Vì sự phát triển bền vững của hợp tác xã
Hợp tác xã (HTX) đã và đang có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội vùng nông thôn, nhất là trong công cuộc xây dựng nông thôn mới hiện nay. Vì vậy, để HTX phát triển bền vững, ngoài sự nỗ lực của các HTX thì ngành chức năng và chính quyền địa phương luôn quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ cho các HTX phát triển, giúp mở rộng sản xuất, góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội, nâng cao đời sống người dân.
Xác định vai trò quan trọng của HTX trong xây dựng nông thôn mới, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho xã viên, người dân, thời gian qua các cấp, các ngành trong tỉnh luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để HTX phát triển. Trong đó, Liên minh HTX tỉnh đã tư vấn, hướng dẫn cho các HTX vay vốn ưu đãi từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh để mở rộng sản xuất kinh doanh và đến nay, đã có 8 HTX đang vay vốn với dư nợ 2.430 triệu đồng. Đề nghị, phân bổ nguồn vốn giải quyết việc làm để bổ sung nguồn lực hỗ trợ cho các HTX trên địa bàn vay, với tổng số tiền 831 triệu đồng. Tích cực hướng dẫn, cung cấp thông tin cho các HTX tham gia xây dựng Đề án đăng ký hỗ trợ khoa học, công nghệ hàng năm để tỉnh phê duyệt. Phối hợp với Sở Khoa học Công nghệ rà soát, lựa chọn các HTX thuộc huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn hỗ trợ các hộ thành viên cây con giống, phân bón, bao bì sản phẩm, VietGap, đào tạo kỹ thuật. Triển khai tốt các chính sách hỗ trợ HTX và phối hợp với Viện Khoa học công nghệ và môi trường (Liên minh HTX Việt Nam) hỗ trợ 12.000 cây giống dâu tây, 3.000 cây giống lan kim tuyến cho thành viên HTX Toong Xăng Xanh (huyện Tu Mơ Rông) trồng dưới tán cây rừng.
|
Nhờ đó, nhiều HTX hoạt động hiệu quả, đặc biệt, một số HTX bước đầu đã thực hiện sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị sản phẩm đạt hiệu quả cao. Nổi bật nhất là các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, các HTX đã xây dựng được các thương hiệu sản phẩm hàng hóa, trong đó, có 6 sản phẩm của 2 HTX được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao và 69 sản phẩm OCOP 3 sao.
Nhiều HTX trên địa bàn tỉnh đã góp phần tạo việc làm cho thành viên, người lao động, thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX là 50 triệu đồng/người/năm, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân.
Theo Liên minh HTX, tính đến hết tháng 3/2024, toàn tỉnh có 283 tổ hợp tác (THT), 300 HTX và 1 Liên hiệp HTX. Tổng nguồn vốn của HTX là 290 tỷ đồng. Doanh thu bình quân khoảng 1.305 triệu đồng/HTX/năm; lợi nhuận bình quân đạt khoảng 290 triệu đồng/HTX/năm.
Tu Mơ Rông là huyện nghèo nhưng với sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đến nay, toàn huyện đã phát triển được 34 HTX với 670 thành viên, đa số HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhiều HTX đã phát huy được vai trò tiên phong trong công tác xóa đói, giảm nghèo. Một số HTX đã thực sự hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới, sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm khép kín, từ sự liên kết chặt chẽ giữa các HTX với các thành viên, hộ gia đình để có sản phẩm đầu vào ổn định đến chế biến và liên kết với doanh nghiệp để xuất khẩu các sản phẩm của HTX.
|
Chia sẻ với chúng tôi, chị Cù Thị Hồng Nhung -Quản lý của HTX Thương mại tổng hợp trồng và chế biến dược liệu An Thành (ở xã Đăk Rơ Ông, huyện Tu Mơ Rông) cho biết: Quá trình hình thành HTX, chúng tôi có sự song hành và giúp đỡ nhiệt tình của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương. Đặc biệt, trong khi xây dựng vùng nguyên liệu và xây dựng nhà máy sản xuất đã được sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền xã, từ đó, giúp chúng tôi tự tin để tiếp tục đầu tư và phát triển thêm các sản phẩm mang đặc hữu của địa phương.
Để HTX phát triển bền vững hơn, thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, chính quyền địa phương đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, chuyển đổi số; hỗ trợ HTX tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử trong và ngoài nước như: Lazada, Tiki, Sendo, Alibaba. Tạo điều kiện cho các HTX tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, khuyến công, khuyến nông, tham gia các chương trình mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, các hoạt động đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực. Phối hợp các sở, ngành liên quan triển khai hiệu quả chương trình MTQG về nông thôn mới và Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tranh thủ nguồn kinh phí từ ngân sách tỉnh và sự hỗ trợ vốn của Trung ương trong việc đầu tư hỗ trợ, khuyến khích xây dựng, phát triển, nhân rộng các mô hình THT, HTX trên từng lĩnh vực, từng ngành nghề. Nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của THT, HTX, góp phần tạo việc làm cho người lao động, giảm nghèo và bảo vệ môi trường.
Hà Nam