Tăng cường phòng, chống cháy rừng
Theo cơ quan chức năng, hiện nay nguy cơ xảy ra cháy rừng là rất lớn do nắng nóng, khô hanh kéo dài và chuẩn bị vào mùa sản xuất rẫy của người dân. Vì vậy, công tác phòng chống cháy rừng cần được triển khai quyết liệt hơn, hiệu quả hơn.
Theo Thông báo số 13/TB-DBCR ngày 20/2 của Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng tỉnh, hiện nay, tất cả 10 huyện, thành phố trong toàn tỉnh đều có diện tích rừng nằm trong khu vực cảnh báo nguy cơ xảy ra cháy cao, với tổng diện tích gần 62.140ha.
Trong đó trên 54.535ha rừng ở mức cảnh báo cháy rừng cấp IV - cấp nguy hiểm, gồm các huyện Ia H'Drai, Sa Thầy, Đăk Hà, Đăk Tô, Ngọc Hồi, Kon Rẫy, thành phố Kon Tum; một số xã, thị trấn thuộc huyện Đăk Glei (Đăk Long, Đăk Môn, Đăk Kroong, thị trấn Đăk Glei) và huyện Tu Mơ Rông (Đăk Sao, Đăk Na, Đăk Tờ Kan, Đăk Rơ Ông, Đăk Hà).
Hơn 7.603ha rừng ở mức cảnh báo cháy rừng cấp III- cấp cao, gồm huyện Kon Plông; một số xã thuộc huyện Đăk Glei (Mường Hoong, Ngọc Linh, Đăk Choong, Xốp, Đăk Man, Đăk Pék, Đăk Plô, Đăk Nhoong) và huyện Tu Mơ Rông (Tu Mơ Rông, Văn Xuôi, Ngọc Yêu, Ngọc Lây, Tê Xăng, Măng Ri).
|
Ông Nguyễn Văn Nam- Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Tổ trưởng Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng tỉnh thông tin: Để phòng cháy, chữa cháy rừng, đối với các địa phương có dự báo cháy rừng cấp III, Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo đã yêu cầu thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại địa phương, chú trọng chỉ đạo phòng cháy các loại rừng trồng, rừng cây lá kim, khộp, bạch đàn, tre nứa.
Ngoài ra, thông tin cảnh báo kịp thời cấp dự báo cháy rừng ở vùng trọng điểm cháy, bố trí trực phòng cháy, chữa cháy rừng, chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật lực, phương tiện để ứng cứu kịp thời khi có cháy rừng xảy ra. Các đơn vị chủ rừng, các đơn vị trồng cao su trên đất lâm nghiệp phân công lực lượng trực khu vực trọng điểm 24/24 giờ nhằm phát hiện, huy động lực lượng chữa cháy kịp thời khi có cháy rừng xảy ra.
Đối với các địa phương có dự báo cháy rừng cấp IV, Tổ công tác liên ngành quản lý bảo vệ rừng cấp huyện thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại địa phương; tăng cường kiểm tra nghiêm ngặt trên các vùng trọng điểm cháy, kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện ra vào rừng, cấm các hoạt động đốt dọn nương rẫy, đốt xử lý thực bì, đốt giảm vật liệu cháy trong rừng.
Đồng thời, thông tin cảnh báo liên tục, kịp thời cấp dự báo cháy rừng trên địa bàn, bố trí trực phòng cháy chữa cháy rừng, chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật lực, phương tiện để ứng cứu kịp thời khi có cháy rừng xảy ra.
Bên cạnh đó, đề nghị các đơn vị chủ rừng, các đơn vị trồng cao su trên đất lâm nghiệp phân công trực canh gác các khu vực trọng điểm 24/24 giờ trong ngày. Khi xảy ra cháy rừng, phải huy động lực lượng, phương tiện dập tắt ngay đám cháy, không để cháy lan trên diện rộng; nếu đám cháy vượt quá tầm kiểm soát phải báo cáo ngay về Ban chỉ đạo cấp tỉnh để được hỗ trợ kịp thời.
|
Để chủ động ứng phó với các nguy cơ cháy rừng, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra, bảo vệ tài nguyên rừng và giữ vững môi trường sinh thái, các sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, trọng tâm là Kế hoạch số 117-KH/TU ngày 1/12/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Kết luận số 61-KL/TW ngày 17/8/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”.
Trong đó, chú trọng tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng phù hợp với từng đối tượng; đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia quản lý bảo vệ rừng và tố giác các hành vi vi phạm. Bố trí lực lượng trực phòng cháy chữa cháy rừng; tăng cường tuần tra, kiểm tra tại các khu vực rừng có nguy cơ cháy cao, kịp thời phát hiện và xử lý đám cháy ngay từ ban đầu. Đôn đốc việc phát, thu gom vật liệu cháy, bổ sung biển báo cấm lửa, cấm các hoạt động sản xuất nương rẫy, đặc biệt chú trọng tại các khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng.
Đài Khí tượng thủy văn tỉnh kịp thời cung cấp thông tin về thời tiết và các hiện tượng thời tiết cực đoan đến người dân và các cơ quan liên quan để phục vụ công tác phòng, chống cháy rừng và phòng chống thiên tai. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh chỉ đạo các lực lượng trực thuộc phối hợp chặt chẽ với lực lượng Kiểm lâm, chủ rừng chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia ứng cứu khi xảy ra cháy rừng.
Dương Nương