Sở Nông nghiệp và Môi trường: Đưa công nghệ thông tin vào sản xuất nông nghiệp
Thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, trong 5 năm qua (2020-2025), Sở Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) triển khai thực hiện đưa công nghệ thông tin (CNTT) vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển bền vững ngành nông nghiệp.
|
|
Bà Y Hằng- Phó Giám đốc Sở NN&MT cho biết, để hỗ trợ người sản xuất tiếp cận công nghệ và ứng dụng vào sản xuất, từ năm 2021 đến nay, Sở triển khai đào tạo nghề cho 11.255 lao động nông thôn về các nghề nông nghiệp, chuyển giao tiến bộ khoa học-kỹ thuật, quản lý tổ chức hoạt động hợp tác xã, tổ hợp tác, xây dựng chuỗi liên kết giá trị để nhân rộng trong nhân dân. Đồng thời, triển khai 11 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp tỉnh nghiên cứu, thử nghiệm đối với một số giống cây trồng, vật nuôi mới và các công nghệ chế biến bảo quản nông sản. Đối với các nhiệm vụ thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia sâm Ngọc Linh, Sở triển khai 6 dự án, nhằm chuyển giao ứng dụng, hoàn thiện quy trình kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc và chế biến các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh. Đối với Chương trình “Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển KT-XH nông thôn, miền núi, vùng DTTS giai đoạn 2016-225”, toàn tỉnh có 5 dự án được phê duyệt hỗ trợ, chuyển giao công nghệ sản xuất một số sản phẩm dược liệu và nông nghiệp, trong đó 1 dự án được nghiệm thu cấp tỉnh và 4 dự án đang trong giai đoạn triển khai.
Đến nay, việc ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số ngày càng phổ biến và được người sản xuất áp dụng. Cụ thể, đến nay diện tích cây trồng ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh đạt 27.277,2ha/197.993,8ha gieo trồng; trong đó, diện tích cây trồng sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng được chứng nhận đạt hơn 2.000ha như cà phê, cây ăn quả, rau củ quả. Ngoài ra, hình thành 2 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đó là vùng sản xuất rau, hoa, củ, quả Măng Đen, huyện Kon Plông và vùng sản xuất cà phê vối tại huyện Đăk Hà; trong đó có 7 doanh nghiệp được chứng nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, trên địa bàn tỉnh có 142 cơ sở chăn nuôi theo quy mô trang trại, trong đó có 31 cơ sở áp dụng công nghệ tiên tiến, có hệ thống làm mát về mùa hè và sưởi ấm về mùa đông, hệ thống quạt thông gió, có hệ thống xử lý chất thải tiên tiến, đáp ứng tiêu chuẩn về chăn nuôi, sử dụng hệ thống máng ăn, máng uống tự động, bán tự động; 33 cơ sở thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp, số còn lại chăn nuôi ứng dụng công nghệ với quy mô lớn.
Đặc biệt, Sở NN&MT đang tích cực triển khai ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Tiêu biểu có hệ thống nhà vườn thông minh tại Trường Cao đẳng Kon Tum đã triển khai ứng dụng công nghệ 4.0 để điều khiển và giám sát từ xa các yếu tố như tưới nước, nhiệt độ và phân bón, qua đó tiết kiệm chi phí, giảm thiểu nhân công và nâng cao năng suất các loại cây trồng như: cà chua, nấm và rau xà lách. Tại huyện Đăk Hà, nông dân sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật cho cây lúa, cà phê và cây ăn quả, giúp tiết kiệm và bảo vệ sức khỏe người lao động. Hợp tác xã rau hoa và du lịch Thanh Niên ở thị trấn Măng Đen triển khai phần mềm quản lý sản xuất rau hữu cơ, giúp quản lý lịch trình trồng trọt, tưới tiêu, bón phân và thu hoạch, đồng thời ghi chép nhật ký ruộng, nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm. Các đơn vị khác ứng dụng công nghệ AI để nhận diện sâu bệnh trên lá cà phê, giúp nông dân nhận diện sớm các loại sâu bệnh, từ đó có biện pháp phòng trừ kịp thời, giảm thiểu thiệt hại và chi phí trị bệnh.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh được ngành chức năng cấp 32 mã số, trong đó có 30 mã số vùng trồng và 2 mã số cơ sở đóng gói. Đồng thời, hoàn thiện hồ sơ đề nghị Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đàm phán với các nước được phép nhập khẩu phê duyệt 20 mã số vùng trồng. Các vùng trồng được cấp mã số được định vị và giám sát bằng GPS, đảm bảo xuất xứ, nguồn gốc; được liên kết trên hệ thống thông tin điện tử của ngành nông nghiệp và liên thông với dữ liệu của Bộ NN&MT.
Về thương mại điện tử, toàn tỉnh hiện có 116.656 hộ sản xuất nông nghiệp tham gia các sàn thương mại điện tử, có 143.472 hộ được đào tạo kỹ năng số, có 2.651 sản phẩm được đưa lên sàn, có 15.383 giao dịch trên các sàn thương mại điện tử như: http://voso.vn; https://postmart.vn, https://kontumtrade.gov.vn. Đồng thời, Sở hỗ trợ đưa 100% sản phẩm OCOP của tỉnh lên các sàn giao dịch thương mại điện tử, giúp kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản, nâng cao giá trị gia tăng và mở rộng thị trường tiêu thụ. Tính đến nay, toàn tỉnh có 280 sản phẩm OCOP còn hiệu lực; trong đó có 1 sản phẩm 5 sao, 20 sản phẩm 4 sao và 259 sản phẩm 3 sao.
Tuy nhiên, nhiều nông dân ở vùng sâu, vùng xa chưa được trang bị kiến thức và kỹ năng sử dụng CNTT, do đó, việc áp dụng các công nghệ mới trở nên khó khăn. Việc đầu tư vào công nghệ mới tốn kém, trong khi nhiều nông dân hay doanh nghiệp nhỏ không có đủ nguồn lực tài chính để đầu tư. Việc ứng dụng CNTT cũng tiềm ẩn nguy cơ về an toàn và bảo mật thông tin, làm giảm sự tin tưởng của nông dân vào các công nghệ mới. Nhiều nông dân vẫn còn giữ thói quen sản xuất truyền thống và không quen với việc áp dụng các công nghệ mới, dẫn đến việc khó thay đổi tư duy và phương pháp sản xuất.
Vì vậy, trong thời gian tới, Sở NN&MT tiếp tục nghiên cứu các giải pháp tối ưu hơn để triển khai đưa CNTT vào sản xuất nông nghiệp, qua đó nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển bền vững ngành nông nghiệp, thực hiện tốt chương trình chuyển đổi số của Chính phủ để phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Trần Văn Phúc