Xử lý nghiêm các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp
Nhằm đảm bảo tính răn đe của pháp luật về lĩnh vực quản lý và bảo vệ rừng, lực lượng Kiểm lâm tỉnh đã và đang phối hợp với các đơn vị chức năng, chính quyền địa phương đẩy nhanh tiến độ điều tra, xác minh, làm rõ các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Thời gian qua, trên địa bàn huyện Đăk Hà đã xảy 3 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, gồm 1 vụ tại thôn Kon Teo Đăk Lấp, xã Đăk Long; 1 vụ tại khoảnh 9, tiểu khu 325, xã Đăk Pxi và 1 vụ tại khoảnh 1, tiểu khu 337, xã Đăk Hring.
Sau khi xảy ra các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, lực lượng Kiểm lâm huyện Đăk Hà và lực lượng chức năng liên quan đã nhanh chóng tổ chức điều tra, xác minh, làm rõ các vụ vi phạm. Qua xác định, các vụ vi phạm có hành vi xâm hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài nguyên rừng và phải xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.
|
Cụ thể, vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp tại thôn Kon Teo Đăk Lấp, xã Đăk Long, xảy ra từ tháng 10/2023, có 5 đối tượng liên quan đến vụ án. Hiện nay, hồ sơ vụ án đã được chuyển đến Tòa án nhân dân huyện Đăk Hà để xét xử theo quy định của pháp luật.
Đối với vụ vi phạm tại khoảnh 9, tiểu khu 325, xã Đăk Pxi, đây là vụ án hủy hoại rừng, loại rừng tự nhiên, chức năng sản xuất, chủ quản lý là hộ gia đình được Nhà nước giao đất, giao rừng. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đăk Hà đã đề nghị truy tố 5 bị can và bàn giao toàn bộ hồ sơ vụ án cho Viện KSND huyện.
Còn vụ vi phạm tại khoảnh 1, tiểu khu 337, xã Đăk Hring, lực lượng chức năng xác định đây là vụ án hủy hoại rừng và có 5 đối tượng thực hiện hành vi cắt, chặt phá rừng. Ngày 17/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đăk Hà đã thi hành bắt bị can để tạm giam. Hiện cơ quan điều tra đang khẩn trương tiến hành các hoạt động điều tra để nhanh chóng kết thúc điều tra vụ án, qua đó, đề nghị Viện KSND huyện truy tố theo quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Hữu Ngọc- Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đăk Hà cho biết, theo chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện Đăk Hà, các vụ án về vi phạm Luật Lâm nghiệp xảy ra trên địa bàn huyện trong thời gian qua sẽ được tổ chức xét xử lưu động nhằm đảm bảo tính răn đe của pháp luật đối với những cá nhân có hành vi vi phạm; đồng thời, giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về pháp luật bảo vệ rừng trong cộng đồng, người dân ở địa phương.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, bên cạnh 3 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp phải xử lý hình sự tại huyện Đăk Hà, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh còn xảy ra các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp khác đang được các cơ quan chức năng điều tra, xử lý hình sự đó là, vụ hủy hoại rừng xảy ra tại khu vực lâm phần do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plông quản lý và lâm phần do UBND xã Pờ Ê (huyện Kon Plông) quản lý; vụ án phá rừng trái pháp luật tại xã Đăk Sao (huyện Tu Mơ Rông).
|
Từ đầu năm đến ngày 15/7, qua công tác tuần tra, kiểm tra rừng và nắm bắt thông tin tại cơ sở, lực lượng Kiểm lâm tỉnh đã phát hiện 28 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp với khối lượng gỗ vi phạm 47,405m3, diện tích thiệt hại 6,098ha. So với cùng kỳ năm 2023, giảm 2 vụ vi phạm (tương ứng 6,67%); khối lượng gỗ vi phạm giảm 11,692m3 (tương ứng 19,78%), diện tích thiệt hại tăng 1,107ha (tương ứng 22,17%).
Đối với tiến độ xử lý các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, lực lượng Kiểm lâm và các lực chức năng liên quan đã xử lý 37 vụ (bao gồm các vụ từ năm 2023 chuyển sang và các vụ xảy ra từ đầu năm 2024 đến ngày 15/7), trong đó, xử lý hành chính 27 vụ, khởi tố 5 vụ án, xử lý khác 5 vụ (các vụ phá rừng đã hết thời hiệu xử lý, quá trình xác minh không xác định được đối tượng vi phạm). Ngoài ra, từ đầu năm 2024 đến nay, Tòa án nhân dân các cấp đã xét xử 2 vụ án vi phạm Luật Lâm nghiệp, tuyên phạt 6 bị cáo với tổng mức phạt 99 tháng tù giam, 68 tháng tù cho hưởng án treo.
Trong thời gian tới, lực lượng Kiểm lâm tỉnh tiếp tục tăng cường công tác trinh sát, nắm bắt thông tin và rà soát, xác định, triển khai các biện pháp “xóa” các điểm nóng về vi phạm Luật Lâm nghiệp; phối hợp tổ chức tuần tra, truy quét rừng đột xuất và thường xuyên nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ vi phạm; phối hợp xử lý dứt điểm các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp đã phát hiện, không để tồn đọng, từ đó, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và nâng cao nhận thức bảo vệ rừng trong cộng đồng, người dân.
Đức Thành