Phát triển vùng nguyên liệu mía và chanh dây gắn với chế biến
Trong chiến lược phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến, thành phố Kon Tum chủ trương xây dựng các vùng nguyên liệu mía và chanh dây theo hướng ổn định, bền vững, phục vụ công nghiệp chế biến. Điều này vừa góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng chuỗi liên kết giá trị nông sản, nâng cao thu nhập cho người dân.
|
Sản xuất nông sản gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm là giải pháp bền vững để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp. Dựa trên điều kiện, lợi thế, khả năng canh tác của người dân, thành phố Kon Tum lựa chọn, tập trung phát triển vùng trồng mía và chanh dây đảm bảo quy mô và chất lượng sản phẩm để phục vụ cho hoạt động sản xuất, chế biến trên địa bàn.
Ông Dương Anh Hùng – Phó Chủ tịch UBND thành phố Kon Tum cho biết: Căn cứ chỉ tiêu tỉnh giao, UBND thành phố đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND các xã, phường rà soát quỹ đất, hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa cây mía và chanh dây vào trồng tại vùng phù hợp. Đồng thời thông tin kịp thời chính sách liên kết, xây dựng vùng nguyên liệu mía của Công ty Cổ phần Đường Kon Tum; chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển vùng nguyên liệu chanh dây của Công ty TNHH Chế biến nông sản Sao Mai để các tổ hợp tác xã, hợp tác xã, người dân biết, chủ động liên kết hợp tác, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị.
Từ nhiều năm nay, thành phố Kon Tum luôn là vùng trọng điểm trồng mía của tỉnh. Cây mía được trồng chủ yếu tại những vùng đất bồi ven sông và một số vùng đồi thấp tại các xã Đoàn Kết, Ngọk Bay, Chư Hreng, Kroong, phường Lê Lợi, góp phần mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân trên địa bàn.
Theo kế hoạch sản xuất nông nghiệp năm 2025, thành phố Kon Tum được giao chỉ tiêu phát triển vùng nguyên liệu mía là 1.464ha, đến hết tháng 4, tổng diện tích trên địa bàn đạt khoảng 1.400ha.
Ông Phan Thanh Nam – Trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường cho biết: Phòng phối hợp với các địa phương tăng cường vận động người dân mở rộng diện diện tích trồng mía, tranh thủ nguồn vốn sự nghiệp khoa học công nghệ được phân cấp để hỗ trợ người dân xây dựng mô hình trồng mía mới như mía hố trên đất đồi cho năng suất cao hơn. Đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn người dân tổ chức sản xuất theo hình thức thâm canh, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, liên kết với doanh nghiệp để xây dựng các cánh đồng lớn. Đến nay, trên địa bàn đã hình thành 2 cánh đồng lớn sản xuất mía tại xã Ngọk Bay với diện tích 80ha và 1 cánh đồng lớn mía phường Nguyễn Trãi với diện tích 5ha.
|
Bên cạnh cây mía, những năm gần đây, cây chanh dây cũng được thành phố Kon Tum khuyến khích đầu tư phát triển, vừa góp phần thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vừa phục vụ cho công nghiệp chế biến.
Bà Trần Thị Sáu (ở thôn 2, xã Kroong) cho biết: Sau khi thử nghiệm một số loại cây trồng, tôi đã quyết định gắn với với cây chanh dây. Loại cây này dễ trồng, ít bị sâu bệnh, chỉ cần bón phân, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, cắt cành và cắt lá theo định kỳ, thường xuyên thăm vườn để phát hiện và điều trị kịp thời các loại sâu bệnh là đảm bảo cây phát triển tốt, cho năng suất ổn định. Hiện nay, giá bán quả chanh dây loại đẹp vào khoảng 25.000 – 30.000 đồng/kg, loại thường khoảng 13.000 - 15.000 đồng/kg, tùy thời điểm. Sau khi trừ chi phí mỗi ha chanh dây thu lời khoảng 200 triệu đồng.
Năm 2025, UBND tỉnh giao chỉ tiêu phát triển 166ha chanh dây trên địa bàn thành phố Kon Tum. Đến nay, địa phương đã trồng mới khoảng 66ha.
Hiện nay, việc phát triển vùng nguyên liệu mía, chanh dây trên địa bàn thành phố Kon Tum đang gặp phải một số khó khăn. Do giá các loại nông sản như cà phê, tiêu, sầu riêng tăng cao và ổn định dẫn đến cạnh tranh diện tích với chanh dây, mía. Cùng với đó, do nhận thức, trình độ sản xuất của một bộ phận người DTTS còn hạn chế nên chưa mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, đầu tư thâm canh; các nguồn hỗ trợ cho người dân ít.
Để người dân yên tâm sản xuất, chính quyền địa phương đã trao đổi, làm việc với Công ty Cổ phần Đường Kon Tum và Công ty TNHH Chế biến nông sản Sao Mai về chính sách liên kết bao tiêu sản phẩm; hỗ trợ kỹ thuật, phân bón bao tiêu đầu ra sản phẩm để định hướng sản xuất phù hợp; tăng cường giám sát việc thực hiện các hợp đồng liên kết, đảm bảo đúng quy định, hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và người dân. Hiện nay, đã bước vào mùa mưa, thuận lợi cho việc gieo trồng, do đó, UBND thành phố chỉ đạo các phòng, đơn vị chuyên môn phối hợp đôn đốc các xã, phường vận động, hướng dẫn mở rộng diện tích chanh dây để đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu tỉnh giao - ông Dương Anh Hùng cho biết.
Việc thành phố Kon Tum đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu mía và chanh dây gắn với công nghiệp chế biến là bước đi phù hợp trong phát triển nông nghiệp bền vững, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản và nâng cao thu nhập cho nông dân.
Thiên Hương