm Ngọc Linh vẫn đang loay hoay với sản lượng thấp và giá bán cao. Khâu phát triển chuỗi giá trị sản phẩm từ sâm Ngọc Linh vẫn rất hạn chế. Chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào chế biến sâu các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh, tạo ra các sản phẩm đa dạng, có giá trị gia tăng cao.
Mối liên kết giữa người trồng, doanh nghiệp chế biến và nhà phân phối để tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm bền vững còn lỏng lẻo. Từ đó dẫn tới việc xây dựng và phát triển thương hiệu sâm Ngọc Linh, quảng bá sản phẩm trên thị trường trong nước và quốc tế gặp nhiều khó khăn.
Về phía tỉnh, theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, bên cạnh tiềm năng và cơ hội, chúng ta đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức trong nâng cao uy tín và giá trị sâm Ngọc Linh.
Trước hết, sâm Ngọc Linh là loại cây khó trồng, đòi hỏi nghiêm ngặt về điều kiện sinh thái, kỹ thuật canh tác, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh. Thời gian sinh trưởng dài, từ 6-10 năm mới cho thu hoạch, đòi hỏi người trồng phải có vốn đầu tư lớn và kiên nhẫn. Vì vậy, việc duy trì và nâng cao sản lượng, chất lượng sâm Ngọc Linh không dễ.
Tiếp đó là tình trạng bị khai thác quá mức, dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng; sâm Ngọc Linh giả, kém chất lượng tràn lan trên thị trường, ảnh hưởng xấu đến uy tín của sâm Ngọc Linh.
Theo đánh giá của các chuyên gia trong nước và quốc tế, với đặc tính ưu việt, sâm Ngọc Linh hoàn toàn có cơ hội để trở thành thương hiệu nổi tiếng của thế giới.
Nhưng để làm được điều đó, có rất nhiều việc cần phải làm. Đầu tiên, phải xây dựng được quy hoạch thật bài bản, giữ được gene gốc, không du nhập giống, không lai tạo để biến đổi gene; phải bảo tồn cho được giống quý sâm Ngọc Linh. Cần xử lý nghiêm, triệt để nạn sâm giả và đội lốt sâm Ngọc Linh đang diễn ra tràn lan.
Một trong những giải pháp để gia tăng giá trị cho sâm Ngọc Linh được các chuyên gia nhấn mạnh, đó là phải đầu tư chế biến sâu, từ sâm tươi thành các sản phẩm đa dạng phù hợp thị hiếu và mục đích khác nhau của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cần tăng cường quảng bá, truyền thông để nhiều người biết các công dụng của sản phẩm đặc biệt này.
Trong hành trình này, cần sự vào cuộc căn cơ từ chính sách, cơ chế của Nhà nước, chính quyền, sự chung tay của các nhà khoa học, người dân và doanh nghiệp.
Hồng Lam