Nữ nghệ nhân Y Piuh miệt mài giữ nghề truyền thống
Ở thôn Kon Gu 1, xã Ngọc Wang (huyện Đăk Hà), bà Y Piuh (70 tuổi) được nhiều người ngợi khen vì ngoài chăm lo làm nông, bà còn rất khéo tay dệt thổ cẩm và đan lát.
Sau giờ lên rẫy, bà Y Piuh trở về nhà và tiếp tục vót nốt số nan còn lại. Bà kể, giờ tuổi cao, sức yếu, mỗi lần lên rẫy chỉ mang được ít lồ ô, nứa về nhà nên cố vót cho hết.
Tâm sự với chúng tôi, bà Y Piuh nhớ lại, bố mất sớm nên 10 anh chị em bà chỉ biết nương tựa vào mẹ. Thương mẹ một mình gánh vác nuôi các con, bà Y Piuh cùng anh chị làm đủ việc để trang trải việc gia đình.
“Ngày cha còn sống, ông thường ngồi nơi góc bếp miệt mài đan những chiếc gùi, chiếc nia để đổi gạo bà con trong làng. Ngày cha mất đi, tôi tiếp nối nghề đan lát. Vì chưa được cha chỉ dạy nên lúc đầu tôi đành đến nhà những người trong làng để học hỏi cách đan. Thông cảm cho hoàn cảnh, nên ai cũng nhiệt tình chỉ bảo”- bà Y Piuh chia sẻ.
|
Ở làng Kon Gu 1 lúc đó, việc đan lát thường do đàn ông trong nhà đảm trách, nhưng với mong muốn làm ra những sản phẩm phụ giúp gia đình cùng với sự sáng dạ, chịu khó học hỏi, trong vài hôm, Y Piuh có thể học cơ bản được cách đan. Thời gian trôi qua, bà đã có thể ngồi vào chỗ cha mình hay ngồi, chẻ lạt, vót nan, chậm rãi đan nên những chiếc gùi xinh xắn. Khi đan gùi thành thạo, bà Y Piuh tiếp tục học cách đan nong, đan nia.
Thấy bà Y Piuh đan đẹp, anh chị cùng mẹ bà rất vui mừng vì trong nhà cũng có người mê đan lát giống cha, có đồ dùng để phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, vừa dùng đổi gạo, đổi thức ăn.
Sự khéo léo của đôi bàn tay phụ nữ được gửi gắm qua từng sợi lạt, đường đan. Những chiếc gùi, chiếc nia do bà Y Piuh làm ra đều sắc sảo không thua kém cha mình. Nhiều người trong làng tấm tắc khen bà Y Piuh đan đẹp, chắc, bền không thua kém gì đàn ông.
Thấy con gái khéo tay, cùng thời điểm đó, bà Y Piuh cũng được mẹ chỉ dạy cho cách dệt thổ cẩm. Bởi với người Tơ Đrá (nhánh của dân tộc Xơ Đăng), phụ nữ phải biết dệt mới “bắt” được chồng. Lúc đầu, bà Y Piuh tỏ vẻ không thích dệt vì thấy khó và phức tạp hơn đan lát rất nhiều. Được mẹ và chị gái động viên, tận tình chỉ dạy, bà Y Piuh lại học dệt.
Bà Y Piuh cho biết: “Tôi thấy dệt khó hơn đan rất nhiều, để dệt được một tấm vải phải trải qua nhiều công đoạn như hái bông kéo sợi, nhuộm màu. Để có những nguyên liệu dệt, tôi phải cùng mẹ lặn lội đi vào rẫy lấy quả bông về kéo sợi. Để có nhiều màu khác nhau, tôi cùng mẹ phải vào tận rừng sâu, vượt nhiều triền núi hiểm trở để lấy vỏ cây, rễ cây giã nhỏ, đun nước để nhuộm màu cho sợi”.
Nhờ mẹ chỉ dạy, Y Piuh nhanh chóng học được cách kéo sợi, dệt sợi. Những tấm vải do Y Piuh làm ra với nhiều họa tiết được dệt tỉ mỉ, sắc sảo. Nhiều đàn ông trong làng cũng mê tài dệt của bà Y Piuh nên rất muốn bà làm vợ. Và người bà yêu, cưới làm chồng cũng giỏi đan lát, làm rẫy, đánh bắt cá.
|
Sau khi lập gia đình, ngoài thời gian dành cho việc rẫy, việc làng, bà còn tranh thủ mọi lúc để đan lát, dệt thổ cẩm. Có những hôm, cả ngày ròng rã phơi mình trên rẫy, tối đến bà Y Piuh vẫn cùng chồng đan lát, dệt thổ cẩm để phục vụ gia đình và nâng cao kỹ năng cho bản thân.
Những sản phẩm do bà Y Piuh dệt ra ngày càng nhiều, với những họa tiết ngày càng bắt mắt hơn. Tại các lễ hội, bà Y Piuh diện những chiếc váy do chính tay mình dệt khiến nhiều chị em trong làng để ý. Tiếng lành đồn xa, nhiều người dân trong và ngoài làng biết đến tay dệt của bà, họ sẵn sàng mang gạo, mang gà, heo đến đổi, hay đặt những tấm vải lớn.
Và cứ thế, nghề đan lát và dệt thổ cẩm luôn gắn bó với bà Y Piuh theo năm tháng. Nó trở thành bạn tri kỷ, cùng bà Y Piuh trải qua mọi thăng trầm trong cuộc sống. Giờ đây, khi về già, đan lát và dệt trở thành nghề mưu sinh tuổi già. Nhiều người trong và ngoài làng tìm đến bà Y Piuh để đặt các sản phẩm dệt, đan lát. Trung bình mỗi tháng bà Y Piuh kiếm hơn 1 triệu đồng từ việc bán các sản phẩm truyền thống do mình làm ra. Ngoài ra, bà Y Piuh còn truyền dạy nghề dệt, đan lát cho con cháu và những người trong làng có nhu cầu học hỏi.
Ông Ngô Tấn Khoa – Chủ tịch UBND xã Ngọk Wang cho biết, bà Y Piuh là 1 trong 6 người còn duy trì nghề dệt thổ cẩm trên địa bàn xã. Thời gian tới, xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức đồng bào DTTS ở địa phương về tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống để tham gia bảo tồn, lưu giữ những sản phẩm truyền thống độc đáo của dân tộc. Cùng với đó, lồng ghép các chương trình phát triển nghề truyền thống, giới thiệu tiêu thụ sản phẩm thủ công truyền thống của địa phương gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái trên địa bàn; hỗ trợ mở các lớp dạy nghề truyền thống cho thế hệ trẻ trong đồng bào DTTS.
NGUYỄN BAN